Trong bài viết đăng ngày 12/7, tạp chí National Interest khẳng định Quân đội Nhân dân Việt Nam có một lịch sử thành công. Dù Việt Nam và Trung Quốc cùng sử dụng nhiều loại vũ khí do Liên Xô, sau này là Nga, chế tạo nhưng Việt Nam sẽ phòng thủ hiệu quả trước những đợt tấn công của Bắc Kinh.
Chiến đấu cơ Su-27
Dù thua thiệt so với Không quân Trung Quốc về số lượng nhưng Không quân Việt Nam dạn dày kinh nghiệm phòng thủ do từng chiến đấu chống lại những đợt không kích của Mỹ, đội quân hùng mạnh và hiện đại nhất hành tinh.
Máy bay chiến đấu Su-27. Ảnh: QĐND |
Sau khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam tiếp tục nâng cấp không quân với các loại máy bay hiện đại mua từ Nga, trong đó có phi đội tiêm kích phản lực Su-27 Flanker. Tạp chí của Mỹ cho rằng Việt Nam có khoảng 40 chiếc Su-27 và sẽ bổ sung thêm 20 chiếc trong thời gian tới. Ngoài khả năng phòng thủ, Su-27 của Việt Nam có thể tấn công các mục tiêu quân sự của Trung Quốc nhờ trang bị tên lửa hành trình tầm xa, độ chính xác cao.
Kết hợp với hệ thống phòng không dưới mặt đất, Su-27 và phi đội máy bay chiến đấu của Việt Nam sẽ ngăn chặn những cuộc không kích tiềm năng của Trung Quốc. Khả năng chiến đấu ưu việt của Su-27 mang lại những lợi thế phòng thủ lớn cho Việt Nam.
Tàu ngầm Kilo
Các chuyên gia phân tích đều nhận định, Hải quân Trung Quốc chưa đạt được những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực săn ngầm. Dù Trung Quốc có phi đội tàu ngầm đông đảo nhưng nó không đủ duy trì lợi thế lâu dài cho Bắc Kinh ở Biển Đông.
Tàu ngầm Kilo TP. Hồ Chí Minh HQ-183. Ảnh: QĐND |
Việt Nam đang sở hữu hai chiếc tàu ngầm điện-diesel Kilo thế hệ mới của Nga. Bốn chiếc còn lại trong hợp đồng mua bán vũ khí sẽ sớm góp mặt trong biên chế Hải quân Việt Nam. Các chuyên gia quân sự đánh giá, loạt tàu ngầm Kilo của Việt Nam hiện đại hơn các tàu ngầm Kilo thế hệ cũ mà Trung Quốc đang sử dụng.
Tàu ngầm Kilo Việt Nam có khả năng trang bị cả ngư lôi và tên lửa hành trình chống hạm, khiến chúng trở thành mối đe dọa lớn nhất của Hải quân Trung Quốc. Với biệt danh "hố đen", các tàu ngầm Việt Nam được cho là có thể phát hiện và tiêu diệt các tàu ngầm Trung Quốc khi chúng chưa kịp trở tay.
Trong vài năm tới, Hải quân Việt Nam sẽ có hạm đội tàu ngầm đầu tiên. Trung Quốc có thể gây sức ép với Nga nhằm hoãn việc bàn giao tàu ngầm Kilo cho Việt Nam. Tuy nhiên, Moscow không có lý do gì để thực hiện yêu cầu của Trung Quốc. Việt Nam sẽ sớm nhận đủ 6 chiếc tàu ngầm có khả năng "biến mất" dưới đại dương. Chúng đủ khả năng reo rắc kinh hoàng cho Hải quân Trung Quốc.
Tên lửa hành trình chống hạm P-800 Yakhont
Việt Nam đang sở hữu P-800 Yakhont, tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh do Liên Xô, sau này là Nga, nghiên cứu và phát triển. Đây là loại tên lửa có thể phóng từ tàu chiến, tàu ngầm, máy bay chiến đấu hay những hệ thống phóng ven biển.
Tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh P-800 Yakhont. Ảnh: Defesaaereanaval |
Với tầm bắn từ 120-300 km, P-800 Yakhont có thể tấn công các tàu chiến của Trung Quốc. Trong khi đó, tên lửa loại này có thể vô hiệu hóa hệ thống phòng không của đối phương nhờ di chuyển với vận tốc 3.000 km/h ở độ cao thấp. Đầu đạn nổ nặng 250 kg giúp nó dễ dàng đánh chìm các tàu chiến cỡ lớn. Các tên lửa loại này sẽ hạn chế phạm vi tác chiến của Hải quân Trung Quốc.
Tên lửa phòng không S-300
Tổ hợp tên lửa S-300 là một trong những hệ thống phòng không di động tầm xa hiện đại hàng đầu thế giới. S-300 ra đời nhằm đánh chặn máy bay, tên lửa hành trình của đối phương. Các biến thể sau này của S-300 có khả năng đánh chặn các loại tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Hệ thống tên lửa phòng không S-300 PMU-1 của Việt Nam. Ảnh: QĐND |
Radar hệ thống S-300 PMU-1 của Việt Nam có thể theo dõi đồng thời hàng trăm mục tiêu và tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách từ 1 km tới hàng chục, thậm chí là hàng trăm km. Hệ thống điều khiển hỏa lực cho phép S-300 đồng thời hạ 6 mục tiêu khác nhau.
Trong tác chiến, hệ thống phòng không S-300 PMU-1 sẽ kết hợp với phi đội máy bay chiến đấu của không quân Việt Nam để phong tỏa bầu trời, đánh chặn các loại máy bay và tên lửa của Trung Quốc.