Dạy trẻ bằng roi vọt là biểu hiện của sựu bế tắc của người dạy dỗ. Nguồn: vietnamnet. |
“Tâm trí của lũ trẻ rất mong manh, và vết hằn của đòn roi nghiêm trọng nhất là khi bị hằn vào tâm trí. Cái roi luôn ám ảnh tôi, nhắc nhở tôi, nhất là khi tôi bắt đầu mở trường, xây dựng một không gian giáo dục của riêng mình. Tôi luôn khao khát một ngôi trường không có cái roi nào cả”, nhà giáo - TS Nguyễn Văn Hòa trải lòng như vậy trong cuốn sách Người thầy xây trường hạnh phúc của mình.
Tiếp nối câu chuyện xây “trường học hạnh phúc” của mình, TS Nguyễn Văn Hòa cùng hai cộng sự viết tiếp cuốn sách Xây dựng trường học hạnh phúc: Con đường tôi đi.
Cả hai cuốn sách đều gửi gắm thông điệp: “Các thầy cô giáo với trái tim yêu thương và khát vọng thay đổi bản thân, thay đổi giáo dục, thì trường học hạnh phúc sẽ trở thành hiện thực”.
Năm 20 tuổi, khi chiến tranh chống Mỹ cứu nước bùng nổ, ông Nguyễn Văn Hòa đã viết thư bằng máu xin vào chiến trường miền Nam. Đến khi hòa bình lập lại, ông tiếp tục thực hiện ước mơ thời trai trẻ, đó là đi học đại học .
Khi trở về từ chiến trường, dù đã ngoài 30, ông vẫn quyết định ôn và thi đỗ đại học.
Cơ duyên đến với ông khi được theo học ngành Sư phạm. Ra trường, ông theo nghề giáo. Suốt 30 năm làm nghề, “trường học hạnh phúc” luôn là nỗi trăn trở và mục tiêu mà thầy Hòa hướng đến.
Hiện TS Nguyễn Văn Hòa là giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, người thành lập và Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục.
Sách Người thầy xây trường hạnh phúc và Xây dựng trường học hạnh phúc. Ảnh: ETS. |
Giáo dục không phải là tạo nên những ngôi sao thành tích
Sau một thời gian tìm tòi và dò dẫm, nhà giáo Nguyễn Văn Hòa nhận ra con đường của mình trong sự nghiệp làm trường tư. Ông chia sẻ trong cuốn sách Người thầy xây trường hạnh phúc rằng làm giáo dục không hẳn là mình đọc được bao nhiêu sách, mà là mình đọc được những gì xảy ra trong cuộc đời.
Nhờ sống với tinh thần học tập, phát triển và lòng quyết tâm, TS Nguyễn Văn Hòa đã vượt mọi rào cản, khó khăn để khiến mọi người từ chấp nhận, quý mến rồi đến nể phục. Ông dựa trên những trải nghiệm của bản thân để sáng lập nên ngôi trường mơ ước, một ngôi trường không có đòn roi, mà tiến bộ về cả chỉ số hạnh phúc lẫn điểm số của mỗi học trò.
Bằng giọng điệu nhẹ nhàng của một người từng trải và luôn tâm huyết với nghề, cuốn sách kể lại cuộc đời với những khó khăn cùng thành công của một người từng trải. Có những đoạn tưởng chừng như đau buồn, giận dữ; nhưng đan xen vào đó vẫn là cảm xúc hân hoan, hạnh phúc vì cuối cùng, ông Hòa đã chạm đến đích.
Còn cuốn sách Xây dựng trường học hạnh phúc: Con đường tôi đi do nhà giáo - TS Nguyễn Văn Hòa viết cùng cộng sự: PGS.TS Trần Thị Lệ Thu (tiến sĩ tâm lý học, thành viên Ban Cố vấn dự án “Trường học hạnh phúc”) và bà Vũ Thị Việt Nga (nhà sản xuất chương trình Trường học hạnh phúc).
Cuốn sách gói trọn những trải nghiệm và đúc rút thực tế của ông Hòa cùng những người cộng sự của mình trong thời gian lăn lộn với nghề giáo và hành trình tìm kiếm con đường xây dựng “trường học hạnh phúc”.
Khác với thể loại hồi ký ở cuốn sách trước, Xây dựng trường học hạnh phúc: Con đường tôi đi được viết dưới dạng câu hỏi (của các phụ huynh, học sinh) - câu trả lời (của nhóm tác giả).
Ở tuổi gần 80, nhà giáo Nguyễn Văn Hòa có thể trả lời rõ ràng và rành mạch câu hỏi của các phụ huynh, giáo viên, học sinh về mục tiêu giáo dục: “Mục tiêu của giáo dục là vì con người, cho trẻ đôi cánh để trẻ tự bay. Phương châm giáo dục là chăm lo tới từng học sinh, giúp cho mỗi trò đều tiến bộ”.
Thay vì những cảm xúc mãnh liệt ở Người thầy xây trường hạnh phúc, cuốn sách này tập trung hơn vào những bài học mà thầy Hòa cùng đội ngũ của mình đúc rút được trong quá trình xây nên ước mơ.
Theo ông Hòa, giáo dục không phải là tạo ra thật nhiều học sinh giỏi, thật nhiều ngôi sao thành tích. Và “trường học hạnh phúc” là ngôi trường quan tâm tới cảm xúc và tâm lý học sinh; môi trường học tập an toàn, yêu thương, tôn trọng, hợp tác; nơi mỗi cá nhân được thể hiện giá trị của bản thân. Đó là nơi mang lại hạnh phúc thực sự cho học sinh và thầy cô giáo.