Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giáo dục những giá trị Việt Nam truyền thống cho thế hệ trẻ

Một phần tham luận "Đi tìm bộ 'gen' của hệ giá trị Việt Nam" của GS Đặng Cảnh Khanh.

GS Đặng Cảnh Khanh. Ảnh: QĐND.

Xung quanh bộ “gen” cơ bản về giá trị Việt Nam, lấy tình thương yêu quê hương đất nước, cộng đồng và yêu thương con người làm trung tâm. Trong xã hội truyền thống, dân tộc Việt Nam còn xây dựng và duy trì được một hệ thống các giá trị có liên quan đến những phẩm chất tốt đẹp của con người như tình yêu đối với lao động sáng tạo, tính kiên trì và nhẫn nại vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, đấu tranh vì hạnh phúc, tính ham học hỏi, trọng tri thức và học vấn, sự tôn trọng các giá trị về gia đình cùng với mọi chuẩn mực về đạo đức, lối sống, giao tiếp, tạo nên tính cách đặc biệt của xã hội và con người Việt nam.

Để bảo tồn được những giá trị nói trên, cha ông chúng ta cũng xây dựng nên những giá trị có liên quan đến việc quản lý các giá trị này trong thực tiễn lịch sử. Ở đây vai trò của Nhà nước và các cộng đồng làng xã là đặc biệt quan trọng.

Những nội dung và phương thức hoạt động nhằm phát huy vai trò của chính quyền và cộng đồng đối với việc giữ gìn các giá trị Việt nam trong xã hội truyền thống, đến nay vẫn còn nhiều điểm rất đáng được quan tâm, trân trọng và phát huy.

Lấy dân làm gốc, quan tâm, chăm lo đời sống của người dân là một giá trị trong quản lý xã hội.

Xuất phát từ những giá trị Việt Nam cơ bản, trong xã hội Việt Nam truyền thống, việc quan tâm tới người dân là một trong những hệ giá trị cao nhất đối với người lãnh đạo đất nước.

“Bảo quốc” (giữ nước) và “hộ dân” (giúp dân) là hai nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà cầm quyền. Nếu không làm tròn hai nhiệm vụ này thì sự tồn tại của một triều đại cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Những triều đại được coi là thịnh trị là triều đại mà mọi người dân đều được sung túc, thóc gạo đầy bồ, dân tình phấn khởi, “của rơi ngoài đường không ai thèm nhặt”. Những triều đại bị coi là suy đồi là những triều đại bỏ quên giá trị cơ bản này, không chăm lo được cho dân, đất nước nghèo đói, mất mùa, quan lại tham nhũng. Những nhà lãnh đạo không quan tâm được tới dân, tàn ác với dân bị gọi là loại “vua quỷ” ( Lê Uy Mục), ăn chơi trác táng trên mồ hôi xương máu của dân là “vua lợn” (Lê Tương Dực)…

Chính sách chung của nhà nước, tuỳ theo mỗi giai đoạn lịch sử, dù là quản lý theo kiểu đức trị, pháp trị, nhân trị hay văn trị… thì cũng đều phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản của “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, tức là phù hợp với sự phát triển của thời đại, phù hợp với hoàn cảnh đất đai thiên nhiên và sau cùng phù hợp với lòng dân.

Nhân có hòa thì nước mới thái bình, chính sách có đáp ứng được với tâm tư, nguyện vọng của người dân thì dân mới phấn khởi, lòng dân mới yên, đất nước mới ổn định và phát triển.

Trong những thời điểm đất nước lâm nguy, cần đến những quyết sách lớn, Nhà nước bao giờ cũng phải thăm dò, tìm hiểu ý kiến của người dân. Để tránh thói độc đoán, quan liêu, xa dân, nhiều ông vua còn thường xuyên “vi hành”, mặc giả lái buôn, nho sĩ, văn nhân, thâm nhập vào đời sống xã hội.

Lịch sử còn ghi rõ về nội dung hội nghị Diên Hồng nổi tiếng, lấy ý kiến của các vị bô lão trong việc chống giặc Nguyên Mông. Dựa vào dân, quan tâm đến cuộc sống của người dân là bí quyết để gây dựng mối đoàn kết toàn dân.

Cứu trợ xã hội, thời nào cũng vậy, đều được coi là chính sách nhất quán, là một nhiệm vụ của chính quyền Nhà nước và các cộng đồng làng xã. Nhà nước thành lập các kho thóc nhằm cứu giúp các vùng thiên tai, lũ lụt, hạn hán, mất mùa.

Tạo sự bình đẳng về cơ hội và phát triển cho con người

Dựa trên nền tảng của chế độ công điền công thổ, duy trì các quan hệ cộng đồng làng xã, ở Việt Nam, sự phân chia đẳng cấp không quyết liệt như ở xã hội phương Tây thời Trung cổ, Ấn Độ hoặc nhiều nơi khác trên thế giới.

Ở xã hội Việt Nam truyền thống, người ta không quá khe khắt trong sự phân biệt địa vị xã hội. Việc đánh giá con người thường thông qua những đóng góp cho cộng đồng, thông qua học vấn và tri thức. Người bình dân không quá khó khăn khi kết hôn với con cái nhà quý tộc, quan lại như ở nhiều nước phong kiến khác.

Xã hội đã tạo cơ hội phấn đấu cho mọi loại người, kể cả nhóm bình dân. Mọi người đều có thể trở thành quý tộc, quan lại, thông qua việc học hành, khoa cử. Hiếm có nơi nào trên thế giới mà một người thuộc tầng lớp bình dân, thậm chí nghèo khổ, nếu học hành phấn đấu rèn luyện thành tài là có thể trưởng thành và đứng vào hàng ngũ những quan lại, thậm chí quan lại cao cấp nhất trong điều hành đất nước.

Trong lịch sử của mình, có thể nói, dân tộc Việt Nam là một trong những dân tộc đã có được một hệ thống giá trị hướng tới việc xây dựng một đội ngũ đông đảo nhất những trí thức lớn xuất thân từ tầng lớp bình dân. Chúng ta có rất nhiều tể tướng, thượng thư xuất thân chỉ là những anh học trò nghèo, những kẻ chăn trâu, cắt cỏ…

Đào tạo nhân tài cho đất nước là một giá trị đối với việc phát triển dân tộc

Ở Văn miếu, ngay tấm bia đầu tiên, ghi khoa thi năm 1442 đã viết một câu mà nay đã trở thành danh ngôn của đất nước : “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy, cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo xây dựng nhân tài”.

Câu nói này nhắc nhở các nhà lãnh đạo đất nước ở thời kỳ nào cũng vậy, phải biết chăm lo đến sự học và chỉ có sự chăm lo này mà chúng ta mới có được nhân tài, có được nguyên khí quốc gia.

Chính từ ý tưởng quan trọng trên mà tổ tiên chúng ta đã khắc tên những người học hành đỗ đạt lên bia đá, truyền lại cho các thế hệ đời sau những tấm gương khuyến khích sự học, làm cái điều mà ngày nay chúng ta vẫn gọi là “xã hội hoá giáo dục” vậy.

Sự khuyến khích học tập đã được khẳng định rõ cũng trong tấm bia nêu trên như sau: “Cho nên lại ghi tên, khắc đá, bày nơi cửa hiền tài, khiến kẻ sĩ trông vào mà sinh lòng hâm mộ, phấn chấn, tự rèn luyện lấy danh tiết”.

Tinh thần đề cao học vấn và tri thức đã tạo ra một môi trường học tập trong giới trẻ. Trẻ con ở xã hội Việt Nam truyền thống, ngay từ khi lọt lòng mẹ, đã nghe những lời ru về chữ nghĩa học hành, lớn lên trong không khí chữ nghĩa, học hành, thi cử và chính điều đó đã định hướng chung cho con đường lập thân lập nghiệp của mọi người.

Sự ra đời của Văn miếu và Quốc Tử Giám ở Thăng Long, cùng với tuyển chọn người tài thông qua việc học hành thi cử, có thể được coi là một bước ngoặt lớn, đánh dấu sự chuyển biến có tính chiến lược đối với nền giáo dục Việt Nam. Nó cũng là dấu mốc quan trọng cho việc ra đời của nền giáo dục mới, có quy củ và hệ thống hơn.

Bảo vệ các giá trị xung quanh con người và lao động sáng tạo

Ở nước ta, một trong những nhiệm vụ quan trọng của chính quyền Nhà nước trong truyền thống là duy trì và bảo vệ các giá trị của con người. Mở đầu “Bình Ngô đại cáo” Nguyễn Trãi đã khẳng định

Như nước Đại Việt ta từ trước,

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,

Điều mà Nguyễn Trãi khẳng định về văn hiến Việt Nam, về bản chất chính là sự tồn tại của các giá trị mang đặc trưng Việt nam, những giá trị này chính đã tồn tại trong con người Việt Nam, được dung dưỡng từ đời này sang đời khác trong con người Việt Nam.

Để làm được điều đó, chính quyền Nhà nước Việt Nam thời nào cũng vậy đều có các chính sách bảo vệ các giá trị Việt Nam, văn hiến Việt Nam và con người Việt Nam. Trong các chuẩn mực về luật pháp và đạo đức, các giá trị này được đề cao. Những người có công trạng với văn hoá, với cộng đồng và dân tộc thời nào cũng được đề cao, tôn trọng. Những kẻ phá hủy các giá trị này bị trừng phạt, khinh bỉ.

Ở Việt Nam xưa nay, các anh hùng xả thân vì nước đều được tôn thờ ở những nơi trang trọng nhất. Chiến công của họ được học tập, nhắc nhở, được thần thánh hóa, ghi lại bằng bảng vàng bia đá để truyền tụng cho đời sau. Người có công trạng lớn thì cả nước thờ phụng, có công với làng thì trở thành những vị thần thánh của làng - những thần hoàng làng.

Nhà nước Việt Nam không chỉ có chính sách ghi nhớ công lao của những người đánh giặc giữ nước mà còn tôn sùng, thờ phụng cả những người lao động sáng tạo xây dựng đất nước. Họ cũng khuyến khích, động viên các làng xã thực hiện tốt chính sách này. Bản thân nhà vua thường ban chiếu khen thưởng các làng xã và cá nhân, biểu dương kịp thời những tấm gương tốt.

Các làng xã cũng thờ phụng những người có công trạng trực tiếp với làng. Thần hoàng làng thường không chỉ là những anh hùng dọc ngang can đảm trên trận mạc mà còn là những người có công khai hoang, mở đất dựng làng, truyền bá văn hoá, thuần phong mỹ tục, gây dựng cuộc sống lao động bình yên, tốt đẹp cho cộng đồng.

Người ta cũng tôn thờ và ghi nhớ công lao của cả những người đã sáng tạo và lưu truyền các ngành nghề lao động truyền thống. Song nhiều trường hợp, các cá nhân được tôn thờ lại chỉ là những người trồng dâu nuôi tằm, những thợ rèn, thợ đúc, thợ xây, thợ gốm, thợ làm bánh ... bình thường nhưng có khả năng lao động đóng góp cho cộng đồng. Có làng thờ cả người hót phân bón ruộng. Nhiều làng thờ cả những người ăn mày ăn xin.

Thờ cúng những anh hùng những người có công lao chính là để nhắc nhở con cháu, nhắc nhở những người trẻ tuổi về việc học tập và noi theo những giá trị tốt đẹp của tổ tiên. Thêm nữa, đó cũng là việc nâng cao lòng tự hào dân tộc và tình yêu thương đối với tổ quốc, đồng bào.

Tại Việt Nam, chúng ta có thể bắt gặp ở bất cứ một địa phương khu vực nào những đình, đền, miếu mạo thờ những vị anh hùng, danh nhân, hiền tài như vậy.

Để nâng cao giá trị tinh thần của con người đối với lao động, sản xuất, xưa kia ở Thăng Long, trong các nghi lễ chính thức được nhà nước tổ chức có những nghi lễ đề cao lao động sản xuất như lễ Nam Giao, Lễ khuyến nông...

Những bài học về việc giáo dục những giá trị Việt Nam truyền thống cho các thế hệ con người Việt Nam như trên là rất đáng được quan tâm đối với việc xây dựng con người trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó chúng ta cần phải quan tâm đến việc khắc phục những mặt chưa phù hợp với các điều kiện và đặc điểm của xã hội hiện đại. Về điều này chúng tôi xin phép được bàn đến trong một dịp khác.

Định hình bộ 'gen di truyền' của Việt Nam

Các giá trị, hệ giá trị thống nhất, bổ sung cho nhau tạo nên cốt cách con người, văn hóa hôm nay. Chúng là bộ "gen di truyền”, là ID Việt Nam trao truyền qua các thế hệ.

Hệ giá trị quốc gia là kim chỉ nam cho phát triển

Các quốc gia phát triển thành công, trở thành các dân tộc tiên phong trong nền văn minh nhân loại thường có một hệ giá trị quốc gia phù hợp, chuẩn xác.

GS Đặng Cảnh Khanh

Bạn có thể quan tâm