Sau khoảng 10 cái Tết tại Hà Nội, ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội (AmCham Hà Nội) - cho biết đã nói được tiếng Việt dù không quá xuất sắc.
Trong cuộc phỏng vấn với Zing dịp Tết Quý Mão, ông gửi lời chúc bằng tiếng Việt tới các độc giả Việt Nam và khẳng định nền kinh tế đã kết thúc năm Nhâm Dần với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ.
"Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ cao hơn hầu hết quốc gia trên thế giới. Hoạt động xuất khẩu vẫn rất vững chắc dù đối mặt với những thách thức trong chuỗi cung ứng. Đầu tư nước ngoài cũng được duy trì mạnh mẽ", ông Sitkoff nhận định.
"Nhu cầu tiêu dùng cũng ổn định. Đất nước các bạn đã ứng phó tốt với những thách thức từ bên ngoài, từ đại dịch, giá cả đầu vào tăng cao đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc", vị giám đốc điều hành AmCham nói thêm.
Vị thế thuận lợi để phục hồi
Theo ông Sitkoff, việc triển khai vaccine toàn diện, nhất quán, cùng với thời điểm mở cửa trở lại phù hợp đã đưa kinh tế Việt Nam vào một vị thế thuận lợi để phục hồi mạnh mẽ.
Thêm vào đó, các đợt điều chỉnh giá xăng kịp thời và những chính sách thuế, phí phù hợp cũng góp phần kiểm soát lạm phát.
Nhưng theo ông, trong khi nhiều quốc gia trong khu vực đã vượt mục tiêu về lượng khách du lịch quốc tế, bức tranh của ngành du lịch Việt Nam kém sắc hơn hẳn.
Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam chưa thể tiếp cận nguồn vốn cần thiết để duy trì và mở rộng hoạt động. "Đối với hầu hết doanh nghiệp, việc vay vốn và nhận hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng vẫn còn khó khăn và chậm chạp", ông Sitkoff cho biết.
Năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ cao hơn hầu hết quốc gia trên thế giới. Ảnh: Hoàng Hà, Quốc Nam. |
"Các cơ quan quản lý nên vào cuộc nhanh chóng nhằm tăng năng suất, giảm chi phí, rắc rối và rủi ro đối với doanh nghiệp khi kinh doanh tại Việt Nam", ông khuyến nghị.
Ông Sitkoff khẳng định vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng và phát triển của kinh tế Việt Nam, bất chấp những khó khăn từ bên ngoài.
"Dù lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu đối mặt với nguy cơ cầu giảm và chi phí tăng, tôi tin rằng trong năm nay, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng tốt hơn dự báo", ông nhận định.
"Tôi vẫn nhận thấy những cơ hội to lớn cho các nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam", vị giám đốc điều hành chia sẻ. Theo ông, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã phơi bày mối lo ngại về việc phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất. Và Việt Nam có thể tận dụng cơ hội đó.
Ông cho rằng Việt Nam còn có thể tận dụng cơ hội tốt hơn nhờ các hiệp định thương mại.
Điểm sáng đầu tư
Theo khảo sát với hơn 1.300 doanh nghiệp thành viên do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố mới đây, dù triển vọng của kinh tế thế giới và trong nước ảm đạm hơn, Việt Nam vẫn là điểm sáng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài.
41% doanh nghiệp châu Âu được hỏi cho biết công ty của họ đang chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam, tăng từ 13% trong quý III/2022.
Ngoài ra, khoảng 35% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng Việt Nam thuộc top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu, với 12% cho rằng Việt Nam là điểm đầu tư quốc tế hàng đầu của công ty họ.
Tôi vẫn nhận thấy những cơ hội to lớn cho các nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam
Giám đốc điều hành AmCham Hà Nội Adam Sitkoff
“Mọi thứ chắc chắn kém tích cực hơn trong quý IV/2022 so với đầu năm. Tình hình rất có thể tiếp tục theo hướng này vào năm 2023, nhưng điều đó không nên được coi là nguyên nhân gây lo ngại", Chủ tịch EuroCham Alain Cany bình luận.
"Trên thực tế, cơ hội kinh tế của Việt Nam tiếp tục vượt xa các đối thủ cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Điều này thể hiện rõ qua việc rất nhiều thành viên của EuroCham coi Việt Nam là trung tâm trong chiến lược đầu tư toàn cầu của họ", ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo cuộc khảo sát, 3 rào cản pháp lý lớn nhất đối với các công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được xác định là thiếu rõ ràng về các quy tắc và quy định (51%), khó khăn hành chính (41%) và khó khăn liên quan tới thị thực và giấy phép lao động (30%).
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội (AmCham). Ảnh: AmCham. |
Bất chấp những khó khăn này, 58% số doanh nghiệp được hỏi vẫn hài lòng với sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách đối với nhu cầu kinh doanh khi thiết lập những chính sách liên quan.
Về đề xuất để cải thiện năng lực thu hút FDI, việc giảm bớt khó khăn thủ tục hành chính vẫn giữ vị trí đầu bảng.
Yếu tố này vẫn giữ nguyên vị trí khi câu hỏi này lần đầu tiên được đưa ra vào quý II/2022. Trong khi đó, vấn đề giảm khó khăn về thị thực cho các chuyên gia nước ngoài được đề xuất ngày càng nhiều, tăng 8% trong quý IV so với quý III/2022.
Còn theo ông Sitkoff, tại AmCham, một trong những yếu tố quan trọng nhất với các nhà đầu tư Mỹ là một môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, rõ ràng, có thể dự đoán và coi trọng sự đổi mới.
Ông khẳng định yếu tố này không chỉ giúp thu hút đầu tư, mà còn duy trì và phát triển các khoản đầu tư hiện có.
Giám đốc điều hành AmCham Hà Nội cam kết "sẽ làm việc để tháo gỡ những rào cản thương mại, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, xây dựng môi trường kinh doanh tiêu chuẩn cao, minh bạch và ổn định", nhằm đảm bảo rằng mọi nhà đầu tư đều được tiếp cận các cơ hội ở Việt Nam.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.