Lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu ngành chứng khoán cần sớm đưa hệ thống công nghệ thông tin mới (KRX) vào hoạt động trong năm 2023. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ngày 3/1, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi đã đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên của năm 2023.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết năm 2022 là năm thế giới dần hồi phục sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát. Tuy nhiên, khi những hậu quả về mặt kinh tế mà đại dịch này gây ra vẫn cần thời gian để khắc phục, thế giới lại phải đối mặt thêm những khó khăn mới tới từ sự bất ổn chính trị, xung đột giữa Nga và Ukraine.
Dù gặp nhiều khó khăn, thách thức từ cả trong và ngoài nước, Thứ trưởng Chi cho biết kết quả kinh tế GDP của Việt Nam ước tính năm 2022 vẫn đạt mức tăng trưởng cao, khoảng 8%, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Các cân đối vĩ mô cũng tiếp tục được giữ ổn định với lãi suất, lạm phát, tỷ giá được kiểm soát; thu ngân sách giữ vững; nợ công, bội chi ngân sách đảm bảo các chỉ tiêu của Quốc hội.
Trong đó, thu ngân sách Nhà nước năm 2022 ước đạt 1,8 triệu tỷ đồng, bằng 125% dự toán Quốc hội giao và tăng gần 20% so cùng kỳ năm 2021. Ngân sách vẫn đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn…
Đối với thị trường chứng khoán, Thứ trưởng Chi cho biết dù có nhiều biến động, năm 2022, thị trường vẫn giữ được hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt. Huy động vốn trên thị trường chứng khoán vẫn đạt ở mức cao, đa số các doanh nghiệp niêm yết hoạt động ổn định, có lãi. Cùng với đó là sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước ngày càng tăng.
Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi chỉ đạo tại buổi khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2023. Ảnh: HNX. |
Trước những khó khăn, thách thức đặt ra cho năm 2023, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đã chỉ đạo 5 nhiệm vụ trọng tâm ngành chứng khoán cần triển khai trong năm nay.
Nhiệm vụ đầu tiên lãnh đạo Bộ Tài chính đưa ra với ngành chứng khoán là cần tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, sửa đổi Luật Chứng khoán, các Luật, văn bản có liên quan thị trường chứng khoán. Cùng với đó, cơ quan quản lý chứng khoán cần tiếp tục phát triển thị trường về quy mô, tập trung nâng cao chất lượng thị trường, nâng cao năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh của các tổ chức tham gia thị trường. Trong đó, lãnh đạo Bộ yêu cầu chú trọng đổi mới, phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý, giám sát thị trường.
Nhiệm vụ thứ hai được đưa ra là xây dựng kế hoạch cụ thể, từ đó triển khai các hoạt động trong năm 2023 và các năm tiếp theo bài bản trên cơ sở chiến lược ngành Tài chính, Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Đáng chú ý, Thứ trưởng Chi nhấn mạnh cơ quan quản lý chứng khoán cần đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống giao dịch trong năm nay, sớm đưa hệ thống công nghệ thông tin mới (KRX) vào hoạt động để đảm bảo sự đồng bộ về giao dịch và thanh toán. Từ đó tạo điều kiện triển khai các sản phẩm mới và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.
Nhiệm vụ tiếp theo được lãnh đạo Bộ Tài chính đưa ra là tổ chức triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán để tăng quy mô và chất lượng hàng hóa cho thị trường chứng khoán.
Cuối cùng, Thứ trưởng Tài chính yêu cầu Ủy ban Chứng khoán, các Sở Giao dịch tăng cường công tác giám sát thị trường chứng khoán và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và hoạt động lành mạnh của doanh nghiệp.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...