Ngày 11/2, ông Nguyễn Văn Quận, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND TP Sóc Trăng, cho biết đã giao cho lực lượng công an lên phương án giăng bắt con khỉ cắn nhiều người ở khu dân cư Minh Châu ở phường 7, TP Sóc Trăng. Nếu giăng bắt không được, phương án cuối cùng là phải bắn tiêu diệt vì không có súng bắn gây mê.
"Con khỉ này chưa bắt được ngày nào là lo ngày đó", người đứng đầu chính quyền TP Sóc Trăng chia sẻ với Zing.vn.
Ông Đặng Tuấn Đức (79 tuổi, ngụ khóm 2, phường 7, TP Sóc Trăng) cho biết đã bị khỉ cắn vào mông khi nằm võng ngày mùng 7 Tết Canh Tý. Ảnh: Nhật Tân. |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sóc Trăng, con vật cắn nhiều người trong khu dân cư Minh Châu là khỉ đuôi lợn (Macaca leomina), xổng chuồng nhiều năm trước khi người dân nuôi.
Đây là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được quy định trong danh mục nhóm IIB của Nghị định số 06/2019 của Chính phủ. Do cơ quan kiểm lâm không có các dụng cụ chuyên dùng để xử lý con khỉ này nên hướng dẫn UBND phường 7 trình báo UBND TP Sóc Trăng để có hướng xử lý.
Trao đổi với Zing.vn, ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, nói theo Nghị định 06/2019 thì Chủ tịch UBND cấp huyện ra văn bản chỉ đạo lực lượng quân sự xử lý động vật hoang dã gây hại đến con người. Nếu được giao thì Ban chỉ huy Quân sự TP Sóc Trăng xin ý kiến của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh để xử lý chứ không thuộc thẩm quyền của kiểm lâm.
"Khỉ này người dân lén nuôi. Nếu lúc mới xổng chuồng mà bắt liền thì dễ nhưng để lâu nên chúng hung dữ. Vì vậy, không thể dùng phương pháp thủ công là đặt bẫy hay giăng bắt mà phải dùng vũ lực", ông Quyết nói.
Theo Điều 8 của Nghị định 06/2019 quy định việc xử lý trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm xâm hại hoặc đe dọa tính mạng, tài sản của con người:
1. Trong trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đe dọa xâm hại nghiêm trọng tài sản hoặc tính mạng con người; tổ chức, cá nhân phải áp dụng các biện pháp xua đuổi, hạn chế gây tổn thương đến động vật, đồng thời thông tin ngay với cơ quan kiểm lâm hoặc UBND cấp xã hoặc cấp huyện nơi gần nhất.
2. Trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đe dọa tấn công trực tiếp đến tính mạng con người ở ngoài các khu rừng đặc dụng, phòng hộ, sau khi đã áp dụng các biện pháp xua đuổi nhưng không có hiệu quả, chủ tịch UBND cấp huyện quyết định và chỉ đạo việc bẫy, bắt, bắn cá thể động vật đó.