Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thị phần môi giới chứng khoán SSI, VCSC, Mirae Asset tăng mạnh

Nhóm công ty dẫn đầu về thị phần môi giới trên HoSE có nhiều biến động trái chiều quý cuối năm 2022, với nhóm SSI, VCSC, Mirae Asset đi lên còn VPS, TCBS giảm mạnh.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa công bố danh sách 10 công ty chứng khoán có thị phần giao dịch môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có đảm bảo quý IV/2022 và cả năm 2022.

Trong quý cuối năm vừa qua, Chứng khoán VPS vẫn duy trì vị trí dẫn đầu về thị phần môi giới cổ phiếu với 14,81% và là quý thứ 8 liên tiếp thống lĩnh bảng xếp hạng. Tuy nhiên, con số này đã rơi mạnh so với mức 18,71% của quý liền trước.

Sự chững lại đáng kể của VPS là cơ hội cho đơn vị ngay phía sau là Chứng khoán SSI rút ngắn khoảng cách. Công ty này đã tăng thị phần từ 9,6% lên 9,96% chỉ sau một quý.

Thị phần môi giới trên sàn HoSE
Công ty Quý IV/2022 Công ty Quý III/2022
Chứng khoán VPS 14,81% Chứng khoán VPS 18,71%
Chứng khoán SSI 9,96% Chứng khoán SSI 9,6%
VNDirect 7,51% VNDirect 7,72%
Mirae Asset 6,31% Mirae Asset 5,85%
HSC 6,19% HSC 5,58%
VCSC 5,14% Chứng khoán Kỹ Thương 5,23%
Chứng khoán MB 4,88% Chứng khoán MB 4,73%
Chứng khoán Kỹ Thương 3,73% VCSC 4,49%
KIS Việt Nam 3,48% Chứng khoán FPT 2,99%
Rồng Việt 3,24% KIS Việt Nam 2,74%

Trong khi đó, VNDirect cũng hụt hơi sau giai đoạn bứt tốc trước đó, ghi nhận mức giảm thị phần về 7,51% trong quý IV/2022. Tuy vậy, công ty này vẫn duy trì vị trí trong top 3. Với Mirae Asset và Chứng khoán TP.HCM (HSC), cả hai đều có sự tăng trưởng về thị phần môi giới quý gần nhất, lần lượt chiếm 6,31% và 6,19%.

Hai vị trí tiếp theo thuộc về Chứng khoán Bản Việt (VCSC) và Chứng khoán MB (MBS), cả hai cũng ghi nhận mở rộng đáng kể thị phần trong quý cuối năm trước, lần lượt đạt 5,14% và 4,88%. Chứng khoán KIS Việt Nam cũng gia tăng với 3,48% thị phần.

Ở chiều ngược lại, một đơn vị khác mất khách hàng mạnh trong đợt này là Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) khi chỉ còn 3,73%. Trong khi Chứng khoán FPT thậm chí đã rơi khỏi top 10 công ty lớn nhất, thay vào đó là Chứng khoán Rồng Việt (VDSC).

Tổng thị phần của nhóm 10 công ty dẫn đầu tại sàn HoSE quý IV/2022 ước đạt 65,25%, giảm so với con số 67,64% của quý III cùng năm. Điều này cho thấy thị phần môi giới chứng khoán tiếp tục bị giãn đều hơn về phía các nhà môi giới quy mô nhỏ hơn.

Tính chung cả năm 2022 trên sàn giao dịch này, Chứng khoán VPS vẫn là đơn vị có thị phần lớn nhất với 17,38%. Những cái tên lớn tiếp theo là SSI, VNDirect, HSC và Mirae Asset lần lượt với 9,84%; 7,88%; 5,72% và 5,47% thị phần. Các vị trí xếp sau trong top 10 không có thay đổi về thứ hạng.

Năm 2022 là giai đoạn nhiều biến động đối với thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam. Các chỉ số chứng khoán, thanh khoản thị trường, giá trị vốn hóa niêm yết… đều giảm mạnh so với năm 2021.

VN-Index khép lại phiên giao dịch cuối cùng của tháng cuối năm tại mức 1.007,09 điểm, giảm gần 33% so với cuối năm 2021 và trở thành chỉ số giảm mạnh trong top 5 toàn cầu. Giá trị giao dịch bình quân phiên đạt hơn 17.000 tỷ đồng, giảm hơn 21,24% so với bình quân phiên năm liền trước.

VN-Index 'bốc hơi' 100 tỷ USD trong năm 2022

Chứng khoán Việt Nam là một trong các thị trường giảm mạnh trong năm 2022, đẩy tổng giá trị vốn hóa trên các sàn bốc hơi khoảng 100 tỷ USD.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm