Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gian lận đưa nhiều học sinh Trung Quốc đến giấc mơ Mỹ

Bằng cách chen chân vào các kỳ thi và hoàn thành khoá học thay cho sinh viên, ngành công nghiệp "gian lận" ở khu vực Đông Á đang làm phá hỏng hệ thống giáo dục đại học Mỹ.

Các dịch vụ gian lận thi thay, viết bài hộ này liên tục được quảng cáo cho các sinh viên Trung Quốc. Họ liên tục nhận thông báo về dịch vụ thông qua email và tin nhắn bằng tiếng Trung, với nội dung hỗ trợ sinh viên nước ngoài đang theo học tại trường Mỹ nhanh chóng có được tấm bằng. 

Theo Reuters, các công ty sẽ viết bài luận cho khách hàng, xử lý bài tập về nhà cho họ thậm chí cả bài thi. Đối với hàng trăm sinh viên Trung Quốc đang theo học tại Đại học Iowa, những lời mời này thật khó cưỡng lại. 

"Dịch vụ làm bài thi. Viết luận. Tham gia các khoá học trực tuyến" là nội dung được cập nhật trên hồ sơ của nhóm hỗ trợ sinh viên Trung Quốc tại Iowa, mang tên Dịch vụ Sinh viên Quốc tế IU.

Đường dây gian lận

Đại học Iowa, một trong những trường đại học công lớn nhất vùng Trung Tây Mỹ, cho biết đang điều tra ít nhất 30 sinh viên bị nghi ngờ gian lận. Ba nguồn tin thân cận với cuộc điều tra cho biết con số bị điều tra có thể cao hơn gấp 2-3 lần. 

Người phát ngôn của trường từ chối tiết lộ tên hay quốc tịch của sinh viên vì căn cứ theo luật. Tuy nhiên theo các nguồn tin, hầu hết những trường hợp này đều mang quốc tịch Trung Quốc. Họ bị cáo buộc gian lận trong ít nhất 3 khoá học trực tuyến. Ba sinh viên đã thừa nhận họ thuê các công ty của Trung Quốc làm bài thi hộ. 

sinh vien trung quoc gian lan thi cu o my anh 1
Nỗi ám ảnh điểm thấp và sự kỳ vọng của gia đình là một trong những nguyên nhân khiến nhiều sinh viên tìm đến dịch vụ làm bài hộ. Ảnh minh hoạ: SCMP

Trong bức thư gửi một sinh viên Trung Quốc, người bị cáo buộc để người khác làm hộ kỳ thi giữa kỳ, vào ngày 8/5, nhà trường tuyên bố sẽ đề nghị trục xuất. Theo luật nhập cư, người nước ngoài tại Mỹ theo visa sinh viên có thể đối mặt với nguy cơ trục xuất nếu bị đuổi khỏi trường. 

"Chúng tôi không thể chắc rằng rằng bạn sẽ không gian lận trong các kỳ thi tới, vì các hành động trước đây đã khiến thái độ trong tương lai của bạn bị nghi vấn", bức thư viết. 

Đường dây gian lận Iowa là bằng chứng mới nhất cho thấy ngành công nghiệp này đang tác động không nhỏ đến hệ thống giáo dục đại học của Mỹ. Không chỉ giúp sinh viên tìm cách vào trường bằng con đường không chính thống, họ còn hỗ trợ khách hàng gian dối trong suốt quá trình học. 

Một số công ty tận dụng điểm yếu trong kỳ thi SAT để giúp khách hàng có lợi thế không công bằng bằng cách cho họ câu hỏi trước. Ngoài ra, nhiều công ty ở Trung Quốc còn giúp học sinh giải quyết toàn bộ hồ sơ khi sửa hoặc viết hộ bài luận, làm giả thư giới thiệu của giáo viên trường trung học, thậm chí tư vấn cho họ cách lấy bảng điểm giả. 

"Thực tế là đối với sinh viên quốc tế, đặc biệt ở châu Á, luôn có mối lo ngại rằng liệu hồ sơ của họ có xác thực hay không, bài luận của họ có do họ viết hay không, hay liệu có chắc người đứng trước cửa có phải người đã nộp hồ sơ", Joyce E. Smith, giám đốc điều hành Hiệp hội Tư vấn tuyển sinh Quốc gia tại Arlington, Virginia, cho hay. 

Không chỉ dừng lại ở Iowa, dịch vụ hỗ trợ sinh viên châu Á còn lan rộng ra nhiều vùng khác. Học kỳ này, sinh viên tại Đại học Washington, Alabama và Pennsylvania, nhận được quảng cáo bằng tiếng Trung qua email từ các hãng vô danh. Trong đó, họ ghi rõ sinh viên có thể nâng điểm trung bình và tốt nghiệp sớm nếu họ thuê người đi học hộ hoặc làm bài luận. Quảng cáo đồng thời đảm bảo sẽ trả lại tiền nếu sinh viên không đạt điểm A. 

Bằng cách khai thác nhu cầu học ngày càng lớn của học sinh Trung Quốc và mong muốn thu lợi nhuận từ sinh viên nước ngoài của các trường đại học Mỹ, các công ty ngày càng làm ăn phát đạt. 

Theo Viện Giáo dục Quốc tế, hơn 760.000 sinh viên nước ngoài đang theo học tại Mỹ, một phần ba trong số này đến từ Trung Quốc. Số liệu thống kê năm 2014, cho thấy sinh viên Trung Quốc chi khoảng 10 tỷ USD tiền học phí và các khoản khác khi sống tại Mỹ.

Con đường mờ ám

Trong năm 2015, 4.540 sinh viên quốc tế đã ghi tên tại Đại học Iowa, trong đó có 2.797 sinh viên Trung Quốc. Hầu hết sinh viên bị cáo buộc gian lận đều mang quốc tịch Trung Quốc. 

Vụ việc ở Đại học Iowa đã chỉ ra viễn cảnh gian lận thi cử có thể gây rắc rối lâu dài như thế nào sau khi sinh viên nhập học. Trong bức thư được gửi ngày 25/4, Kenneth G. Brown, phó trưởng khoa tại Phân viện Kinh doanh Tippie, cho biết các sinh viên theo học trực tuyến được một công ty dịch vụ là ProctorU theo dõi. 

ProctorU phát hiện các sinh viên tham gia lớp học trực tuyến đã nhờ người khác thi hộ nhờ hệ thống theo dõi camera gắn trong máy tính được dùng để làm bài. Kết quả kiểm tra khuôn mặt của người thi khác với ảnh nhận dạng sinh viên thật.

sinh vien trung quoc gian lan thi cu o my anh 2
Một nhóm sinh viên Trung Quốc đang tung mũ trong lễ tốt nghiệp tại Đại học Columbia, Mỹ. Ảnh: Xinhua

Một sinh viên trao đổi cho biết Dịch vụ Sinh viên Quốc tế IU đã nhận làm bài thi giữa kỳ cho cô hồi tháng 3. Cô tiết lộ đã chi 1.200 USD để họ làm bài thi giữa kỳ môn Nhập môn Luật.

"Ban đầu, tôi không tìm người làm bài thi hộ, nhưng khi làm bài tập, tôi phát hiện điểm của mình luôn rất thấp và bắt đầu lo lắng. Gia đình rất nghiêm khắc và kỳ vọng vào kết quả của tôi. Sức khoẻ của mẹ không tốt và tôi không muốn làm bà thất vọng. Đó là lý do khiến tôi đưa ra quyết định sai lầm này", cô sinh viên 21 tuổi nói. 

Trong các tin nhắn, nhóm này xác nhận cung cấp dịch vụ học hộ cho sinh viên Đại học Iowa, nhưng bác bỏ thông tin đã giúp họ thi hộ và khẳng định không khách hàng nào bị cáo buộc gian lận thi cử. Nhân viên của họ cũng chỉ là sinh viên và không phải tất cả đều là người Trung Quốc. 

"Chúng tôi cũng là sinh viên và chỉ muốn kiếm một ít tiền. Tôi hy vọng sẽ được khoan dung. Cảm ơn rất nhiều", nhóm này viết. 

Một sinh viên khác bị bắt vì gian lận thừa nhận đã thuê công ty Fanyi Translation hay Fanyi Creation Translation, với giá 1.400 USD cho kỳ thi giữa kỳ. 

"Bộ phận dịch vụ nói chuyện rất ngọt ngào nhưng họ đã lừa chúng tôi. Họ nói có thể giúp chúng tôi đạt điểm A", cô kể sau khi nhận điểm B và bị trường phát hiện. "Chúng tôi thực sự hối hận". 

Công ty chuyên viết bài luận cho sinh viên và đảm bảo chất lượng bài viết vì có nhân viên là người nói tiếng Anh bản xứ. Fanyi tính giá khác nhau cho dịch vụ "đánh bóng" một bài viết hoặc viết theo kiểu đặt trước, đồng thời nhận làm tài liệu cho sinh viên ở nước ngoài như phát biểu cá nhân hay thư giới thiệu. Fancy nhận giao dịch bằng tiền USD, AUD, bảng Anh, nhân dân tệ qua thẻ Visa, MasterCard và UnionPay. Trang web của công ty này không thể truy cập từ ngày 23/5. 

Ước mơ của các bậc phụ huynh

Trên thực tế, không phải tất cả sinh viên Trung Quốc đều không trung thực và sinh viên Mỹ không miễn nhiễm với sức quyến rũ của các trò gian lận. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, sức cám dỗ để phá bỏ các nguyên tắc lại rất lớn, bởi để giành tấm vé vào các trường đại học tại đây, học sinh phải vượt qua kỳ thi tuyển gaokao khắc nghiệt.

Nhiều bậc phụ huynh không muốn con cái họ bước vào cuộc chiến đó và cánh cổng đại học Mỹ được coi là con đường dễ dàng hơn, với chất lượng giáo dục tốt hơn và triển vọng công việc rộng mở hơn. Để giúp sinh viên, ngành công nghiệp nhiều mặt này đã tận dụng kẽ hở trong hệ thống đào tạo đại học Mỹ. 

Xuan "Claren" Rong là người gốc Thâm Quyến, học trung học tại trường MacDuffie ở Mỹ từ năm 2011. Bảng điểm tại trường MacDuffie cho thấy điểm trung bình học tập của Rong vào tháng 4/2014 là 2,8/4. Cậu dự định tốt nghiệp năm 2015 nhưng đã bỏ học giữa chừng. Tháng 3/2014, Rong là khách hàng của Cunshande hay Transcend Education, công ty giúp học sinh Trung Quốc được nhận vào trường Mỹ, có trụ sở tại Thâm Quyến.

sinh vien trung quoc gian lan thi cu o my anh 3
Học sinh Trung Quốc phải vượt qua kỳ thi gaokao khắc nghiệt để vào đại học. Ảnh: CRI

Kevin Li cùng Michael Du lập công ty 5 năm trước và cho biết họ có khoảng 40 khách hàng mỗi năm, với chi phí dịch vụ tư vấn dao động 12.000 - 18.000 USD. Hoá đơn cho thấy bố mẹ Claren Rong đã trả 13.700 USD cho công ty và với sự hỗ trợ của họ, Rong đã nộp hồ sơ ít nhất 15 trường Mỹ. Cậu được nhận vào Đại học California Davis. 

Tháng 3/2015, hơn 100 trường Mỹ nhận được email từ một người xưng là nhân viên cũ của Transcend, với thông tin chi tiết về 40 sinh viên Trung Quốc, trong đó có Rong. 

"Tôi viết thư này để thông báo rằng sinh viên Xuan Rong, dưới ảnh hưởng của Cunshande, một công ty chuyên viết luận hộ cho sinh viên Trung Quốc khi nộp hồ sơ vào trường đại học Mỹ, đã gian lận", người này viết. 

Rong khằng định trong hồ sơ rằng cậu học tại trường trung học ở Thâm Quyến, với điểm trung bình A các môn. Nhưng trên thực tế, người gửi thư nói Rong học tại trường MacDuffie ở Massachusetts. Người này tiếp tục gửi thêm thông tin kèm 217 tài liệu đính kèm, trong đó có các bài luận do nhân viên Transcend giả mạo và 9 bài viết của chính Rong kèm lưu ý đặc biệt về trường trung học của cậu sinh viên. Theo đó, người gửi khẳng định bố mẹ Rong đã thuê làm bằng giả để che giấu điểm thật của con trai. 

Người phát ngôn của trường đại học cho biết Rong sẽ nghỉ sau kỳ mùa thu vào tháng 12/2015. Ông bố Yuanxin Rong xác nhận trong cuộc phỏng vấn tháng 11 năm ngoái rằng trường đã đuổi học con trai. Ông cũng thừa nhận Rong dùng bảng điểm giả vì điểm trung bình quá thấp. Trong khi đó Ketty Kang, đại diện trường trung học Cuiyuan nói họ đã cấp bảng điểm cho Rong.

Li ban đầu phủ nhận thông tin về bảng điểm trên, nhưng dữ liệu máy tính chỉ ra ông là người lưu lại bảng điểm cuối cùng trên Microsoft Word. Người này bao biện rằng có bảng điểm giả trên tập tin nhưng công ty không liên quan đến việc thu thập tài liệu.

Li đồng thời phủ nhận công ty viết hộ bài luận và cũng không giúp sinh viên lấy thư giới thiệu của giáo viên. Nhưng bản thảo 200 lá thư giới thiệu cho hơn 50 sinh viên trong dữ liệu đã chứng minh điều ngược lại. Chúng có dấu vết chỉnh sửa, kèm các đề xuất "mở rộng thêm" hay "kết hợp các đoạn", trong khi thông thường giáo viên hiếm khi làm điều đó. 

Theo Li, công ty không thay đổi thư giới thiệu và các lá thư được giáo viên uỷ quyền cho họ. Tuy nhiên, giáo viên Phillip Stout của trường Trung học Thâm Quyến khẳng định ông từng viết thư giới thiệu, nhưng không đưa bản sao hay uỷ quyền cho bất cứ ai thay đổi nó. Ông cũng chưa từng nghe đến tên Li hay công ty Transcend.

Bố Rong cho biết gia đình họ đang tìm một trường khác cho con trai và không hề hối hận vì đã làm học bạ giả. Ông nói: "Chúng tôi chỉ muốn một trường tốt hơn. Điều đó hoàn toàn bình thường. Ai cũng sẽ làm vậy thôi".

'Những đứa trẻ nhảy dù' Trung Quốc và ác mộng Mỹ

Nhiều thanh thiếu niên Trung Quốc tới Mỹ để học trung học bằng bất cứ giá nào, nhưng không hề biết rằng giấc mơ Mỹ có thể trở thành ác mộng vì sự thiếu hụt kỹ năng sống.

 

Hoàng Anh

Bạn có thể quan tâm