Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Spoiler có phá hoại giải trí không

Trong thời đại quá tải thông tin, ngày càng khó để giữ được sự bất ngờ trong giải trí. Spoiler trở thành thú vui với người viết giới thiệu, nhưng phá nát cảm xúc người đọc.

spoiler anh 1

Nhà phát hành Endgame còn làm hẳn một chiến dịch truyền thông xã hội rầm rộ, với hashtag #DontSpoilTheEndGame. Ảnh: MovieWeb.

Văn hóa spoiler và chứng sợ spoiler dường như là một sáng tạo độc đáo của thời đại Internet: sự kết hợp giữa khán giả, độc giả đại chúng, thông tin phổ biến nhanh chóng, các bình luận viên nghiệp dư trên mạng xã hội và hình thức giải trí phổ biến được phát hành dưới dạng dài kỳ. Nhưng trên thực tế, đây là vấn đề bắt nguồn từ các phương tiện truyền thông, từ thế kỷ trước người ta cũng đã đề cập đến việc có nên tiết lộ nội dung câu chuyện khi bình luận hay không?

Tiết lộ cốt truyện đồng nghĩa với phá hủy câu chuyện

Tiểu thuyết gia Wilkie Collins là bạn thân của Charles Dickens. Không ai biết đến các tác phẩm của Collins cho đến khi cuốn tiểu thuyết thứ năm của ông là Người đàn bà mặc áo trắng (The woman in white) bắt đầu được đăng nhiều kỳ từ tháng 11 năm 1859 trên tạp chí All the Year Round của Charles Dickens (Anh) và Harper's Weekly (Mỹ). Cuốn tiểu thuyết - một hỗn hợp đầy phấn khích của âm mưu, sự điên rồ và tội ác - không chỉ “giật gân” về nội dung, mà còn ở sự đón nhận của công chúng.

Vì tiểu thuyết đăng dài kỳ nên mọi người thường xếp hàng bên ngoài văn phòng của tòa báo để được đọc phần tiếp theo một cách sớm nhất và đặt cược vào “bí mật” của nhân vật phản diện trong truyện, các sản phẩm ăn theo “thương hiệu” như nước hoa cũng được công khai bày bán. William Gladstone là người có bốn nhiệm kỳ làm thủ tướng vương quốc Anh, được lịch sử công nhận là nhà lãnh đạo vĩ đại nhất nước Anh. Người ta nói rằng, William Gladstone có lần đã hủy một chuyến thăm nhà hát chỉ để kịp đọc những tình tiết phát triển mới nhất của tiểu thuyết Người đàn bà mặc áo trắng.

Sau mười tháng đăng dài kỳ trên báo, Người đàn bà mặc áo trắng được xuất bản thành sách vào năm 1860. Tác giả Wilkie Collins đã ngay lập tức lên tiếng cảnh báo các nhà phê bình không được tiết lộ cốt truyện, ông nói: nếu anh tiết lộ cốt truyện, bằng bất cứ cách nào, thì anh đang phá hủy cuốn sách. Bởi khi anh tiết lộ trước cốt truyện tức là anh đã phá hủy hai yếu tố chính tạo nên sức hấp dẫn của tất cả câu chuyện - hứng thú tò mò và hứng thú ngạc nhiên.

Ngày nay, khi chúng ta đã quen với việc các hãng phim và các tiểu thuyết gia cố gắng để ngăn cản khán giả và giới truyền thông tiết lộ chi tiết về tác phẩm của họ, thật khó để đánh giá yêu cầu của Collins gây tò mò như thế nào - làm sao có thể thảo luận một cuốn tiểu thuyết mà không đề cập đến nội dung cốt truyện và nhân vật của nó?

Đáng ngạc nhiên là hầu hết nhà phê bình thời đó đều chấp nhận yêu cầu ấy. Các tạp chí đã cố gắng giới thiệu cuốn tiểu thuyết nhưng không tiết lộ bất cứ điều gì, nhưng hoàn toàn thừa nhận rằng “đưa ra những gợi ý về cốt truyện… sẽ làm giảm hứng thú của nó đối với độc giả mới… chưa quen”. Mặc dù có tờ báo không thích cuốn tiểu thuyết, nhà phê bình của tòa báo vẫn cho rằng việc tiết lộ chi tiết là “không công bằng cho câu chuyện”. Vì vậy, nhà phê bình đã đi đến một thỏa hiệp: không có sự phản đối với yêu cầu của tác giả, cũng sẽ không gợi ý tình tiết, không ám chỉ tiết lộ bất kỳ chi tiết nào của tiểu thuyết Người phụ nữ áo trắng.

Các tác giả khác đã ngay lập tức học theo các quy ước Collins đặt ra. Mary Elizabeth Braddon đã thành công rực rỡ với cuốn tiểu thuyết Lady Audley's Secret năm 1862, xoay quanh sự nhầm lẫn và tội ác trong quá khứ. Một phần của Lady Audley's Secret được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Robin Goodfellow từ tháng 7 đến tháng 9 năm 1861, sau đó được đăng toàn bộ trên Tạp chí Sixpenny từ tháng 1 đến tháng 12 năm 1862, được xuất bản thành sách năm 1862, nhưng nó vẫn được đăng báo một lần nữa trên Tạp chí London từ tháng 3 đến tháng 8 năm 1863.

Đến cuốn tiểu thuyết tiếp theo, Henry Dunbar, cô lo sợ câu chuyện của mình có thể bị phá hỏng nếu các nhà phê bình tiết lộ “bí mật” xảy ra ở những trang cuối cùng - nên cô đã yêu cầu các nhà phê bình không mô tả cốt truyện.

Nhưng lần này, các nhà phê bình lại đưa ra một phản ứng trái chiều. Nhiều người đặt câu hỏi liệu việc tiết lộ chi tiết theo cách này có thực sự gây ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm đọc hay không, và liệu việc tiết lộ cái kết có làm hỏng một cuốn tiểu thuyết có giá trị, đáng đọc hay không? Và làm thế nào để chỉ trích hay khen ngợi một cuốn sách khi không được nhắc gì đến cốt truyện và tình tiết.

Có ý kiến phê bình cho rằng niềm vui khi đọc những cuốn tiểu thuyết không phụ thuộc vào sự không biết trước kết thúc, mà độc giả đọc để xem âm mưu của chúng diễn ra như thế nào.

spoiler anh 2

Một cảnh trong vở kịch The Mousetrap - tác phẩm có cái kết được giữ kín trong suốt 58 năm. Ảnh: visitlondon.

Khi spoiler đồng nghĩa với phá hoại cảm xúc

Vào cuối mỗi buổi biểu diễn vở kịch The Mousetrap của nữ hoàng trinh thám Agatha Christie, người được đóng vai kẻ sát nhân bước tới và nói với khán giả rằng hãy “giữ bí mật về kẻ đã làm điều đó trong trái tim bạn”.

Sau 58 năm trình diễn liên tục trên sân khấu West End ở London, phần kết của vở kịch vẫn luôn được các nhà phê bình, báo chí, người viết sách hướng dẫn du lịch và khoảng 10 triệu khán giả đã xem vở kịch giữ kín. Thế nhưng sau gần sáu thập kỷ được giữ bí mật trên truyền thông, Wikipedia đã công khai tất cả, tóm tắt ngắn gọn vở kịch, tiết lộ ai là kẻ giết người trong vở kịch.

Điều đó đã gây sốc cho cháu trai của Christie, Matthew Prichard, người được hưởng toàn bộ tác quyền của vở kịch này, ông nói với báo chí: "thật buồn và thất vọng". Christie từng nói với The Independent rằng: “Từ quan điểm của công chúng đến rạp, tôi nghĩ việc tiết lộ cái kết sẽ làm mất sự thích thú của người xem đang chờ đợi vào một buổi tối giải trí tại nhà hát”.

Bộ phim tài liệu Catfish có một cái kết rất bất ngờ, bị Wikipedia tiết lộ trước khi nó được công chiếu tại các rạp chiếu phim - bài tóm tắt cốt truyện và phần kết được đưa lên mạng dựa trên một buổi chiếu tại Liên hoan phim Sundance 2010. Nhà sản xuất của bộ phim Catfish, than phiền rằng Wikipedia nên có cảnh báo spoiler. Jay Walsh, người phát ngôn của Wikimedia Foundation, nói rằng Wikipedia được thiết kế để trở thành một nguồn tri thức toàn diện, vì vậy nó sẽ có spoiler.

Việc tiết lộ cái kết, hoặc tình tiết câu chuyện ngày nay được gọi là Spoiler. Một trong những lần đầu tiên thuật ngữ Spoiler được sử dụnglà trong số tháng 4 năm 1971 của National Lampoon, trong đó một bài báo của Doug Kenney có tựa đề “Spoiler”. Kenney viết: “Spoiler! Nghĩa là gì? Chỉ đơn giản là mẹo kết thúc cho mọi cuốn tiểu thuyết và bộ phim ly kỳ mà bạn có thể xem. Tiết kiệm thời gian và tiền bạc!”.

Thuật ngữ spoiler trở nên phổ biến trong những ngày đầu của Internet, Spoiler cũng phổ biến trong các bài báo và các cuộc thảo luận trên mạng xã hội. Và luôn là chủ đề nổi bật trong các cuộc tranh luận về sách vở và phim ảnh. Hiểu một cách đơn giản, spoiler chính là chia sẻ, tiết lộ tình tiết, cái kết của một bộ phim hoặc một vở kịch, hoặc một cuốn sách… dù là vô tình hay cố ý.

Thông thường, cư dân mạng đều đi đến thống nhất là tránh spoiler, nhưng nếu việc đăng spoiler là cần thiết, không thể không đăng, thì nó phải được đặt trước bằng một cảnh báo như "SPOILER ALERT", hoặc bản thân những dòng spoiler phải được che đi để nó không thể hiển thị cho bất kỳ ai ngoại trừ những người quan tâm đến chi tiết và không bị mất hứng khi biết trước cái kết, hoặc có khả năng tiết lộ âm mưu. Spoiler giờ đây đã đồng nghĩa với phá hoại cảm xúc và phá hoại giải trí.

spoiler anh 3

Spoiler đồng nghĩa với phá hoại cảm xúc người thưởng thức. Ảnh: iStock.

Hứng thú phụ thuộc vào việc không biết trước nội dung

Trong thời đại quá tải thông tin, ngày càng khó để giữ được sự bí ẩn và bất ngờ trong giải trí. Spoiler dường như trở thành một thứ quyền lực, một thú vui với người viết giới thiệu và người dùng mạng xã hội.

Wikipedia cố gắng trở thành một trang bách khoa toàn thư đúng nghĩa, tiết lộ nhiều nội dung các bộ phim và các cuốn tiểu thuyết nổi tiếng. Các trang web thảo luận về phần cuối của các bộ phim và vở kịch, các bài báo tóm tắt cốt truyện, các trang web đánh giá sách tiết lộ nội dung cuốn tiểu thuyết. Twitter và Facebook đã giúp thời của các spoiler trở nên huy hoàng.

Trong “thế giới thực”, báo chí từng có lần đưa tin một người đàn ông vừa mới ra khỏi rạp chiếu phim sau khi xem xong bộ phim Endgame kéo dài 3 tiếng, bắt đầu ầm ĩ tiết lộ tình tiết cái kết của bộ phim ở bên lối vào. Làm những người đang chờ đợi để vào xem phim tức điên và một số người thì không kiềm chế được, đã lao vào đánh người với mục đích là “để dạy cho anh ta một bài học”.

Marvel khi phát hành Endgame còn làm hẳn một chiến dịch truyền thông xã hội rầm rộ, với hashtag #DontSpoilTheEndGame, anh em nhà Russos, đạo diễn bộ phim còn phải gửi một thông điệp đến người hâm mộ yêu cầu họ không tiết lộ bất cứ điều gì về bộ phim. Bức thông điệp kết thúc bằng một dòng dí dỏm rằng:“Hãy nhớ rằng, Thanos yêu cầu bạn im lặng”.

Người xem và người đọc đang phải ra sức cố gắng phải tập hợp cùng nhau để tìm cách giảm thiểu spoiler, các nhà phát triển phần mềm thì rủ nhau tạo các chương trình để chặn các chương trình, các từ khóa và cả đường dẫn có spoiler.

Giờ đây công chúng chỉ chào đón một bài bình luận đánh giá “không có spoiler”, các nhà phê bình cũng quan tâm hơn đến cảm xúc của độc giả, luôn tránh làm hỏng hứng thú của độc giả, bởi niềm vui khi xem một bộ phim hoặc đọc một cuốn tiểu thuyết có thể phụ thuộc vào việc không biết trước nội dung và tình tiết câu chuyện.

Thư từ tiết lộ bí mật cuộc đời một gián điệp

Sách "A Private Spy: The Letters of John le Carré 1945-2020" tiết lộ những bí mật về cuộc sống, quan điểm của người tình báo, nhà văn John Le Carré thông qua thư từ của ông.

Neil Gaiman tiết lộ công thức thành công của 'The Sandman'

Nổi tiếng với các tiểu thuyết "Coraline", "Câu chuyện nghĩa địa", Neil Gaiman còn thành công trong truyện tranh khi kết hợp yếu tố siêu anh hùng và thần thoại.

Hà Chi

Bạn có thể quan tâm