Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giải quyết tranh chấp đất đai: Phải kéo người dân về phía Nhà nước

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng đất đai cũng như hôn nhân là hai thứ thiêng liêng của con người. Giải quyết tranh chấp đất đai không nên đẩy người dân về phía đối lập.

Chia sẻ câu chuyện về số phận của người nông dân và đất đai, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nói: "Người Việt có câu 'Nhất hậu hôn, nhì điền thổ', để thấy rằng có hai vấn đề quan trọng với cuộc đời người nông dân là hôn nhân và đất đai. Một bên là quyền lợi thiêng liêng, một bên tình cảm thiêng liêng”.

Đất đai là thiêng liêng

- Từ kinh nghiệm của ông, nên giải quyết những mâu thuẫn phát sinh xung quanh mối quan hệ của người nông dân và đất đai như thế nào?

- Tôi đã giải quyết nhiều cuộc tranh chấp đất đai của người dân với nhà nước, với chính quyền hoặc người dân với nhau. Khi đó, có lúc tôi cũng nghĩ người dân thế này thế kia, thậm chí có người quá đáng. Thật ra, sự quá đáng đó xuất phát từ bức xúc của họ chứ không phải họ hoàn toàn sai.

Do đó, không nên đẩy người dân về phía đối lập mà phải kéo họ về phía mình. Nếu có chỗ nào ở phía mình chưa ổn thì phải tìm hiểu để làm hoà với người dân. Còn nếu người dân chưa phải thì mình phải thuyết phục, để họ phải với mình.

Vì vậy, suốt thời gian đó dĩ nhiên là có khó khăn này kia nhưng cuối cùng giải quyết êm hết.

Vì sao Đồng Tâm trở thành điểm nóng? Vụ việc giữ hàng chục người ở xã Đồng Tâm bắt nguồn từ khiếu kiện liên quan khu đất giao cho Bộ Quốc phòng từ năm 1980. Người dân mong sớm được đối thoại với lãnh đạo Hà Nội.

- Trong lúc người dân đang bức xúc vì đất canh tác bao năm bị thu hồi, cách nói chuyện với người dân như thế nào để họ bình tĩnh ngồi xuống giải quyết?

- Muốn họ “hạ hoả” thì việc đầu tiên là nếu mình sai phải nhận với người ta, chứ mình cái gì cũng đúng thì đâu có được. Cái nào họ sai mình chỉ cho họ thấy.

Ví dụ đất Nhà nước đang quy hoạch để xây dựng khu dân cư nhưng người dân vào cắm đất ở, mà thật ra họ ở mấy năm rồi, chính quyền địa phương không hay biết mà cũng không có ý kiến gì. Tới lúc tiến hành giải toả thì người dân nói họ đã ở đó rồi.

Khi mình đề nghị người dân di dời thì không nên cứ vin vào cớ họ không có giấy tờ đất mà không đền bù, như vậy không thoả đáng. Người dân là đồng bào của mình, mình bồi thường người dân của mình thì Nhà nước cũng không thiệt đâu, cũng là của dân cả. Quan điểm là không nên để xảy ra mâu thuẫn với người dân.

Phải đặt mình vào vị trí người dân

- Ông có bao giờ trực tiếp đến gặp người dân để giải quyết tranh chấp của họ?

Đến chứ. Có lần tôi tới gặp hai cô khoảng 20 tuổi, tôi hỏi học tới đâu rồi, cô ta nói không biết chữ. Tôi nói: "Hèn chi cô cãi ngang không à!".

Thật ra họ không có đất, địa phương cho ở trên diện tích hơn 100 m2 nhưng họ muốn mở ra cả nghìn m2. Mấy cô đó nói có tranh chấp gì đâu. Tôi nói có tranh chấp chứ, tôi là người đại diện của Nhà nước ở đây, cô ở lấn đất, tức là tranh chấp với tôi.

Thật ra nếu lấy hết đất thì họ đi đâu, nên vẫn bồi thường đàng hoàng cho hơn 100 m2 để họ chuyển tới chỗ tái định cư. Tôi hỏi các cô vô gặp chủ tịch có buồn không, các cô nói không, cười rồi đi, thấy thương lắm. Giải quyết chuyện gì cũng vậy, phải đặt mình vào vị trí người dân.

Luật sư Lê Đức Tiết nói về vụ việc ở xã Đồng Tâm "Chính quyền thay vì huy động lực lượng công an xuống gặp dân nên cử hàng trăm cán bộ mặt trận, xuống từng nhà, gặp từng người dân để hiểu họ, giải thích cho dân thấu hiểu", luật sư Lê Đức Tiết chia sẻ với Zing.vn.

Phải đặt mình vào hoàn cảnh của họ, phải thấu hiểu họ mới được. Có khi họ làm chuyện càn quấy mà mình vẫn thấy thương vì họ bức xúc quá, nhiều chuyện họ không hiểu hết được.

- Khi về hưu, ông là một người dân nhưng ông cũng từng là lãnh đạo tỉnh. Theo ông, Nhà nước nên có chính sách như thế nào để giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước – nông dân – đất đai?

Mấu chốt của vấn để sở hữu đất đai, tôi đã nói rồi, nhiều người cũng nói rồi. Cái gốc của vấn đề là ở quyền sở hữu đất đai. Hơn nữa, luật quy định 4 cấp chính quyền đều có quyền thu hồi đất, trong đó có 3 cấp có quyền thu hồi đất bất cứ lúc nào là: Trung ương, tỉnh và huyện.

Đất linh thiêng lắm. Đất không yên thì làm sao mặt đất này yên bình được. Nó cũng như cơ chế của một trận động đất vậy.

Tranh chap dat dai o Dong Tam anh 1
Ông Nguyễn Minh Nhị. Ảnh: VOV.

Ông Nguyễn Minh Nhị (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang) là người đề xuất và chỉ đạo nhiều chương trình phát triển nông nghiệp như khai phá tứ giác Long Xuyên, khai thác lợi thế mùa nước nổi hay chương trình tam nông xác lập mối quan hệ giữa nông nghiệp – nông dân – nông thôn. Ông Bảy Nhị được nhiều người gọi bằng cái tên thân thiết: Người của nông dân.

Người dân Đồng Tâm chờ cuộc đối thoại với lãnh đạo Hà Nội Trao đổi với Zing.vn ngày 19/4, nhiều người dân xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) vẫn chờ cuộc đối thoại với lãnh đạo thành phố Hà Nội.

Hà Hương thực hiện

Bạn có thể quan tâm