Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giáng sinh đầu tiên của người Công giáo ở Iraq sau ác mộng IS

Người Công giáo Iraq trở về từ nơi tị nạn sau những tháng năm quê hương bị IS chiếm đóng. Hạnh phúc dâng tràn, nhưng kèm theo đó là nỗi buồn, sự hụt hẫng về tương lai.

Như mọi cư dân khác ở Teleskof, đây là Giáng sinh đầu tiên tại quê nhà của Daoud sau ba năm, từ khi các phần tử thành chiến của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đánh chiếm thị trấn của cô và buộc cộng đồng Công giáo Chaldean với 12.000 người phải rời bỏ nơi ở.

"Thật đặc biệt khi được trở lại nhà thờ này, nơi tôi đã tổ chức đám cưới, nơi tôi nuôi dạy con cái", Daoud nói, nước mắt lăn dài trên gương mặt.

Đối mặt với lựa chọn cải đạo hoặc chết, Daoud, như nhiều người theo Thiên Chúa giáo khác ở vùng đồng bằng Nineveh, quyết định chạy trốn. Hầu hết họ đều tìm đến nơi ẩn náu ở các thị trấn và thành phố lân cận, nhưng cũng nhiều người tìm cách tị nạn nạn vĩnh viễn ở nước ngoài. Mặc dù các chiến binh IS lưu lại Teleskof chỉ vài ngày, người dân chỉ mới bắt đầu trở về nhà hồi đầu năm nay.

Ngày 24/12, họ tổ chức lễ Giáng sinh đầu tiên cùng nhau sau nhiều năm tại nhà thờ lớn của thị trấn. Rất nhiều người đã tham gia. Hàng trăm tín đồ với trang phục chỉn chu nhất đổ tới nhà thờ cầu nguyện và nhận sự hiệp thông từ Cha Salar Bodagh. Sau đó, Cha Bodagh đốt lò lửa truyền thống ở sân của nhà thờ. Ông nói đó là một biểu tượng của sự canh tân.

to chuc Nha nuoc Hoi giao anh 1
Đốt lửa truyền thống tại nhà thờ Saint George, Teleskof, Iraq. Ảnh: Reuters.

'Hạnh phúc chìm trong nước mắt'

Dù niềm vui vỡ òa khi lại được mừng Giáng sinh như trước, hầu hết người dân ở Nineveh, trung tâm của các cộng đồng Cơ đốc cổ xưa với 2.000 năm tuổi ở Iraq, vẫn cảm thấy cay đắng.

Iraq tuyên bố chiến thắng hoàn toàn trước các chiến binh IS hai tuần trước sau một cuộc chiến bạo liệt kéo dài 3 năm, nhưng thiệt hại đã là quá lớn đối với các khu vực của Cơ đốc giáo. Nhiều người tự hỏi liệu họ có thể vượt qua được những ám ảnh từ cuộc chiến này hay không.

IS đã tàn phá các khu vực Thiên Chúa giáo, cướp bóc và đốt cháy nhà cửa và nhà thờ, tước bỏ tất cả đồ tạo tác có giá trị và đập phá các di tích.

Nửa đêm 24/12, các tín đồ tập trung tại nhà thờ trong thị trấn Qaraqosh, còn được gọi là Hamdaniya, cách Mosul 15 km về phía tây, giữa những bức tường cháy đen vẫn còn những hình vẽ graffiti của IS. Họ ngồi trên những chiếc ghế nhựa có được từ quyên góp. Nhà thờ vẫn chưa có điều kiện thay thế những hàng ghế gỗ mà các binh lính IS đã sử dụng làm vật liệu để đốt cháy chính nhà thờ.

Phần lớn các gia đình có thể yêu cầu hàng chục nghìn USD để sửa chữa nhà cửa và đền bù cho đồ đạc bị mất. Nhưng hầu hết đều nói rằng họ vượt qua được những thiệt hại về vật chất.

to chuc Nha nuoc Hoi giao anh 2
Tường ám đen chằng chịt hình vẽ của binh sĩ IS bên những hàng ghế nhựa tạm bợ ở một nhà thờ tại Qaraqosh, Iraq. Ảnh: Reuters.

Trước ngày IS tấn công, Qaraqosh là khu sinh sống lớn nhất của người Công giáo ở Iraq với dân số vào khoảng 50.000. Thế nhưng giờ đây chỉ vài trăm gia đình trở lại nơi này. Toàn bộ các giáo đoàn đã chuyển ra nước ngoài.

"Chúng ta có Thánh Lễ Giáng sinh như những năm trước, nhưng năm nay, niềm vui Thánh lễ sẽ thấm đẫm nước mắt, bởi mọi đồng bào của chúng ta đều đã rời bỏ Iraq", Cha Butros Kappa buồn rầu.

Tổ chức Thánh lễ giữa những tàn tích đã cháy đen của nhà thờ mà Cha Kappa phụ trách là điều rất quan trọng. "Để nhắc nhở mọi người rằng mặc dù bi kịch đã xảy ra với chúng tôi, chúng tôi vẫn ở đây", ông nói.

'Không tương lai nào cho chúng tôi'

Teleskof cách Mosul 30 km về phía bắc và là một trong những cộng đồng Công giáo lâu đời nhất thế giới. Một số gia đình ở đây đã bỏ cả Thánh lễ.

"Chúng tôi thường ăn mừng với cả đại gia đình", Umm Rita vừa nói vừa chuẩn bị món ăn Giáng sinh truyền thống có tên pacha tại nhà. "Nhưng làm sao chúng tôi có thể hạnh phúc trong năm nay? Các anh chị em của chúng tôi, ngay cả con gái của tôi, chồng nó và đứa cháu mà tôi chưa bao giờ gặp, đã chuyển cả đi rồi".

Các nhà lãnh đạo cộng đồng ước tính hơn 7.000 cư dân của Teleskof hiện phân tán khắp Iraq và vùng Kurdistan tự trị, Mỹ, Australia, Đức, Lebanon và Jordan.

to chuc Nha nuoc Hoi giao anh 3
Trẻ em tham dự lễ Giáng sinh ở nhà thờ Saint George, Teleskof, Iraq, ngày 24/12. Ảnh: Reuters.

Trong bối cảnh căng thẳng đang diễn ra giữa chính quyền trung ương ở Baghdad và người Kurd ở Iraq sau một cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự trị của người Kurd hồi tháng 9, các cư dân của Teleskof sợ rằng một lần nữa họ sẽ phải đối mặt với bạo lực. "Chúng tôi chỉ muốn sống trong hòa bình," Umm Rita giãi bày. "Bây giờ chúng tôi còn lo lắng hơn cả khi IS ở trong nhà chúng tôi".

"Cộng đồng của chúng tôi đã bị tổn thương", Firas Abdelwahid, 76 tuổi, nói. Ông là một cựu công nhân dầu mỏ. Hàng nghìn người như Abdelwahid đã tìm kiếm nơi trú ẩn vĩnh viễn ở nước ngoài. Nhìn lũ trẻ chơi quanh đống lửa ở nhà thờ, ông cảm thấy buồn bã.

"Nhưng chúng tôi mong đợi điều gì? Quá khứ bi thảm, hiện tại thì tuyệt vọng, không có tương lai cho chúng tôi, những người theo đạo Thiên Chúa ở Iraq".

Hashtag tuần qua: Bóng ma IS chưa buông tha thế giới Dù thành trì của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại Iraq và Syria bị tiêu diệt, hệ tư tưởng cực đoan và những kẻ khủng bố đã bắt đầu bám rễ tại nhiều ngóc ngách trên thế giới.

Lễ Giáng sinh của Giáo hoàng Francis, Tổng thống Trump và các nước

Đêm 24/12, hàng tỷ người đón lễ Giáng sinh với những thông điệp cầu chúc hòa bình và an lành được phát đi từ cách nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo trên thế giới.

Trung Đông 2017: 'Thùng thuốc súng' nhuộm máu và nước mắt

Cuộc chiến chống khủng bố, nội chiến Yemen hay mâu thuẫn xoay quanh Jerusalem là những vấn đề khiến khu vực Trung Đông vẫn nóng bỏng như nhiều năm qua.

Hoa Hạ

Theo Reuters

Bạn có thể quan tâm