Thị trường tài chính thế giới đang liên tục chứng kiến những thương vụ ngân hàng rơi vào khủng hoảng như SVB tại Mỹ hay Credit Suisse tại Thụy Sĩ. Tâm lý nhà đầu tư trong nước tiếp tục bị ảnh hưởng đáng kể từ bức tranh tài chính toàn cầu vốn đã ảm đạm sau đại dịch.
Covid-19 đã đẩy tình hình thế giới vào một giai đoạn bất ổn nghiêm trọng, hệ lụy là hệ thống kinh tế, tài chính toàn cầu đang rơi vào cuộc suy thoái nặng nề nhất trong vài thập kỷ qua.
Điều tồi tệ nhất chưa diễn ra
"Tôi cho rằng những điều tồi tệ nhất vẫn còn chưa diễn ra. Lãi suất tăng, điều kiện tài chính thắt chặt đã làm gia tăng những rủi ro của hệ thống tài chính toàn cầu", Bà Nguyễn Vũ Thùy Hương - Giám đốc Khối Đầu tư Chứng khoán SSI chia sẻ.
Nền kinh tế thế giới không thể chống chịu được lâu dài với mức lãi suất như hiện nay. Niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng đang bị xói mòn, khi các ngân hàng liên tục gặp rủi ro thanh khoản với rất ít các dấu hiệu được báo trước.
Giám đốc Khối đầu tư SSI Nguyễn Vũ Thùy Hương tin rằng những điều tồi tệ nhất của thị trường tài chính vẫn còn chưa diễn ra. Ảnh: SSI. |
Niềm tin của nhà đầu tư cũng lung lay, khi nhiều loại tài sản trở nên có mức độ rủi ro cao nhiều so với kỳ vọng chung của thị trường. Điều này dẫn đến bức tranh về triển vọng phục hồi của kinh tế thế giới trở nên ảm đạm hơn trong năm 2022.
Theo bà Hương, sự sụp đổ của hệ thống tài chính không phải đơn giản có thể đoán định được từ việc đọc báo cáo tài chính, mà nó còn đến từ niềm tin của người dân/nhà đầu tư.
Minh bạch là yếu tố quan trọng để xây dựng niềm tin. Sự minh bạch không chỉ từ phía cơ quan quản lý, từ các thành viên thị trường, mà còn trong toàn bộ hành trình của khách hàng đối với một định chế tài chính, bên cạnh các nhân tố khác như quản trị rủi ro, bảo mật thông tin, cá nhân hóa để đáp ứng được các yêu cầu/mong muốn riêng của khách hàng.
Thị trường chứng khoán ra đời với hai mục tiêu. Thứ nhất, mục tiêu quan trọng nhất là huy động vốn cho nền kinh tế. Thứ hai là tạo thanh khoản, tức để người dân chủ động đầu tư thị trường, mua đi bán lại, đầu tư vào các công ty, gián tiếp sở hữu công ty, phân chia lợi nhuận trên thị trường.
Tránh trở thành "miếng mồi"
Thị trường chứng khoán đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất kể từ sau khủng hoảng kinh tế năm 2008 khi gần như đồng thời các yếu tố quan trọng tác động đến thị trường đều đồng loạt trở nên tiêu cực.
Chẳng hạn như tình hình thanh khoản khó khăn của ngân hàng; tỷ giá tăng mạnh, đột biến trên nền lãi suất cao, các sự vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng ở một số doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng cổ phần, sự bất ổn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến niềm tin của nhà đầu tư sụt giảm, kéo đến thanh khoản giảm mạnh.
Các công ty chứng khoán theo đó đều ít nhiều bị chịu tác động. Thị trường đã xuất hiện các công ty bị mất thanh khoản tạm thời khi tài sản trên danh mục đầu tư không thể chuyển được thành tiền ngay lập tức, nhằm đáp ứng các nhu cầu thanh toán cũng như xuất hiện hàng loạt nợ xấu trong hoạt động cho vay margin.
"SSI cho đến thời điểm này chưa phát sinh bất kì một khoản nợ xấu, trái phiếu quá hạn hay rủi ro thanh toán nào, đồng thời duy trì được trạng thái thanh khoản dồi dào cho tất cả các mảng", bà Hương khẳng định.
SSI cho đến thời điểm này chưa phát sinh bất kì một khoản nợ xấu, trái phiếu quá hạn hay rủi ro thanh toán nào, đồng thời duy trì được trạng thái thanh khoản dồi dào cho tất cả các mảng
Bà Nguyễn Vũ Thùy Hương - Giám đốc Khối Nguồn vốn và Kinh doanh tài chính kiêm Giám đốc Khối Đầu tư, Chứng khoán SSI.
Danh mục đầu tư cả cổ phiếu và trái phiếu chỉ bao gồm những hàng hóa có tổ chức phát hành là đơn vị có tín nhiệm, tình hình tài chính tốt và thanh khoản cao, có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt khi cần thiết.
Đại diện SSI nhấn mạnh doanh nghiệp trong 23 năm hoạt động trải qua nhiều cuộc khủng hoảng tài chính vẫn luôn giữ được vị thế dẫn đầu và ngày càng trở nên vững mạnh. Sự thành công đến từ 3 yếu tố: tính chủ động, nội tại khỏe mạnh và sự khôn ngoan.
Chủ động là biết mình là ai, biết muốn gì và cần phải làm gì. SSI chọn mục tiêu rõ ràng, chọn làm những gì hiểu rõ nhất, tập trung nguồn lực và thời gian để làm tốt nhất.
Khỏe mạnh là giữ một trạng thái dồi dào về tiềm lực nội tại, sức mạnh về tài chính, đội ngũ nhân sự vững vàng. Khỏe để các đối tác yên tâm, nhà đầu tư có niềm tin và đối thủ dè chừng ngay cả khi có ý định tấn công.
Sự khôn ngoan là tính tuân thủ kỷ luật trong kinh doanh, đầu tư và thượng tôn pháp luật. Thị trường luôn đầy rẫy các cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn các rủi ro đi kèm, công ty biết đâu là điểm dừng và điểm tới hạn để lựa chọn cơ hội phù hợp.
Trong nguy có cơ
Khi công ty mài giũa ngày càng sắc bén 3 yếu tố trên thì rất khó để trở thành “con mồi” cho các đối thủ khác, mà ngược lại bạn sẽ luôn sẵn sàng ở tư thế “người đi săn”.
Với giai đoạn khủng hoảng hiện nay, đại diện SSI vẫn tin tưởng có những cơ hội để đi săn nhằm gia tăng vị thế, chẳng hạn như mua lại một công ty chứng khoán đối thủ.
SSI vẫn muốn tìm kiếm các cơ hội đầu tư giữa thời điểm khủng hoảng. Ảnh: SSI. |
Vị này nêu quan điểm không có khủng hoảng thì làm sao thấy được công ty nào khỏe hay công ty nào yếu, làm sao có chuyện ông lớn số 1 nuốt ông lớn số 2 dễ thế được, như trường hợp UBS thôn tính lại Credit Suisse đang diễn ra.
Trong giai đoạn bình ổn, SSI đã tập trung cho các hoạt động kinh doanh và tích luỹ nguồn lực. Còn trong những thời điểm khủng hoảng, SSI tăng cường quản trị rủi ro bên cạnh việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư.
"Trong nguy có cơ. Có cơ hội tốt xuất hiện, tại sao chúng tôi lại không “đi săn” chứ", bà Hương đặt vấn đề.
SSI sẽ tập trung và lựa chọn cơ hội phù hợp. Việc mua lại một công ty chứng khoán, thực hiện thương vụ M&A theo chiều ngang sẽ giúp SSI gia tăng thị phần, doanh thu lợi nhuận, mở rộng quy mô đồng thời loại bỏ đối thủ cạnh tranh.
SSI có thể quan tâm đến một công ty dựa trên các tiêu chí mạng lưới khách hàng, thị phần, công nghệ hoặc danh mục tài sản tốt... chứ không quan tâm đến việc mua thêm một giấy phép hoạt động.
Công ty với tôn chỉ hoạt động dựa trên nền tảng phát triển bền vững nên chỉ cân nhắc khi bất kì cơ hội nào đem lại giá trị gia tăng, lợi ích bền vững lâu dài cho khách hàng và cổ đông, bà kết luận.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...