Sau 40 ngày không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng, hôm 25/3, Hải Phòng, Bình Dương và TP.HCM cùng xuất hiện ca mắc Covid-19; trong đó, 2 trường hợp là người nhập cảnh trái phép. Hơn một năm kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, người nhập cảnh trái phép liên tục là một trong những nguồn lây nhiễm cộng đồng đáng lo ngại.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm từng cho biết trung bình mỗi ngày, có hàng trăm người nhập cảnh bất hợp pháp. Năm 2020 có khoảng 14.000 người nhập cảnh bất hợp pháp, gây khó khăn trong quản lý và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Đường xâm nhập khó kiểm soát nhất
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) Nguyễn Trí Dũng cho biết dù nhiều ngày qua TP.HCM không có ca nhiễm trong cộng đồng, HCDC vẫn luôn cảnh giác ở mức cao nhất. Ngành y tế đã tiến hành các biện pháp cần thiết để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh như truy vết người tiếp xúc gần, vệ sinh khử khuẩn...
“Lúc nào cũng phải lo, lúc nào cũng phải đề phòng. Tôi đã cảnh báo người dân luôn phải tuân thủ 5K, người nhập cảnh phải luôn khai báo ngay chứ không phải khi cơ quan chức năng tới khu dân cư rồi mới khai báo", Giám đốc HCDC cho biết.
Ông Dũng nhận định trước những thông tin hiện có về các ca mắc Covid-19, chưa thể đánh giá mức độ lây lan của dịch và các ngành chức năng đang điều tra thêm.
Ông Dũng cũng cho biết Công an TP Phú Quốc (Kiên Giang) đang tiếp tục điều tra, làm rõ số lượng chính xác và lịch trình di chuyển của những người nhập cảnh trái phép trên tàu cá từ Campuchia về Phú Quốc.
Khách sạn Quốc Thái tại huyện Bình Chánh được phong tỏa do ca mắc Covid-19. Ảnh: Chí Hùng. |
Giám đốc HCDC từng nhiều lần cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh đến từ những người nhập cảnh trái phép. Ông Dũng cho rằng TP.HCM có dân số lớn, đầu mối giao lưu của cả nước, nên các trường hợp nhiễm không rõ nguồn gốc sẽ gây nhiều khó khăn cho việc khoanh vùng, dập dịch, kiểm soát lây lan.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng nhận định nhập cảnh trái phép qua đường mòn lối mở là đường xâm nhập khó kiểm soát nhất. Lãnh đạo HCDC kêu gọi cộng đồng đề cao cảnh giác và báo cáo chính quyền địa phương các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép.
Người nhập cảnh trái phép có thể bị phạt 3 năm tù
Ở góc độ pháp lý, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết người nhập cảnh trái phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính 15-25 triệu đồng theo điểm b, Khoản 5, Điều 17, Nghị định 167.
Người xuất nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép còn bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về nhập cảnh trái phép. Điều 347 Bộ luật Hình sự 2015 quy định mức xử phạt 5-50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Cùng với đó, người cố tình không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực về kiểm dịch y tế biên giới bị phạt 5-7 triệu đồng (điểm d, Khoản 2, Điều 13 Nghị định 117).
Đặc biệt, người nghi ngờ mắc Covid-19 đã được thông báo mà cố tình không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là thực hiện Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người (điểm c, Khoản 1, Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017) và bị xử lý về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.
TP.HCM vừa truy tố một trường hợp làm lây lan dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Công an cung cấp. |
Ngoài ra, những người có hành vi che giấu người xuất nhập cảnh trái phép sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.
Cụ thể, điểm a, Khoản 5, Điều 17 Nghị định 167 quy định người có hành vi giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác vào Việt Nam trái phép thì bị phạt 15-25 triệu đồng.
Gần đây nhất, ngày 8/3, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã chỉ đạo TP.HCM khẩn trương thi công các khu cách ly dành riêng cho đối tượng nhập cảnh trái phép hoặc bị trục xuất trở về. Ông cũng yêu cầu điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, xử phạt hành chính đối với các khách sạn, cơ sở lưu trú cho đối tượng này ở.