Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Giải trí đến chết' - thời của trình diễn

Là cuốn sách cần thiết để con người nhìn nhận lại mình, "Giải trí đến chết" chỉ ra rằng truyền thông, đặc biệt là chiếc tivi đã điều khiển và định hình cuộc sống của nhân loại.

Neil Postman (1931 - 2003), người Mỹ, là bậc thầy về nghiên cứu văn hóa truyền thông, một giáo sư đã dành cả đời để theo sát truyền thông và cách mà nó ấn định quyền lực mềm lên đời sống của mỗi người. Ở cuốn Giải trí đến chết, ông chủ yếu khảo sát truyền thông trong cuộc sống của người Mỹ từ nhiều năm trước, nhưng tầm khái quát mở rộng ra toàn cầu và vẫn rất đúng trong bối cảnh hiện nay.

Trước hết, Neil Postman là một người kể chuyện sinh động. Ông dẫn ra những câu chuyện thực tế, có khi chỉ là một chi tiết nhỏ, rồi từ đó thể hiện tài năng phân tích và lý luận sắc sảo của mình. Ta cùng đọc một đoạn văn, trong đó Neil Postman đào sâu vào bản chất của một thao tác trên hệ thống phát thanh truyền hình:

Giai tri den chet anh 1

iải trí đến chết, tác giả: Neil Postman, người dịch: Nhung Nguyễn, 1980 Books và NXB Thanh Niên 2022.

“Tiếp theo đây, là tin về…” thường được sử dụng trên các bản tin truyền hình và phát thanh để chỉ ra rằng những điều mà khán / thính giả vừa xem hoặc nghe không liên quan gì đến những điều mà họ sắp xem hoặc nghe. Cụm từ này là một phương thức để thừa nhận thực tế rằng, thế giới được định hình bởi các phương tiện truyền thông điện tử tốc độ cao, không có trật tự, vô ý nghĩa và không hề nghiêm túc. Không có vụ giết người nào quá tàn bạo, không có trận động đất nào quá kinh hoàng, không có sai lầm chính trị nào quá tốn kém, không có kết quả thể thao nào quá thất vọng, không có bản tin thời tiết nào quá nguy hiểm… đến mức phát thanh viên không thể xua nó ra khỏi đầu bạn bằng cách nói “Tiếp theo đây, là tin về…”.

Ý của anh ta là bạn đã suy nghĩ đủ lâu về vấn đề trước đó (khoảng 45 giây), và bạn không nên chìm quá sâu vào nó (khoảng 90 giây chẳng hạn), mà bây giờ, bạn phải dành sự chú ý cho một mẩu tin rời rạc khác hoặc một đoạn quảng cáo khác” (trang 222-223).

Neil Postman không bác bỏ văn hóa đại chúng, chỉ đơn giản là ông vạch ra rằng trong khi cả nhân loại dán mắt vào chiếc tivi, để cho nó định hình mọi ham muốn và sở thích của họ, tin rằng nó đem lại cho họ những gì họ muốn, thì hóa ra nó không thể mang đến những gì họ cần. Những mẩu tin có độ dài khoảng 45 giây, “mặc dù sự ngắn gọn không phải lúc nào cũng gắn với sự tầm thường, nhưng trong trường hợp này thì nó đúng là như vậy. Đơn giản là ta không thể truyền đạt cảm giác nghiêm túc về bất kỳ sự kiện nào nếu ta chỉ nói về nó trong thời gian chưa đầy một phút” (trang 230).

Ngay cả những chương trình có thời lượng kéo dài, thì sự truyền bá văn hóa cũng chỉ là ảo tưởng. Tác giả chế giễu “hy vọng được ấp ủ trong lòng một số người rằng tivi có thể được sử dụng để củng cố truyền thống học tập”. Nhưng ông sáng suốt chỉ ra rằng “tivi không mở rộng hay củng cố văn hóa dựa trên chữ viết. Mà nó tấn công văn hóa ấy” (trang 191).

Là một chuyên luận nghiêm túc, thể hiện sự ưu tư của một trí thức lớn trước sự xâm nhập và thao túng của truyền thông, cuốn sách đưa ra một số liệu thống kê: “Một người Mỹ khi đến độ tuổi 40 sẽ xem hơn 1 triệu quảng cáo truyền hình” (trang 272). Hàng năm Mỹ xuất khẩu cả triệu giờ truyền hình, nhưng “điều đó không có nghĩa ở nước ngoài người ta thích Mỹ, chỉ đơn giản là người ta thích truyền hình Mỹ” (và như người viết bài này nhận thấy ở nhiều nước, hiện tại có thêm truyền hình Hàn Quốc, rất thành công trong việc xuất khẩu chương trình sang các lục địa).

Vậy thì một khi đã thâu tóm được tâm trí của con người, chiếc tivi để lại dấu ấn gì trong đời sống nhân loại?

Điều rõ ràng nhất mà Neil Postman vạch ra là yếu tố trình diễn. Trước hết là về phía phát thanh viên: một phát thanh viên hình thức bóng bẩy, nói năng lưu loát, láu lỉnh một chút trong xử lý tình huống. Nếu không đạt những tiêu chuẩn ấy, trong mắt người xem, người MC đó đã bị loại bỏ.

“Độ chân thực của một bản tin lại phụ thuộc rất nhiều vào khả năng được chấp nhận của phát thanh viên. Trong thế giới cổ đại, một số nơi có tục lệ xua đuổi, thậm chí giết chết những người mang đến tin xấu. Liệu bản tin truyền hình có khôi phục tục lệ này không, chỉ là dưới một hình thức khác?” (trang 226-227).

Yếu tố trình diễn để đạt tới mục đích giải trí mà truyền hình tạo nên cho mọi lĩnh vực đã dẫn đến một thực tế, khi xuất hiện trên truyền hình, “các linh mục, các vị tổng thống, bác sĩ phẫu thuật, luật sư, các nhà giáo dục và những phát thanh viên của chúng ta không cần quá lo lắng về việc tuân thủ các nguyên tắc chuyên môn, mà quan tâm hơn đến việc làm thế nào để trình diễn hiệu quả trước mắt công chúng” (trang 220).

Từ truyền hình lan ra đến ngoài đời, người ta đều đang diễn mà không phải ai cũng chịu thừa nhận. Đó là hệ quả của tính giải trí do truyền hình đem đến. “Cách truyền hình truyền tải thế giới đã tạo nên một khuôn mẫu để từ đó, thế giới cũng vận hành sao cho phù hợp với khuôn mẫu của truyền hình…

Giờ đây truyền hình nắm quyền chỉ huy. Trong phòng xử án, lớp học, phòng điều hành, phòng hội đồng, nhà thờ, thậm chí cả trên máy bay, người Mỹ không còn nói chuyện với nhau nữa, mà họ giải trí với nhau. Họ không tranh luận bằng cách đưa ra các mệnh đề, mà tranh luận dựa trên ngoại hình đẹp đẽ, độ nổi tiếng và những nội dung quảng cáo” (trang 209).

Yếu tố giải trí trở thành tiên quyết, là số một, dẫn đến hiện tượng mọi người, hữu ý hoặc vô tình, đều trình diễn. Tính cách này thể hiện rất rõ trong việc phổ cập văn hóa, ở Mỹ là cả trong tiếp xúc cử tri và bầu cử, trong việc giảng đạo trên truyền hình, ngày nay lan ra mạng xã hội, thậm chí đậm nét cả trong giáo dục - một ngành đòi hỏi sự tiếp cận kiến thức theo từng bước chứ không thể nhảy cóc ngẫu nhiên.

Hiệu quả của một bài giới thiệu ngắn như thế này cũng không khác gì một mẩu tin trên truyền hình mà ta đang nói đến. Nên tự mình đọc Giải trí đến chết để tiếp cận một chuyên luận hoàn chỉnh và đầy sức thuyết phục. Theo thời gian, cuốn sách trở nên rất cập thời khi mà chiếc tivi ngày càng thao túng tâm trí và ấn định lối sống.

Để kết thúc, Neil Postman đưa ra ý kiến của Aldous Huxley, nhà văn và triết gia người Anh: có một cách để “làm khô héo tinh thần của một nền văn hóa, đấy là nền văn hóa trở thành một trò đùa”.

Liệu văn hóa của thời đại chúng ta có phải là trò đùa? Câu hỏi này đang khiến rất nhiều người tỉnh táo phải ưu tư.

Người Mỹ chìm trong thời đại giải trí

Trong thời đại giải trí, người Mỹ trở thành những người được giải trí nhiều nhất và rất có thể là những người nắm bắt được ít thông tin nhất trong thế giới phương Tây.

Spoiler có phá hoại giải trí không

Trong thời đại quá tải thông tin, ngày càng khó để giữ được sự bất ngờ trong giải trí. Spoiler trở thành thú vui với người viết giới thiệu, nhưng phá nát cảm xúc người đọc.

https://daibieunhandan.vn/van-hoa/doc-sach-giai-tri-den-chet-thoi-cua-trinh-dien-i322410/

Hồ Anh Thái / Đại biểu nhân dân

Bạn có thể quan tâm