Tại buổi họp báo do Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau và các cơ quan chức năng tổ chức chiều 22/11, thượng tá Phan Bửu Kiếm, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Cà Mau, đã thông tin về vụ ngư phủ bị hành hạ trên tàu cá.
Theo thượng tá Kiếm, vị trí xảy ra vụ việc nằm ở ngoài khơi thuộc vùng biển tỉnh Cà Mau, nhưng không xác định được thuộc huyện nào. Vì vậy, đơn vị nào phát hiện vụ việc thì giao thụ lý để xử lý. Dó đó, Công an huyện Trần Văn Thời đang tạm giữ hình sự 3 nghi can là thuyền trưởng tàu cá BT 97993-TS là Nguyễn Công Toàn (33 tuổi, ngụ Bến Tre; tạm trú khóm 3, thị trấn Sông Đốc), Nguyễn Văn Tỵ (34 tuổi, ngụ xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) và Đoàn Văn Hùng (44 tuổi, ngụ thị trấn Sông Đốc).
Thượng tá Phan Bửu Kiếm thông tin rằng sau khi thỏa thuận với chủ ghe, 2 bị hại đi biển luôn không quay lại làm việc. Vì vậy, cơ quan chức năng đã yêu cầu bà Hà cho ghe vào bờ nhưng người này không chấp hành. Sau khi thụ lý điều tra, Công an huyện Trần Văn Thời đã phối hợp cùng Đồn Biên phòng Sông Đốc điều tàu cá vào bờ để phục vụ điều tra.
“Nạn nhân Trung cũng đánh bắt ở trên biển, đến sáng nay mới được đưa vào bờ, còn ông Bình chưa rõ đi đâu. Công an đang đưa ông Trung đi giám định thương tích tại Trung tâm Pháp y tỉnh Cà Mau. Cơ quan công an đang tiếp tục điều tra, nếu đủ căn cứ sẽ khởi tố bị can”, lãnh đạo Phòng Cảnh sát Hình sự tỉnh Cà Mau nói.
Thượng tá Phan Bửu Kiếm thông tin về vụ hành hạ trên tàu cá. Ảnh: Nhật Tân. |
Hồi tháng 5, ông Trương Văn Trung (47 tuổi) và anh Lê Văn Bình (30 tuổi, cùng ngụ Kiên Giang) trình báo với cơ quan chức năng tại thị trấn Sông Đốc về việc bị nhiều người hành hung trên tàu cá. Hai nạn nhân trình bày đầu tháng 1, tàu cá BT 97993-TS của bà Phạm Thị Hà đã xuất bến tại cửa biển Sông Đốc. Trên tàu có 7 thuyền viên do Nguyễn Công Toàn (còn gọi là To, con ruột bà Hà) làm thuyền trưởng.
Các thuyền viên là Nguyễn Văn Hùng (38 tuổi), Đoàn Văn Hùng, Trương Văn Trung, Phạm Chí Cường, Nguyễn Văn Của và Nguyễn Văn Tỵ (34 tuổi).
Vài ngày sau đó, một người không làm biển được, nên đi nhờ tàu cá khác vào bờ. Lúc này, bà Hà đưa anh Bình ra biển hoạt động cùng các thuyền viên khác.
Đến ngày 23/5, ông Trung bị Toàn, Tỵ và Đoàn Văn Hùng đánh gây thương tích. Cụ thể là dùng kìm bấm vào tai phải, bẻ gãy 4 cái răng, dập môi và gối chân phải. Ngày 24/5, ông Bình bị Toàn và Hùng đánh gây thương tích trên cơ thể tại vùng bả vai phải và gãy một cái răng.
Nạn nhân Trương Văn Trung. Ảnh: Gia đình cung cấp. |
Sau khi trở về đất liền vào cuối tháng 5, ông Trung kể với người dân địa phương về những ngày làm việc trên tàu cá BT 97993-TS, ông làm việc chậm hơn các đồng nghiệp vì sức khỏe yếu nên bị con trai chủ tàu là Nguyễn Công Toàn dùng roi đuôi cá đuối đánh vào người. Không chỉ vậy, Toàn còn lấy nước sôi đổ vào bắp chân ông Trung và bắt thuyền viên này ăn cá sống.
“Tôi hơi yếu, làm chậm tay. Những lúc làm không kịp anh em thì nó hành hung, đánh tôi, lấy roi cá đuối đánh dập thịt, bắt ăn 11 con cá mắt lộ sống. Cá vừa bắt lên, nó bắt tôi ngồi xé ăn. Tới giờ ăn cơm, nó ăn nhậu cho đã rồi kêu thằng bạn phải bẻ 1-2 cái răng, nói thằng nào không bẻ răng tôi thì bẻ răng thằng đó”, ông Trung kể.
Khoảng 2h ngày 22/11, ông Trương Văn Trung đã được tàu vận tải hàng hóa đưa vào cửa biển Sông Đốc. Nạn nhân này đã được cán bộ điều tra đưa đến Công an thị trấn Sông Đốc để ghi lời khai phục vụ công tác điều tra.
2 cuốn sách giúp hiểu rõ hơn về luật hình sự
1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đề cập các điều luật về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
2. 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự giúp tìm ra những điểm mấu chốt mang tính bản chất để phân biệt tội danh này với tội danh khác.