Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ mua lại Credit Suisse

Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS đồng ý mua lại Credit Suisse với giá 3,23 tỷ USD, trong thỏa thuận được thúc đẩy nhằm ngăn chặn sự khủng khoảng của hệ thống ngân hàng toàn cầu.

Chủ tịch Hội đồng quản trị UBS Colm Kelleher (phải) và Chủ tịch Hội đồng quản trị Credit Suisse Axel Lehmann tham dự cuộc họp báo về Credit Suisse sau thỏa thuận mua lại từ UBS, tại Bern, Thụy Sĩ, ngày 19/3. Ảnh: Reuters.  

Chính phủ Thụy Sĩ đã buộc đối thủ UBS tiếp quản ngân hàng đang gặp khó khăn Credit Suisse với giá gần 3,25 tỷ USD - thấp hơn nhiều so với giá trị thị trường - trong bối cảnh lo ngại rằng việc không bảo vệ người gửi tiền sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu mới, Guardian đưa tin hôm 20/3.

Theo Reuters, UBS Group sẽ trả 3 tỷ franc Thụy Sĩ (tương đương 3,23 tỷ USD) cho đối thủ lâu năm Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ, và chịu khoản lỗ lên tới 5,4 tỷ USD trong một thỏa thuận được hỗ trợ bởi một khoản bảo lãnh lớn của chính phủ Thụy Sĩ và dự kiến kết thúc vào cuối năm 2023.

Sau một ngày cuối tuần đàm phán quay cuồng, chính phủ Thụy Sĩ và cơ quan quản lý ngân hàng đã làm trung gian cho thỏa thuận sau khi rõ ràng khoản vay 54 tỷ USD cho Credit Suisse từ Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ đã không thể ngăn chặn sự lao dốc chóng mặt của giá cổ phiếu.

Tổng thống Thụy Sĩ Alain Berset cho biết: “Việc UBS tiếp quản Credit Suisse là giải pháp tốt nhất” trong tình hình hiện nay.

Wall Street Journal gọi thương vụ này là "cuộc siêu sáp nhập" đầu tiên của các ngân hàng quan trọng trên toàn cầu về mặt hệ thống sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Theo thỏa thuận, chính phủ Thụy Sĩ sẽ cấp hơn 9 tỷ USD để bù đắp một số tổn thất mà UBS có thể phải gánh chịu khi tiếp quản ngân hàng 167 năm tuổi Credit Suisse.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ hỗ trợ hơn 100 tỷ USD thanh khoản cho UBS.

Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter khẳng định đây không phải là gói cứu trợ mà là một giải pháp thương mại. "Credit Suisse sẽ gây thiệt hại tài sản thế chấp lớn trên thị trường tài chính Thụy Sĩ và có nguy cơ lan ra quốc tế", bà nhấn mạnh.

Credit Suisse anh 1

Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS đồng ý mua lại Credit Suisse với giá 3,23 tỷ USD. Ảnh: AP.

Trong những ngày qua, giới đầu tư và khách hàng đã rút tiền khỏi Credit Suisse giữa lúc ngân hàng này - và cả ngành công nghiệp ngân hàng thế giới - chao đảo trước sự sụp đổ của hai ngân hàng Mỹ, Silicon Valley Bank và Signature Bank.

Bất chấp khoản vay cứu trợ khẩn cấp 54 tỷ USD của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ, cổ phiếu của Credit Suisse đã mất 25% giá trị trong tuần qua. Chỉ trong ba ngày 13-15/3, hơn 450 triệu USD bị rút khỏi các quỹ do Credit Suisse quản lý ở châu Âu và Mỹ, theo số liệu của Morningstar.

Đầu tuần trước, Bloomberg đưa tin Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ và Cơ quan quản lý thị trường Tài chính Thụy Sĩ đã phối hợp tìm thêm cách để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Credit Suisse. Các ý tưởng gồm tách riêng mảng kinh doanh ở Thụy Sĩ và sáp nhập vào UBS. Nhưng nguồn tin cho hay cả 2 nhà băng đều phản đối kế hoạch này.

Đến cuối tuần, nguồn tin của Financial Times cho biết UBS yêu cầu chính phủ Thụy Sĩ hỗ trợ họ 6 tỷ USD nhằm trang trải những khoản chi phí khổng lồ tiềm ẩn.

Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế

Chuyện gì đang xảy ra tại ngân hàng Credit Suisse

Việc giá cổ phiếu của ngân hàng Thụy Sĩ bất ngờ giảm mạnh đã làm gia tăng lo ngại về những điểm yếu của ngành tài chính sau sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley.

Cổ phiếu Credit Suisse lao dốc sau quyết định của nhà đầu tư Arab

Giá trị cổ phiếu của Credit Suisse ngày 15/3 giảm 30% và rơi xuống mức thấp kỷ lục sau khi Ngân hàng Quốc gia Saudi Arabia từ chối cấp thêm vốn cho định chế tài chính này.

Hồng Ngọc

Bạn có thể quan tâm