Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Những đứa trẻ nhảy dù' Trung Quốc và ác mộng Mỹ

Nhiều thanh thiếu niên Trung Quốc tới Mỹ để học trung học bằng bất cứ giá nào, nhưng không hề biết rằng giấc mơ Mỹ có thể trở thành ác mộng vì sự thiếu hụt kỹ năng sống.

"Đó là điều mọi người sẽ làm. Bạn bè của bố cháu đều gửi con đi học ở nước ngoài và điều này đã trở thành xu hướng rồi", cô bé 17 tuổi đến từ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, cho biết. Zhou đã học tại California hai năm và sẽ tốt nghiệp vào mùa xuân năm nay. 

Zhou là một trong nhiều thanh thiếu niên Trung Quốc đang đổ xô tới Mỹ để du học từ bậc trung học, với mong muốn theo đuổi nền giáo dục phương Tây để có lợi thế cạnh tranh khi nộp đơn vào các trường đại học Mỹ và tìm việc khi quay lại quê hương.

Ngành công nghiệp 25 tỷ USD

"Đây là một ngành công nghiệp lớn. Con số gần đây nhất tôi đọc là 25 tỷ USD", SCMP dẫn lời Joaquin Lim, người điều hành một công ty chuyên hỗ trợ cho học sinh Trung Quốc tại các trường học Mỹ, cho biết. 

nhung dua tre nhay du anh 1

Hailun Helen Zhou đang theo học tại trường Công giáo Linfield ở bang California, Mỹ. Ảnh: Getty


Theo Viện Giáo dục Quốc tế tại Washington, trong số gần một triệu học sinh quốc tế đăng ký học tại các trường công và tư nhân ở Mỹ năm 2014-2015, khoảng 304.000, tương đương 31,2% là đến từ Trung Quốc. Khoảng 30.000 học sinh đã theo học tại các trường cấp hai, cao hơn nhiều con số chưa đầy 1.000 học sinh cách đây 10 năm.

"Những đứa trẻ nhảy dù" là cụm từ được dùng để nhắc đến thế hệ thanh thiếu niên Trung Quốc được cha mẹ cho đi học tại Mỹ từ bậc trung học khi không có người thân bên cạnh. "Hội chứng trẻ nhảy dù" ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây.

"Các bậc phụ huynh, phần lớn ở tầng lớp trung lưu, chi khoảng 50.000 USD/năm để cho con đi học tại đây. Nhưng họ cũng coi đó là một hình thức đầu tư. Ba năm trước, chúng tôi có 40 học sinh Trung Quốc theo học tại trường trung học ở Mirrieta, còn ngày nay con số này là hơn 300 và vẫn tiếp tục tăng", Lim cho biết. 

Khác với hệ thống giáo dục khắc nghiệt và ám ảnh bởi điểm số của Trung Quốc, một trong những thử thách mà các học sinh này phải đối mặt là khả năng thích nghi với môi trường giáo dục tự do hơn tại Mỹ. 

"Nếu có một từ để mô tả cuộc sống ở đây thì đó là 'tự do'. Bạn có nhiều lựa chọn và tự do học những gì mình thích", Junheng Carl Li, 19 tuổi, nói.

Ác mộng Mỹ

Tuy nhiên, đối với những đứa trẻ được bố mẹ đưa sang Mỹ qua hình thức trung gian, không hề được chuẩn bị tâm lý và kiến thức trước những khác biệt về văn hoá và tính độc lập, thì đây lại là một thách thức rất lớn. Các chuyên gia còn cảnh báo rằng hành trình theo đuổi giấc mơ Mỹ có thể nhanh chóng biến thành một cơn ác mộng, khi nhiều "đứa trẻ nhảy dù" sống tại Mỹ và ít được cha mẹ giám sát có thể gặp nhiều rắc rối lớn, thậm chí là vào tù. 

nhung dua tre nhay du anh 2

Yunyao Zhai, một trong ba học sinh Trung Quốc, lĩnh án 13 năm tù vì tội bắt cóc và hành hung. Ảnh: Los Angeles Times

Ngày 17/2, ba du học sinh Trung Quốc theo học tại một trường trung học ở Rowland Heights, phía đông thành phố Los Angeles, đã lĩnh án tù ở Mỹ vì tội bắt cóc và hành hung bạn học. Vị thẩm phán tại phiên toà sơ thẩm khi đó đã nói rằng vụ việc này khiến ông nhớ đến tiểu thuyết "Chúa Ruồi", cuốn sách nói về câu chuyện của nhóm nam sinh bị mắc kẹt trên một hoang đảo. Khi buộc phải tự lo cho bản thân, họ đã trở nên hung dữ và hoang dã hơn. 

Vụ việc được coi là hồi chuông cảnh báo "hội chứng trẻ nhảy dù" của Trung Quốc và khiến nhiều bậc phụ huynh cân nhắc về việc để con sống ở nước ngoài khi không có sự giám sát của cha mẹ. 

"Đừng đưa con đến một nơi xa hơn 9.600 km trước khi xác nhận thông tin về trường và những người mà chúng sẽ ở cùng. Thông thường, những đứa trẻ này sẽ bị ném vào một môi trường hoàn toàn xa lạ và không được chuẩn bị để tự bảo vệ mình", Lim nhấn mạnh. 

Steven Perez, viên cảnh sát người tham gia trong vụ Rowland Heights, nói rằng số lượng thanh thiếu niên ra ngoài vào ban đêm, sống một mình trong các căn nhà được bố mẹ mua sẵn, hay không có sự hướng dẫn của người lớn ngày càng nhiều. Theo Perez, chúng đang tự quản lý cuộc sống của chính mình và không có trách nhiệm với kỳ ai. 

Trong khi đó Evan Freed, luật sư đại diện cho du học sinh Trung Quốc bị kết án 13 năm, cho rằng vụ việc này nên là lời cảnh tỉnh các bậc cha mẹ rằng sự sắp đặt của họ có thể đẩy con vào thảm hoạ hơn là có một tương lai tươi sáng. Freed kể rằng thân chủ của mình đã cảm thấy đau khổ vì không có cha mẹ bên cạnh và vì đã lạm dụng sự tự do ở một miền đất mới.

Mỹ phạt tù du học sinh Trung Quốc vì hành hung bạn

Ba du học sinh Trung Quốc lĩnh án tù ở Mỹ vì tội bắt cóc và hành hung bạn học. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho "hội chứng trẻ nhảy dù" tại nước này.

Hoàng Anh

Bạn có thể quan tâm