Học sinh Hàn Quốc bước vào Kỳ thi Đánh giá Năng lực Đại học (CSAT). Nguồn: cand. |
Vì sao trẻ em ở Hàn Quốc, Phần Lan, Ba Lan lại rất thông minh và luôn đạt thành tích cao trong các kỳ thi đạt chuẩn quốc tế? Bí mật ở các quốc gia này là gì và những đứa trẻ ở đây cảm thấy ra sao?
Để đi tìm lời giải đáp cho những câu hỏi trên, tác giả kiêm nhà báo tạp chí Time, Amanda Ripley, đã theo chân các “đặc vụ thiếu niên” nước Mỹ đến sống ở những quốc gia này trong một năm. Và kết quả của chuyến khảo sát ấy chính là cuốn sách Những đứa trẻ thông minh nhất thế giới.
Tại sao có những đứa trẻ học ít mà vẫn hiệu quả
Mỹ được cả thế giới biết đến là một siêu cường quốc, phát triển về nhiều mặt, trong đó có giáo dục. Nhưng thực tế cho thấy điểm kiểm tra PISA (chương trình đánh giá học sinh quốc tế có chu kỳ 3 năm một lần, đánh giá năng lực của học sinh 15 tuổi ở 3 lĩnh vực: Đọc hiểu, Toán học, Khoa học) của học sinh Mỹ lại thấp hơn so với nhiều quốc gia khác. Học sinh Mỹ đã làm tốt trong các kỳ thi quốc tế, đặc biệt là ở môn Đọc hiểu. Vấn đề chỉ còn nằm ở môn Toán và môn Khoa học.
Từ thực trạng đó, Amanda Ripley đặt ra hàng loạt câu hỏi: Tại sao có những đứa trẻ học ít mà vẫn hiệu quả, trong khi đó nhiều đứa trẻ học ngày đêm nhưng kết quả vẫn kém? Tại sao nhiều quốc gia, mức độ phát triển chưa bằng Mỹ, nhưng vẫn làm nên những con số đáng nể trong giáo dục?
Vì thế, bà quyết định theo chân 3 học sinh trao đổi của Mỹ, đến những đất nước có điểm PISA đứng đầu thế giới, là Hàn Quốc, Phần Lan, Ba Lan, để khám phá những bí mật giúp các nước này đào tạo nên những học sinh tài năng.
Bà muốn tận mắt nhìn thấy những chú “robot nhỏ” làm gì vào mỗi buổi sáng, cha mẹ các em nói gì khi chúng về nhà, cuộc sống của các em có vui vẻ hay không...
“Giáo dục là kho báu của quốc gia” chính là câu khẩu hiệu mà mỗi đứa trẻ Hàn Quốc đều thuộc nằm lòng. Người Hàn coi trọng giáo dục đến mức vào đêm trước kỳ thi quan trọng, các học sinh phải thực hiện hàng loạt nghi thức phức tạp.
Từ trường lớp đến cả những cửa hàng tạp hóa đường phố cũng đều hướng về kỳ thi. Họ bày bán những viên kẹo may mắn. Khắp các con phố, cha mẹ đi lễ chùa hoặc đến nhà thờ cầu nguyện cho con cái thi tốt. Công ty điện lực Hàn Quốc còn cử hàng nghìn nhân viên đến kiểm tra các đường dây điện phục vụ từng điểm thi.
Buổi sáng khi diễn ra kỳ thi, thị trường chứng khoán còn mở muộn một giờ đồng hồ để đường phố bớt đông. Taxi chở học sinh đi thi miễn phí. Trong phần thi nghe tiếng Anh, tất cả máy bay được lệnh hạ cánh để giảm tiếng ồn không cần thiết. Buổi tối sau khi kết thúc ngày thi, các xe tải vội vã giao báo cuối ngày đăng tải đáp án kỳ thi để các gia đình thảo luận trong bữa tối...
Toàn bộ cảnh tượng có vẻ khoa trương, nhưng đối với các học sinh Hàn Quốc, đó như một “trò chơi sinh tử của đầu óc” và tất cả thành viên, tầng lớp trong xã hội đều đóng một vai trò nhất định trong kỳ thi cam go này.
Sách Những đứa trẻ thông minh nhất thế giới. Ảnh: MC. |
Giáo viên được tuyển chọn cực kỳ khắt khe
Không phải ngẫu nhiên mà tác giả gọi những đứa trẻ có điểm PISA cao là “những đứa trẻ thông minh nhất thế giới”. Bởi theo bà, điểm PISA là thang điểm đánh giá năng lực toàn vẹn của mỗi học sinh. Trong đó, môn Toán học đóng vai trò quan trọng. Một đứa trẻ học Toán tốt sẽ biết tư duy logic và vận dụng môn học này trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Và cũng bởi thế, Amanda Ripley cho rằng những quốc gia đào tạo nên “những đứa trẻ thông minh nhất thế giới” chính là “lò luyện thần đồng”. Bài toán “lò luyện thần đồng” ấy được bà giải đáp bằng trải nghiệm thực tế và những cuộc phỏng vấn trực tiếp đến những người làm giáo dục tại 3 quốc gia Hàn Quốc, Phần Lan, Ba Lan.
Do đó, có thể coi cuốn sách là bản đúc rút cốt lõi giáo dục của những quốc gia này. Với lối tường thuật mạch lạc và dẫn dắt thông minh, lôi cuốn, Amanda Ripley tiết lộ những bí mật ít ai ngờ.
Ở Phần Lan, giáo viên được tuyển chọn cực kỳ khắt khe, trở thành nhà giáo ở nước này là việc rất khó. Họ cho rằng “cách duy nhất để nghiêm túc về giáo dục là lựa chọn giáo viên có trình độ cao, những người giỏi nhất và thông minh nhất trong mỗi thế hệ”. Vì thế, những người sẽ trở thành giáo viên trong tương lai sẽ được đào tạo một cách nghiêm ngặt nhất.
Amanda nhận định đây là một chiến lược hoàn toàn cấp thiết mà ít quốc gia làm được. Bên cạnh đó, điểm làm nên thành công cho giáo dục còn nằm ở sự tận tâm của giáo viên. Với chiến lược này, Phần Lan đã trở thành một quốc gia “từ đáy đi lên đỉnh của thế giới”.
Còn ở Ba Lan, sau khi học hết cấp Trung học cơ sở, học sinh sẽ có một năm để học lớp phân loại trước khi bước vào cấp Trung học phổ thông. 12 tháng này đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo, bổ trợ kiến thức cho học sinh.
Sau những nghiên cứu thực tế của mình, tác giả nhận định: “Chưa có quốc gia nào tìm ra cách giúp tất cả trẻ em đạt đến ngưỡng tiềm năng học tập cao nhất. Giống như các hệ thống chăm sóc y tế, hệ thống giáo dục cũng rất phức tạp và luôn cần thay đổi. Để cải thiện, các quốc gia có thể học hỏi lẫn nhau, nhưng vấn đề là phải tìm ra những khác biệt quan trọng nhất”.