Ngày 1/7, hàng trăm người đã biểu tình tại thành phố Pamplona (Tây Ban Nha) để phản đối lễ hội đấu bò sắp diễn ra tại đây. Lập luận của người biểu tình đưa ra bao gồm "đấu bò là tàn bạo" và "không truyền thống nào vượt lên trên lý lẽ".
Dẫu vậy, từ ngày 6-14/7, hàng chục nghìn người vẫn sẽ đổ về Pamplona để tham dự lễ hội đấu bò tại đây. Vào buổi sáng, những con bò sẽ được thả ra và rượt theo một nhóm người phía trước, những người chấp nhận nguy cơ bị bò húc phải hoặc bị giẫm đạp để dẫn đường cho đàn bò đến đấu trường.
Nghi lễ "bò rượt" ở thành phố Pamplona vào năm 2016. Ảnh: AFP. |
Chết ít, bị thương nhiều
Từ tháng 7/2016 đến tháng 6/2017, người Tây Ban Nha chứng kiến 2 đấu sĩ của họ tử nạn vì đấu bò. Dù vậy, trước 2 cái chết trên, Tây Ban Nha đã trải qua hơn 30 năm không có ai tử nạn vì môn thể thao này.
Số người tử nạn vì các cuộc rượt bò thì cao hơn. Năm 2009 và 2015 đánh dấu số người chết kỷ lục với mỗi năm có 10 người tử vong trong cuộc rượt bò. Dù vậy, trong năm 2016 chỉ có một người thiệt mạng.
Các ca bị thương khá phổ biến. Chỉ riêng trong năm 2013, 31 đấu sĩ đã bị bò húc bằng đầu, một số gây ra thương tích nhẹ, một số suýt nguy hiểm tính mạng. 41 người đã bị thương trong số 661 trận đấu bò ở diễn ra ở Tây Ban Nha vào năm 2013. Các cuộc rượt bò thường khiến hàng trăm người nhập viện mỗi năm.
Tây Ban Nha không có luật lệ về tiêu chuẩn an toàn đối với đấu bò hoặc các lễ hội liên quan đến bò. Quy định về an toàn phụ thuộc vào người tổ chức hoặc các địa phương.
Các lễ hội lớn ở Tây Ban Nha thường yêu cầu người tham gia rượt bò phải trên 18 tuổi, không uống rượu bia hoặc cùng các chất kích thích trước khi tham gia cuộc đua. Về phía khán giả, họ bị nghiêm cấm các hành động như cản trở đường chạy, kêu gọi hoặc có hành động khiến bò mất tập trung.
Giới chức Tây Ban Nha cũng cố gắng hạn chế thương vong trong trường hợp xảy ra tai nạn. Các sàn đấu giờ đây có một trung tâm y tế riêng ngay cạnh để sơ cứu trong trường hợp có tai nạn. Tiến bộ y tế cũng giúp giảm bớt thương tổn các đấu sĩ hoặc người đua bò gặp phải.
Mặc cho các quan ngại về an toàn lẫn nhiều tai nạn thường xuyên xảy ra, các lễ hội đấu bò hiếm khi bị dừng lại. Năm 2014, lễ hội đấu bò ở San Isidro bị hoãn sau có 3 đấu sĩ bị bò húc. Đó là lần đầu tiên trong 35 năm lễ hội này bị tạm dừng.
Trong một thời gian dài đấu bò không gây ra cái chết nào cho Tây Ban Nha nhưng các trường hợp bị thương thì khá phổ biến. Ảnh: AFP. |
'Nỗi nhục quốc gia' và 'di sản văn hóa'
Express cho biết từ thế kỷ 18 đến nay có hơn 500 người thiệt mạng vì đấu bò. Trong khi đó, số phận của những con bò bi đát hơn. Mỗi năm có khoảng 10.000 con bò bị mổ thịt trong các lễ hội đấu bò.
Cuộc chiến cấm hay không cấm đấu bò đã dai dẳng trong nhiều năm qua giữa một bên là những người muốn bảo tồn di sản của Tây Ban Nha, một bên là người bảo vệ quyền động vật.
"Đấu bò là một nỗi nhục quốc gia và nếu chúng đại diện cho tôi, tôi sẽ không nói mình là người Tây Ban Nha", Al Jazzera dẫn lời một người biểu tình chống đấu bò ở thủ đô Madrid vào cuối năm 2016.
Trong khi đó, một số người như đấu sĩ Juan Diego Vicente lập luận rằng những người phản đối đấu bò lại "nhốt chim trong lồng, nhốt chó trong những căn hộ bé tí, cắt đuôi cắt móng của chúng, kiềm chế bản năng tự nhiên của chúng". Theo Vicente, ít ra những con bò đã được sống yên lành trong tự nhiên cho đến năm 4 tuổi.
Ngoài ra, đấu bò còn là nguồn thu đáng kể cho du lịch Tây Ban Nha. Hiệp hội các Nhà tổ chức Đấu bò Tây Ban Nha ước tính nước này có thể mất hơn 4 triệu USD/năm nếu cấm đấu bò. Môn thể thao này cũng tạo ra khoảng 57.000 việc làm cho đất nước.
Một cuộc biểu tình phản đối đấu bò ở Tây Ban Nha vào năm 2016. Ảnh: AFP. |
Cuộc chiến địa phương và nhà nước
Không chỉ gây tranh cãi trong người dân, chuyện cấm đấu bò cũng trở thành cuộc chiến giữa chính quyền các cấp tại Tây Ban Nha.
Năm 2010, nghị viện Catalonia, vùng tự trị giàu có và quyền lực tại Tây Ban Nha, đã thông qua luật cấm đấu bò. Đến năm 2016, 9 trong số 12 thẩm phán của Tòa Hiến pháp Tây Ban Nha lật lại luật này với lý do "bảo tồn di sản văn hóa đại chúng".
Các quan chức Catalonia và Barcelona, thủ phủ khu tự trị, lập tức tuyên bố rằng họ sẽ không tuân thủ phán quyết của tòa án. Phần lớn người dân vùng này ủng hộ lệnh cấm trong khi những người chỉ trích thường lập luận rằng lệnh cấm của Catalonia mang động cơ chính trị và nhằm chống chính phủ Tây Ban Nha nhiều hơn là nhằm bảo vệ động vật.
Catalonia, với sức mạnh kinh tế vượt trội và lối sống khác biệt, thường xuyên muốn ly khai khỏi Tây Ban Nha. Dù vậy, các thống kê cũng cho thấy bản thân đấu bò này không còn được ưa chuộng như nó đã từng một thời.
Tờ Spectator (Anh) cho biết số trận đấu bò ở Tây Ban Nha đã giảm đến 60% kể từ năm 2007 đến nay. Một số hội đồng thành phố đã rút lại ngân sách hỗ trợ cho hoạt động này và ngày càng ít đấu sĩ tham gia bộ môn.
Về phía khán giả, vé xem đấu bò đắt gấp đôi bóng đá còn giới trẻ Tây Ban Nha đang vật lộn với tỷ lệ thất nghiệp cao. Vì vậy, không có gì bất ngờ khi khán giả chủ yếu của những trận đấu bò hầu hết là đàn ông lớn tuổi hoặc trung niên.