Trong bài bình luận mới đây, hãng tin AP (Mỹ) cho rằng, việc một vài quốc gia châu Á đẩy mạnh năng lực quân sự quốc gia không nằm ngoài mục đích đề phòng và ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc trong cuộc chiến giành chủ quyền tại những vùng biển đang xảy ra tranh chấp tại Đông Á.
Ngoài ra, thông tin liên quan tới khoản tăng ngân sách quốc phòng của các nước được công bố trong bối cảnh Trung Quốc ngang nhiên khẳng định chủ quyền với nhiều bãi đá và hải phận tranh chấp với các quốc gia láng giềng. Thậm chí, một số quốc gia như Ấn Độ và Hàn Quốc còn nhanh chóng hiện đại hóa các lực lượng quân sự mặc dù những tranh chấp của họ với Trung Quốc chủ yếu vẫn diễn ra trên mặt trận ngoại giao.
Các quốc gia châu Á tăng ngân sách quốc phòng nhằm ngăn chặn sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc. |
Nhà phân tích địa chính trị Robert D. Kaplan thuộc Công ty nghiên cứu tình báo Stratfor tại Mỹ cho rằng mục tiêu trang bị thêm vũ khí của Trung Quốc là nhằm đánh bật vị thế thống trị của Mỹ tại Thái Bình Dương. Bắc Kinh đang âm mưu giành quyền kiểm soát các tuyến đường biển nhộn nhịp tại Biển Đông cùng giếng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên tại các vùng biển Đông Á. Theo AP, các quốc gia châu Á hiện đang chiếm một nửa số lượng vũ khí nhập khẩu trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc đang trở thành quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất khu vực khi mà ngân sách quân sự thường niên của nước này đã tăng gấp 4 lần trong một thập niên qua.
"Trung Quốc tự cho rằng họ có thể tăng cường năng lực quân sự tại khu vực Biển Đông và Hoa Đông nhanh hơn Việt Nam và Philippines. Nếu Trung Quốc có thể di chuyển tự do và giành quyền kiểm soát các vùng biển phụ cận, Bắc Kinh sẽ chính thức trở thành một cường quốc biển", ông Kaplan chia sẻ.
Trong khi đó, Viện Hòa bình quốc tế Stockholm nhận định Bắc Kinh vẫn chưa thể bắt kịp tốc độ tăng chi tiêu quốc phòng với mức 665 tỷ USD/năm của Mỹ. Theo đó, mức chi tiêu quốc phòng của Mỹ bằng tổng 8 quốc gia đứng sau cộng lại và gấp 3 lần so với Trung Quốc. Tuy nhiên, số tiền Trung Quốc chi cũng đã ngang hàng với tổng chi tiêu quốc phòng của 24 quốc gia tại khu vực Đông và Nam Á.
Hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc đang trở thành đề tài nhận được nhiều sự quan tâm nhất của dư luận quốc tế. Bắc Kinh còn tham vọng nâng tổng số tàu ngầm lên 78 chiếc ngang hàng với Mỹ vào năm 2020. Theo đó, phần lớn tàu ngầm của Trung Quốc sẽ neo đậu tại căn cứ cảng biển lớn nhất nước này tại đảo Hải Nam trên Biển Đông.
Động thái của Trung Quốc cũng đã làm thay đổi thị trường mua bán tàu ngầm tại châu Á. Trong năm nay, Việt Nam đã tiếp nhận 3 trong số 6 chiếc tàu ngầm mua của Nga cùng với các máy bay tuần tra đường biển có khả năng phát hiện tàu ngầm Trung Quốc. Nga đang là nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu tại khu vực châu Á, theo sau là Mỹ và các quốc gia châu Âu như Hà Lan.
Việt Nam đã tiếp nhận 3 chiếc tàu ngầm Kilo từ Nga. |
Tương tự, Nhật Bản cũng đang dần thay thế toàn bộ hạm đội hiện thời bằng lực lượng tàu ngầm hiện đại hơn. Hàn Quốc thì trang bị thêm các tàu ngầm tấn công cỡ lớn và Ấn Độ lên kế hoạch đóng thêm 6 tàu ngầm mới. Hồi tháng 5, hành động Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đã khiến mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng. Thậm chí, các tàu thuyền của Trung Quốc còn ngăn cản tàu Việt Nam thực thi nhiệm vụ. Do đó, AP cho biết trong 5 năm qua, ngân sách chi tiêu quân sự của Việt Nam đã tăng thêm 83%, chiếm 8% khoản chi tiêu của chính phủ.
"Những nước yếu thế hơn thường chọn tàu ngầm để đối phó với đối thủ mạnh hơn. Bởi tàu ngầm có thể di chuyển mà không phát ra tiếng ồn và tránh được sự kiểm soát từ lực lượng trên không và trên biển", nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Stockholm, Siemon Wezeman nói.
So với Việt Nam và Nhật Bản, mức chi tiêu quốc phòng của Philippines vẫn còn xếp sau. Sau khi đứng nhìn một cách vô vọng để Trung Quốc chiếm nhiều bãi đá ngầm, Manila đã chào mời quân đội Mỹ trở lại những căn cứ quân sự vốn vắng bóng binh sĩ trong vòng 20 năm qua. Ngoài ra, Philippines còn lên kế hoạch tăng chi tiêu quân sự để mua thêm các máy bay kiểm soát đường biển, máy bay ném bom và nhiều loại khí tài khác.
"Philippines đang nỗ lực đầu tư hiện đại hóa quân sự. Trong nhiều năm, nền kinh tế của Philippines vẫn đang tăng trưởng và cũng trong nhiều năm qua, quốc gia này không thể đáp trả những yêu cầu của họ", nhà phân tích quốc phòng châu Á - Thái Bình Dương thuộc nhóm nghiên cứu IHS Jane, Jon Grevatt chia sẻ.
Ngay cả tại Nam Á, khu vực Trung Quốc dường như không thể xâm chiếm, Ấn Độ cũng đã trang bị thêm xe tăng và chiến đấu cơ đồng thời trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Thậm chí, Ấn Độ đã thành lập quân đoàn sơn cước với 100.000 quân nhân gần khu vực biên giới tranh chấp với Trung Quốc.
Hồi tháng Sáu, Nhật Bản đã quyết định tặng 6 tàu tuần tra bờ biển cho Việt Nam sau khi cam kết tặng 10 chiếc cho Philippines hồi năm ngoái. Theo viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Anh, Việt Nam đã tăng gần gấp đôi hạm đội tàu bảo vệ bờ biển lên 68 chiếc trong vòng 5 năm qua.
Trong khi đó, Nhật Bản đã mở rộng hạm đội bảo vệ bờ biển thêm 41 tàu, nâng tổng số lên 389 chiếc. Trong 2 năm qua, những chiếc tàu này đã được Nhật Bản sử dụng để bảo vệ chủ quyền tại quần đảo đang xảy ra tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông, cụ thể là ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Chính phủ Nhật Bản đề nghị khoản chi tiêu ngân sách quốc phòng cao kỷ lục để trang bị máy bay tuần tra P-1 và nhiều loại vũ khí khác. |
Thậm chí, Nhật Bản còn chuẩn bị sẵn phương án tự bảo vệ mình trong trường hợp căng thẳng leo thang với Trung Quốc. Điển hình, hồi tháng trước, chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề xuất khoản chi tiêu quốc phòng cao kỷ lục 48 tỷ USD để trang bị máy bay tuần tra P-1, chiến đấu cơ tàng hình và nhiều khí tài khác của Mỹ.
Hồi tháng 7, nội các của Thủ tướng Abe cũng đã đồng thuận thay đổi hiến pháp cho phép quân đội nước này tham gia chiến đấu bảo vệ Mỹ và quân đội nước ngoài trong trường hợp họ bị tấn công. Hồi đầu tháng này, Nhật Bản và Ấn Độ cũng đã cam kết chia sẻ công nghệ quốc phòng và tổ chức các cuộc tập trận chung.