Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen diễn ra ở Snowmass Village, Colorado, ông Burns khẳng định: “Người Trung Quốc rất giỏi trong việc chi tiền và họ có thể đưa ra điều kiện rất hấp dẫn cho các khoản đầu tư của mình”, theo AFP.
Nhưng các quốc gia nên nhìn vào "một nơi như Sri Lanka hiện nay. Họ đang mắc rất nhiều nợ với Trung Quốc. Họ đã tham gia một ván cược thật sự không khôn ngoan về tương lai kinh tế nước nhà và kết quả là họ đang gánh chịu hậu quả khá thảm khốc, cả về kinh tế và chính trị”.
"Tôi nghĩ đây phải là một bài học kinh nghiệm cho rất nhiều quốc gia khác, không chỉ ở Trung Đông hay Nam Á, mà trên toàn thế giới. Các nước nên mở rộng tầm mắt chú ý những kiểu giao dịch như thế này", ông nêu quan điểm.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng công khai chỉ ra việc xuất khẩu ngũ cốc Ukraine bị đình trệ là một nguyên nhân góp phần gây ra cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka.
Sri Lanka đã cho một công ty của Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm sau khi không thể trả khoản vay 1,4 tỷ USD. Ảnh: Xinhua. |
Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào Sri Lanka, quốc đảo có vị trí chiến lược ở Ấn Độ Dương. Bắc Kinh cũng từng hợp tác chặt chẽ với cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa.
Ông Rajapaksa đã bỏ trốn khỏi đất nước và từ chức vào tuần trước khi đối mặt với các cuộc biểu tình của người dân. Khủng hoảng khiến Sri Lanka gần như cạn kiệt nguồn cung cấp thực phẩm và nhiên liệu.
Sri Lanka đã vay rất nhiều từ Trung Quốc cho các dự án cơ sở hạ tầng. Một số dự án trong số này có giá trị và mức độ hiệu quả không tương xứng với chi phí để duy trì nó.
Năm 2017, Sri Lanka không thể trả khoản vay 1,4 tỷ USD để xây dựng cảng Hambantota ở miền Nam nước này và buộc phải cho một công ty Trung Quốc thuê cơ sở này trong 99 năm.
Gần cảng Hambantota là sân bay Rajapaksa, được xây dựng bằng khoản vay 200 triệu USD của Trung Quốc. Tuy nhiên, sân bay này được sử dụng rất ít đến mức có thời điểm nó không thể trang trải hóa đơn tiền điện.