Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giới trẻ Hàn rủ nhau sang Trung Quốc tìm việc

"Hàn Quốc là nơi mà một lời mời làm việc cũng xa vời như những ngôi sao trên bầu trời", Ji Eun giải thích về lý do rời Hàn Quốc để tới Trung Quốc lập nghiệp.

Ji Eun, 34 tuổi, đã dạy học tại một nhà trẻ tư nhân ở Bắc Kinh suốt 8 năm qua. Người phụ nữ Hàn Quốc này từng có thời gian học tập tại Mỹ và Trung Quốc, sử dụng lưu loát cả tiếng Trung và tiếng Anh.

Là mẫu người phụ nữ Hàn Quốc điển hình, Eun có trong tay mọi thứ, ngoại trừ kế hoạch trở về quê hương bất chấp thực tế rằng cổ họng cô luôn bị ảnh hưởng vì khói mù ô nhiễm ở thủ đô Bắc Kinh. 

"Cuộc sống ở Hàn Quốc khó khăn và buồn chán hơn so với việc sống cùng sương mù ở Bắc Kinh. Đối với người tốt nghiệp một trường đại học ít nổi bật tại Hàn Quốc như tôi, tìm việc làm là điều rất khó khăn. Hàn Quốc là nơi mà một lời mời làm việc cũng xa vời như những ngôi sao trên bầu trời", Eun nói.

Người Hàn Quốc đang đọc thông tin trên bảng thông báo việc làm. Ảnh: 

neurope.eu

Cạnh tranh và phân biệt

Theo China.org.cn, cạnh tranh trong thị trường việc làm ở Hàn Quốc rất khốc liệt. Chỉ có một vài vị trí dành cho các sinh viên tốt nghiệp với thành tích đặc biệt nổi bật như từng được nhận vào ba trường đại học hàng đầu ở Hàn Quốc, trước khi theo học một trường nổi tiếng ở nước ngoài. 

"Các bạn gái của tôi ở Hàn Quốc thường thức dậy lúc 5h sáng, tập thể dục và mặc đồ. Họ tham gia các khoá huấn luyện nghề nghiệp trong thời gian rảnh và đi uống cùng sếp sau giờ làm việc. Ngoài ra, họ còn phải chú ý đến việc chăm sóc da và tiết kiệm tiền để phẫu thuật thẩm mỹ", Eun nói. Tại Hàn Quốc, các nhân viên nữ còn chịu sự phân biệt đối xử so với đồng nghiệp nam và bị coi là thấp kém hơn. Eun thực sự rất nhớ nhà, nhưng khi nhìn lại cuộc sống của những người bạn, cô nói không sẵn sàng để quay lại.

Thị trường việc làm chậm chạp ở Hàn Quốc đã khiến nhiều người trẻ không còn hào hứng với tình yêu, hôn nhân, sinh con, bạn bè và niềm kiêu hãnh của bản thân, nhà nghiên cứu Wang Xiaoling của Học viện Khoa học Trung Quốc nhận định. 

Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế Hàn Quốc đã chững lại kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998. Sự chuyển đổi và nâng cấp các ngành công nghiệp trong nước đang khiến thị trường việc làm ngày càng khó khăn. 

Tỷ lệ việc làm trong thị trường nội địa thất thường, trong khi số lượng sinh viên tốt nghiệp bị thất nghiệp ngày càng tăng. Để giải quyết những vấn đề này, chính phủ và bộ giáo dục Hàn Quốc đã hơn một lần khuyến khích người trẻ tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài.

Học tại các trường đại học nổi tiếng, đi làm, lập gia đình, vay vốn để mua nhà và nuôi con là lộ trình phổ biến trong thời kỳ quá độ ở Hàn Quốc giai đoạn những năm 1970. Tuy nhiên, hơn 30 năm sau, lối sống đầy hứa hẹn này đã chấm dứt khi các tín hiệu xấu từ thị trường việc làm trong nước xuất hiện.

Với tấm bằng tiến sĩ của một trường đại học Mỹ cùng kinh nghiệm làm việc tại Singapore và Hong Kong, Jae Seok đã kết hôn ở tuổi 40. Seok dự định mua căn nhà mà đã anh và người vợ 38 tuổi đang thuê. Dù lấy vợ muộn hơn 10 năm so với độ tuổi kết hôn của bố mẹ, anh vẫn được coi là may mắn khi công việc hiện tại suôn sẻ.

Người tìm việc đang nói chuyện với nhà tuyển dụng tại một hội chợ việc làm ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc, hồi tháng 2/2014. Ảnh: Bloomberg

Wang cho rằng nếu bất kỳ một bạn trẻ nào muốn có cuộc sống thành công như Seok, họ cần phải thể hiện tốt hơn và có bản lĩnh quyết liệt hơn.

Seok có người em gái 36 tuổi. Không có công việc ổn định như anh trai, người phụ nữ này đã cùng bạn trai đến nhiều nước khác và tìm các công việc tạm thời. "Khi không thể có một công việc ổn định, ít nhất thì chúng tôi cũng có thể tận hưởng sự tự do của cuộc sống", cô nói. Tuy nhiên, gần bước sang tuổi 40, cô ngày càng bối rối và hy vọng sẽ nuôi một đứa trẻ khi vợ chồng ổn định. 

Hy vọng ở chân trời mới

Người Hàn Quốc rất coi trọng giáo dục. Tại quốc gia này, nhiều gia đình thuộc tầng lớp trung lưu không tiếc tiền đầu tư giáo dục cho con cái. Tuy nhiên, thị trường việc làm khó khăn đã khiến thời gian đi học kéo dài và nâng độ tuổi kết hôn. 

Thêm vào đó, khi ít có khả năng mua một căn hộ, giá thuê nhà tăng vọt đã chiếm phần lớn một khoản tiết kiệm của giới trẻ vào các khoản tiết kiệm của giới trẻ Hàn Quốc. Đồng thời, dân số giảm sút, vấn đề thu nhập xã hội và tiêu thụ sụt giảm trên thị trường đã ảnh hưởng đến sự phục hồi của nền kinh tế quốc gia. Do đó, nhiều người trẻ từ các gia đình trung lưu đã hạ thấp kỳ vọng đối với cả công việc và chất lượng cuộc sống. 

Hye Won sinh ra trong một gia đình trung lưu với bố mẹ và ông nội đều là giáo sư. Cô được nhận vào một trường đại học nổi tiếng ở Hàn Quốc và có chứng chỉ cấp 8 trình độ Hán ngữ Trung Quốc HSK từ sớm. Won học tiếng Anh một năm tại một trường học Mỹ và đến Nhật trong chương trình học ngôn ngữ một năm. Cô là một sinh viên nổi bật và được lựa chọn đào tạo sau đại học tại Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong suốt ba năm ở Bắc Kinh, cô luôn trong tình trạng căng thẳng.

Sự trầm cảm của Won một phần do áp lực học tập nặng nề và cuộc sống cô đơn, một phần vì lo lắng rằng triển vọng nghề nghiệp không rõ ràng. Cha mẹ liên tục thuyết phục Won từ bỏ ý định trở thành giáo sư khi sự cạnh trang ngày càng khốc liệt.

Theo Won, cô rất khó có cơ hội sống một cuộc sống như cha mẹ khi họ đã nỗ lực từ bàn tay trắng. Won từ bỏ kế hoạch tiếp tục học ở Mỹ và cố gắng đảm bảo một công việc ở Bắc Kinh, lấy kinh nghiệm để tìm việc làm ở Hàn Quốc. 

Yeon Hak, 30 tuổi, sinh ra trong một gia đình giàu có. Ông nội của Hak là người sáng lập một doanh nghiệp cỡ trung, trong khi cha là nhân viên ngân hàng. Anh đến Hong Kong và Bắc Kinh trong kỳ thực tập và nghiên cứu sau khi học xong tại Mỹ. Lấy động lực từ tinh thần kinh doanh của ông nội, Hak xác định sẽ lạc quan dù những khó khăn tạm thời của nền kinh tế Hàn Quốc có thể tiếp tục ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của anh. 

Theo Hak, mức tiêu thụ thu hẹp dần và sự độc quyền của các tập đoàn quốc gia đã ảnh hưởng không nhỏ đến các công ty mới khởi nghiệp, khiến nhiều người trẻ rơi vào tâm trạng bi quan. Anh dự định phát triển sự nghiệp từ Bắc Kinh và hạnh phúc khi sống tạm thời tại thành phố này. 

Góc khuất của công nhân xuất ngoại làm lao động ở Nhật Bản

Sang Nhật Bản theo chương trình đào tạo lao động, nhưng nhiều công nhân Trung Quốc phải làm việc trong điều kiện bị bóc lột và nợ lương.

 

Hoàng Anh

Bạn có thể quan tâm