Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gian nan đường cấm lễ hội thuần trâu, chọi trâu ở Ấn Độ

Lệnh cấm các cuộc đua và chọi trâu, bò ở Ấn Độ thường vấp phải những cuộc biểu tình phản đối của người dân và nhiều lễ hội vẫn diễn ra phi chính thức.

Lễ hội chọi trâu truyền thống ở Ấn Độ Lễ hội chọi trâu là hoạt động truyền thống thu hút rất nhiều người theo dõi trên khắp Ấn Độ. Tuy nhiên, từ năm 2016, Tòa Tối cao Ấn Độ đã cấm các môn chọi động vật.

Tháng 1 năm nay, hàng nghìn người ở miền nam Ấn Độ, đa phần là thanh niên, đã xuống đường để biểu tình yêu cầu dỡ bỏ lệnh cấm tổ chức lễ hội thuần trâu, bò Jallikattu.

Năm 2016, Tòa án Tối cao Ấn Độ ra phán quyết cấm tất cả các cuộc đua hay thi đấu có sử dụng động vật. Trước đó, năm 2014, Tòa cũng đã trực tiếp cấm Jallikattu.

Dù vậy, lễ hội Jallikattu vẫn diễn ở bang Tamil Nadu đầu năm nay và thu hút hàng nghìn người theo dõi. Trong cùng tháng và cách đó hơn 3.000 km, các cuộc chọi trâu cũng diễn ra một cách "bí mật" tại bang Assam.

Lệnh cấm của giới chức Ấn Độ đối với các hoạt động thể thao liên quan động vật thường vấp phải sự phản đối khắp đất nước và kéo theo các đạo luật miễn trừ ngoại lệ.

choi trau An Do anh 1
Người chơi giữ vào bướu trâu, bò để ghìm con vật lại trong lễ hội Jallikattu. Ảnh: AFP.

Đòi cấm ngược tổ chức bảo vệ động vật

Jallikattu là lễ hội có lịch sử hàng nghìn năm của miền nam Ấn Độ. Vào ngày hội mùa, những con trâu, bò cày sẽ bị trói lại và nhốt cho kích động. Đến khi cửa mở, những con trâu "điên" cuồng chạy ra, người tham gia lễ hội sẽ tìm cách thuần hóa chúng bằng cách giữ lấy bướu trâu càng lâu càng tốt. 

Từ năm 2008 đến năm 2014, lễ hội Jallikattu từng được phép tổ chức dưới các điều kiện đặc biệt và có sự giám sát của Ủy ban Quyền Động vật Ấn Độ. Các cuộc điều tra trong thời gian này cho thấy những người tổ chức không hề có biện pháp bảo vệ động vật khỏi bị ngược đãi hoặc đảm bảo an toàn cho người tham gia.

Trâu bị đánh đập, kéo đi, nhảy lên mình. Về phía con người, theo thống kê của First Post, từ năm 2010 đến 2014, ít nhất 17 người thiệt mạng và 1.100 người bị thương khi tham gia thuần trâu, thuần bò tại lễ hội Jallikattu. 

Thế nhưng, lệnh cấm của Tòa án Tối cao Ấn Độ vào năm 2014 không có kết quả. Lễ hội thuần trâu, bò vẫn diễn ra và những cuộc biểu tình ở bang Tamil Nadu đầu năm nay đã khiến thống đốc bang phải ra một sắc lệnh loại bỏ, miễn trừ Jallikattu khỏi phạm vi của Đạo luật Chống Tàn bạo với Động vật của Ấn Độ.

Sắc lệnh của thống đốc được nghị viện bang Tamil Nadu thông qua và nhận được sự hậu thuẫn của thủ tướng, mở đường cho các lễ hội thuần trâu tiếp tục diễn ra từ nay về sau.

choi trau An Do anh 2
Cuộc biểu tình phản đối lệnh cấm Jallikattu ở bang Tamil Nadu. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, những người biểu tình vẫn không hài lòng, họ yêu cầu một biện pháp pháp lý đảm bảo tương lai cho Jallikattu và thậm chí đòi cấm tổ chức bảo vệ động vật PETA tại Ấn Độ. 

Những người ủng hộ Jallikattu cho rằng truyền thống này đã có từ 2.000 năm nay và gắn liền với lối sống nông nghiệp của người dân. Có những con trâu hoặc bò được nuôi chỉ đợi mùa lễ hội và chúng được chăm sóc "như con cái trong nhà".

Lễ hội 'chui' vẫn đông khán giả

Các lễ hội khác không có sắc lệnh miễn trừ, ngoại lệ như Jallikattu vẫn diễn ra bất hợp pháp và bất chấp lệnh cấm của tòa án.

Tại bang Assam, những người chủ không thể cưỡng nổi ham muốn mang trâu, bò ra thi tài với trâu của người khác. Có những cuộc đua thu hút đến 10.000 người theo dõi trong khi báo chí bị hạn chế tiếp cận.

choi trau An Do anh 3
Một cuộc chọi trâu ở bang Assam hồi tháng 1. Ảnh: AFP.

Chính quyền bang Assam, theo yêu cầu của Ủy ban Quyền Động vật, đã rút các hoạt động có liên quan đến động vật ra khỏi lễ hội trên toàn bang. Dù vậy, họ không thể ngăn cản các cuộc đua trâu hoặc chọi trâu, chọi bò được tổ chức "phi chính thức" dưới danh nghĩa cá nhân.

"Chúng tôi không liên quan đến các hoạt động này. Chúng được tổ chức với danh nghĩa cá nhân, bởi chủ trâu bò", Pranabjyoti Das, thư ký ủy ban tổ chức lễ hội chọi trâu lớn nhất ở Ahatguri (bang Assam) trước khi có lệnh cấm, nói với Times of India.

Một quan chức địa phương cũng thừa nhận việc áp dụng lệnh cấm không dễ dàng khi đó là truyền thống của người dân.

Cuộc chiến 'di sản' và nhức nhối về an toàn đấu bò ở Tây Ban Nha

Đấu bò đã chia cắt Tây Ban Nha giữa một bên là những người bảo vệ quyền động vật và một bên là những người muốn bảo vệ văn hóa quốc gia và nguồn thu từ du lịch.

Cuộc chiến 'di sản' và nhức nhối về an toàn đấu bò ở Tây Ban Nha

Đấu bò đã chia cắt Tây Ban Nha giữa một bên là những người bảo vệ quyền động vật và một bên là những người muốn bảo vệ văn hóa quốc gia và nguồn thu từ du lịch.

Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm