Chị N.P.L, người Việt đang sinh sống tại Augsburg, bang Bavaria vừa trải qua một tháng 11 khó quên, khi chị và chồng bị mắc Covid-19 và phải chống chọi với virus trong một tháng. Chia sẻ với Zing sau khi hồi phục, chị L. nói việc ăn mừng Giáng sinh năm nay như một điều xa vời.
“Giáng sinh gì nữa. Nhà mình vừa mắc Covid-19 xong, còn sống là tốt rồi”, chị L. bộc bạch.
“Dịch bệnh khiến tình hình kinh tế khó khăn hơn. Mình chỉ trang trí cây thông ngoài vườn và tặng những món quà nhỏ thôi. Chủ yếu là dành tiền bồi bổ sức khỏe”, chị L. nói thêm.
Tính đến ngày 22/12, toàn nước Đức ghi nhận hơn 1,57 triệu ca nhiễm. Bang Bavaria, nơi chị L. sinh sống, cùng với Berlin và Saxony là 3 bang có số ca nhiễm trên 100.000 dân thuộc hàng cao nhất ở Đức. Các con số lần lượt là 2.230, 2.399 và 2.682, theo Viện Robert Koch.
Đức từng là hình mẫu chống dịch trong làn sóng lây nhiễm đầu tiên hồi tháng 3. Tuy nhiên, quốc gia này đang áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt vì những hậu quả sau làn sóng thứ hai.
Chỉ trong ba tuần đầu tiên của tháng 12, Đức ghi nhận hơn 10.000 người tử vong vì Covid-19, theo DW. Con số này gần gấp đôi số người chết do dịch trong tháng 11, thậm chí gấp 10 lần và hơn 50 lần số liệu hồi tháng 10 và tháng 9.
Nhiều bệnh viện ở Đức đang quá tải và phải từ chối nhận người nhập viện nếu họ không có triệu chứng nặng.
Một quầy bán đồ trang trí Giáng sinh ở Baden-Wurttemberg vẫn được nhiều khách ghé mua dù đang trong giai đoạn phong tỏa. Ảnh: NVCC. |
'Người Đức chủ quan dù đang phong tỏa'
Do số ca nhiễm gia tăng quá nhanh, Đức không thể truy vết người tiếp xúc một cách hiệu quả. Vì vậy, nhiều bệnh nhân - bao gồm chị L. - không biết mình bị lây nhiễm từ đâu.
“Gia đình mình không đi đâu cả. Chồng mình chỉ đi làm, thỉnh thoảng đi siêu thị rồi về nhà, thế nhưng vẫn mắc Covid-19. Sau khi chồng phát bệnh một tuần thì mình mới có triệu chứng. May mắn là hai con không sao”, chị L. chia sẻ với Zing.
Theo chị L., Đức rơi vào tình trạng trên là do người dân chủ quan sau khi được cho là chống dịch thành công vào tháng 3.
“Dù đang trong giai đoạn phong tỏa một phần, người dân vẫn đổ ra đường. Một số nơi còn có biểu tình phản đối phong tỏa”, chị L. cho biết.
Khi số bệnh nhân Covid-19 nhập viện tăng lên vào tháng 10, Đức quyết định phong tỏa một phần từ ngày 2/11 để kiểm soát dịch. Sau đó, chính phủ cũng nới lỏng một số hạn chế vào tuần lễ Giáng sinh để người dân tận hưởng kỳ nghỉ.
Tuy nhiên, Gia Khánh - du học sinh Việt Nam ở Frankfurt, bang Hessen - cho rằng việc phong tỏa “nửa vời” này khiến ca nhiễm tăng đột biến.
“Mình nghĩ việc phong tỏa kiểu này khiến mọi người lơ là, cho rằng Covid-19 không nguy hiểm”, du học sinh 23 tuổi nói với Zing.
Khánh Quỳnh, 22 tuổi, du học sinh ở Stuttgart, bang Baden-Wurttemberg nhận xét lệnh phong tỏa một phần không hiệu quả, nhất là ở thời điểm người dân chuẩn bị đón năm mới.
“Dù chợ Giáng sinh đóng cửa, các quầy bán đồ trang trí vẫn xuất hiện trên phố. Nhiều cửa hàng cũng tranh thủ giảm giá trong mùa lễ hội. Thế nên người dân tập trung mua sắm khá đông dù lệnh phong tỏa vẫn đang hiệu lực”, Khánh Quỳnh cho biết.
Thậm chí, Thị trưởng thành phố Frankfurt Peter Feldmann còn có động thái đi ngược lại với quy định chống dịch.
Gia Khánh cho biết ông Feldmann vào ngày 12/12 ra lệnh giảm giá vé tàu cho trẻ em để khuyến khích các gia đình vào khu trung tâm sắm sửa cho Giáng sinh.
Khu trung tâm Frankfurt khá đông người vào ngày 12/12. Ảnh: Rainer Rüffer. |
Kết hợp những yếu tố này, Khánh Quỳnh không ngạc nhiên khi số ca nhiễm ở Đức ngày một tăng cao.
Để không phải là Giáng sinh cuối cùng
Trong bài phát biểu nhiều cảm xúc tại quốc hội ngày 9/12, Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi các bang áp đặt những biện pháp nghiêm ngặt hơn. “500 người chết mỗi ngày là con số không thể chấp nhận được. Chúng ta buộc phải hành động”, bà Merkel nói.
Thủ tướng Đức cũng kêu gọi người dân tăng cường sự tự giác. “Chìa khóa quan trọng nhất để chiến thắng virus là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Nếu chúng ta tiếp xúc với quá nhiều người trước dịp lễ, đây có thể là Giáng sinh cuối cùng được đoàn tụ gia đình. Chúng ta không thể để việc này xảy ra”, bà Merkel phát biểu.
Bốn ngày sau bài phát biểu, thủ tướng thông báo bà và thống đốc của 16 bang ở Đức quyết định siết chặt các biện pháp phong tỏa toàn quốc từ 16/12 tới 10/1/2021. Theo đó, mọi cửa hàng không bán nhu yếu phẩm, trường học, các cơ sở dịch vụ phải đóng cửa. Người dân được khuyến khích làm từ xa.
Tại Berlin, chính quyền sở tại đưa ra nhiều mức phạt để buộc người dân tuân thủ các biện pháp hạn chế. Trong trường hợp vi phạm nhiều lần các quy tắc cụ thể, tiền phạt có thể lên tới 25.000 euro (gần 30.500 USD).
“Mình thấy cảnh sát viết giấy phạt cho những người không đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Điều này cho thấy Đức đang rất nghiêm túc chống dịch”, Khánh Quỳnh nói.
Đường phố Hamburg trở nên yên tĩnh sau khi lệnh phong tỏa mới được áp đặt. Ảnh: DPA. |
Với chị L., lần phong tỏa này không gây ảnh hưởng quá nhiều vì chị chuẩn bị đầy đủ mọi thứ từ tháng 3. Do vậy, khi phải cách ly 2 tuần lúc mắc Covid-19, gia đình chị vẫn đủ lượng thực phẩm cần thiết.
Một số du học sinh Việt Nam nói họ không gặp nhiều khó khăn khi chuẩn bị cho đợt phong tỏa mới do siêu thị vẫn mở cửa. Tuy nhiên, họ phải vượt qua cảm giác cô đơn khi không được gặp mọi người trong thời gian dài.
Siêu thị ở Baden-Wurttemberg vẫn mở cửa bình thường trong thời gian phong tỏa. Ảnh: NVCC. |
“Thời gian phong tỏa ở nơi đất khách quê người ảnh hưởng đến tâm lý mình đáng kể. Ở nhà càng nhiều khiến mình thêm nhớ Việt Nam hơn”, Quang Duy, 23 tuổi, du học sinh tại Hannover, bang Lower Saxony, trao đổi với Zing.
Để vượt qua nỗi nhớ nhà, Duy cố gắng giữ cho bản thân bận rộn nhất bằng cách vạch lịch hoạt động sắp tới và tìm những phương tiện giải trí để lấp thời gian trống.
Từ một góc nhìn khác, Việt Anh, trưởng ban truyền thông Hội Sinh viên Việt Nam tại Đức (Sividuc) nói đợt phong tỏa mới đặt ra nhiều vấn đề cho du học sinh Việt Nam, đặc biệt với những bạn đi làm ngoài giờ học.
“Phần lớn du học sinh Việt Nam làm thêm trong ngành ăn uống. Khi phong tỏa, toàn bộ hàng quán phải đóng cửa. Vì vậy, các bạn sẽ vất vả hơn về mặt tài chính”, Việt Anh nói với Zing.
“Việc học trực tuyến cũng ảnh hưởng rất nhiều đến những ngành thiên về thực hành như điều dưỡng, cơ khí, điện tử lắp ghép hay nấu ăn. Kể cả với những ngành học chủ yếu là lý thuyết, học online cũng không thể mang lại hiệu quả 100%”, Việt Anh cho biết.
Tình đồng bào nơi xứ người
Mặc dù đối mặt khó khăn nhiều bề khi chống chọi với dịch bệnh ở nơi đất khách, cộng đồng người Việt Nam tại Đức vẫn cố gắng giúp đỡ nhau vượt qua khoảng thời gian này.
Hồi phục sau một tháng mắc Covid-19, chị L. đang hỗ trợ về mặt tinh thần cho những bà mẹ Việt Nam có cùng hoàn cảnh như mình.
“Mình đang tư vấn cho nhiều bà mẹ cũng nhiễm virus ở Đức. Mọi người hoang mang vì không biết phải làm thế nào khi mắc bệnh, do chỉ những ca nặng mới được nhập viện. Vì vậy, mình cố gắng giúp họ suy nghĩ tích cực hơn, hướng dẫn cách bồi bổ cơ thể để vượt qua bệnh tật”, chị L. nói với Zing.
Trong số những người được chị L. giúp đỡ có một bà mẹ đơn thân người Việt cùng 2 con nhỏ mắc Covid-19 trong trại tị nạn. Chị L. cùng vài người bạn gửi thức ăn và động viên tinh thần cho bà mẹ này. Sau 15 ngày, sức khỏe của cô tiến triển tốt hơn.
Các du học sinh Việt Nam ở Đức cũng đang được Sividuc hỗ trợ về nhiều mặt. Việt Anh cho biết một số sinh viên Việt Nam mắc Covid-19 đều đã tự cách ly và đang hồi phục tốt.
“Sividuc luôn cập nhật nhanh nhất các thông tin từ đại sứ quán đến các bạn sinh viên Việt Nam, và giúp các bạn tìm kiếm sự trợ giúp cần thiết. Sividuc không phải là bác sĩ nên không thể chẩn đoán bệnh, nhưng chúng mình cũng tư vấn về những nơi có thể liên hệ khi mắc Covid-19”, Việt Anh chia sẻ với Zing.
Workshop trực tuyến về phương pháp học online do Hội Sinh viên Việt Nam tại Đức tổ chức. Ảnh: Facebook Hội Sinh viên Việt Nam tại Đức. |
“Bọn mình cũng không thể trực tiếp hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Vì vậy, Sividuc tổ chức các workshop về học bổng để cung cấp thông tin cần thiết cho các bạn. Ngoài ra, Sividuc cũng thực hiện những chương trình về phương pháp học online để các bạn học tập hiệu quả trong thời gian phong tỏa”, Việt Anh nói thêm.