John Le Carre. Ảnh: Newyorker. |
David John Moore Cornwell hay còn được biết đến với bút danh John Le Carré là một nhà văn trinh thám nổi tiếng của nước Anh.
Sau khi nhận được cuốn sách John Le Carré: The Biography (Adam Sisman, 2015), ông cảm thấy có nhiều vấn đề cần phải sửa đổi trong những câu chuyện xuất hiện qua lời văn của Sisman. Ngay sau đó một năm, Le Carré cho ra mắt hồi ký The Pigeon Tunnel (Đường hầm bồ câu) để thể hiện một tầng sâu mới về cuộc đời mình mà cuốn sách trước đó chưa thể chạm tới. Tuy nhiên, trong bản thảo này, người con của ông, Tim Cornwell (mất vào tháng 6) đã thêm vào các chỉnh sửa dựa trên cảm tính cá nhân.
A Private Spy, The Letters of John le Carré 1945 - 2020 (Một đời tình báo: Những lá thư của John Le Carré) biên tập bởi con trai ông, Tim Cornwell, xuất bản năm nay, cho bạn đọc hiểu hơn về cuộc đời, quan điểm của nhà văn.
Viết văn để vơi đi những trăn trở
John Le Carré lớn lên giữa những lời dối trá của người cha Ronnie Cornwell. Sau đó, ông tham gia vào bộ phận tình báo của Tổng cục An ninh (MI5) và Tổng cục tình báo (MI6) của Anh để nhận nhiệm vụ thu thập các thông tin.
Trong vai một người phản gián, Le Carré phần nào ý thức được rằng ông “thừa hưởng” những đặc điểm của người cha - một kẻ gian lận trong lĩnh vực bảo hiểm và tài chính. Le Carré lo rằng mình sẽ trở thành một người như Ronnie, cả đời sống với bộ mặt dối trá. Vì vậy, ông quyết định trở thành một nhà văn viết tiểu thuyết trinh thám với nhân vật chính là những gián điệp. Đối với John đó là một cách làm vơi đi những trăn trở bởi những lời nói dối của mình.
Đối với ngòi bút Le Carre, tuổi thơ là nguồn tài nguyên vô tận, điều này được thể hiện rất rõ từ những lá thư xuyên suốt trong cuốn sách. Nỗi hổ thẹn về người cha với những lỗi lầm “vô phương cứu chữa” cùng sự thiếu vắng hình ảnh người mẹ khi mới lên năm khiến cho Le Carré luôn cảm thấy cô độc. Trong một lá thư, chính Le Carré cũng viết rằng: “Tôi cảm thấy thật khó để tha thứ cho người phụ nữ đã bỏ rơi tôi”.
Sau một năm dạy học tại trường dự bị Millfield, ông trở về Oxford nhận bằng tốt nghiệp về ngôn ngữ hiện đại. Cùng năm 1956, ông bắt đầu dạy tiếng Pháp và tiếng Đức tại trường Eton. Le Carré tự nhận rằng mình có một cuộc hôn nhân “ngớ ngẩn” với cô gái tên Ann trước khi lấy Jane. Thời gian sau này, Le Carre làm người minh họa, tranh biếm họa của ông được biết đến khá nhiều và chính nó đã làm giàu cho đời sống văn chương của Le Carre.
Hai thái cực trong con người Le Carre
Các nhà sản xuất phim và truyền hình bắt đầu chuyển thể tác phẩm của ông. Thoáng chốc, tên tuổi của Le Carré được biết đến và có độ nhận diện cao trong giới. Những lá thư của Le Carré trong giai đoạn này hàm chứa nhiều sự ngưỡng mộ cho các diễn viên đương thời như Ralph Fiennes, Stephen Fry.
Bìa cuốn A Private Spy, The Letters of John le Carré 1945 - 2020. Ảnh: Amazon. |
Đối với Kim Philby (một nhà sản xuất truyền hình), lá thư của Le Carré lại có vẻ khinh khỉnh, châm chọc hơn. Còn với các cây bút đương thời, những người muốn xin lời khuyên của ông về việc viết lách, chẳng hạn như với Philip Roth, ông giễu nhại rằng: “Tôi chẳng có tác dụng như nhân vật Joyce trong trường ca Odyssey, tôi phá hỏng mọi thứ mỗi khi Franz Kafka nhờ đến sự giúp đỡ từ tôi, tất cả những gì tôi có thể khuyên Nabokov (tác giả Lolita) là: Ông không thể đợi cho cô bé ấy lớn lên vài năm nữa à?”.
Về chuyện tình cảm của bản thân, Le Carré thừa nhận đây thực sự là một mớ hỗn độn và một phần trong cuốn tự truyện được chấp bút bởi Adam Sisman đã tiết lộ khía cạnh này. Đa phần các lá thư không có cái tên cụ thể nhưng trong số ít đó có thể thấy những bóng hồng đã xuất hiện như Susan Anderson (một nhân viên bảo tàng), Yvette Pierpaoli (Một nhân viên cứu thương). Đặc biệt là mối tình với Susan Kennaway, người mà ông cho rằng bản thân mình không khác gì “một chấm đen đã quen với bóng tối đến mức không còn nhận biết được ánh sáng”.
Là người gắn bó với văn chương, chính trị và nghệ thuật sân khấu nhưng Le Carré không mấy nhận lời tham gia các chương trình. Ông đã khước từ lời mời của đài CBE được gửi đi bởi Margaret Thatcher, người nhận thấy rằng Le Carré ẩn chứa những thú vị bất ngờ.
Sự bất mãn của Le Carré còn hướng đến lứa điệp viên sau đó, ông cho rằng: “Những năm tháng chiến tranh, chúng tôi được dạy rằng hãy lên tiếng một cách mạnh mẽ, khao khát tìm ra sự thật. Thế nhưng giới tình báo bây giờ là những gã ham hố, chỉ có số ít trong đó còn giữ lại chút máu phiêu lưu còn lại là những kẻ mơ hồ nương theo chủ nghĩa đế quốc và những đồng tiền bẩn cùng sự thao túng bởi chủ nghĩa dân túy”.
Càng về dốc bên kia cuộc đời, nỗi lo lắng, bất an về bản thân mình lại tăng lên trong cảm nhận thông qua các lá thư của Le Carre. Ông thấy bản thân mình cùng một lúc có hai thái cực, khi thì giận dữ cáu kỉnh khi thì ấm áp, chan hòa. Nhà văn Ian McEwan từng nhận định rằng: “Tôi cảm nhận sự phân chia thái cực này rất rõ từ phía Le Carré thế nhưng chính điều đó đã khiến hai tác phẩm của Le Carré trở nên độc đáo hơn và còn đáng coi hơn cả tiểu thuyết của Dickens”.