Thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức nằm ở phía tây Hà Nội, cách trung tâm thủ đô hơn 50 km. Chiều 19/4, những đống sỏi, bao cát, bàn ghế nằm ngổn ngang trên một số con ngõ trong thôn.
Dân vẫn đang giữ 20 cán bộ, chiến sĩ
Một số lán trại dựng lên trong thôn, có thanh niên ứng trực. Khi thấy người lạ xuất hiện gần làng, những thanh niên này lập tức kiểm tra giấy tờ, không cho vào thôn nếu nghi vấn.
Chiều 19/4, người dân xã Đồng Tâm vẫn đang giữ 20 cán bộ huyện Mỹ Đức và chiến sĩ công an tại nhà văn hóa thôn Hoành. Đây là ngày thứ năm những người này bị giữ lại ở đây.
Thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Trung tâm thôn là nhà văn hóa xã, nơi giữ 20 cán bộ, chiến sĩ. Ảnh: Google Maps - Thiên Sơn. |
Chia sẻ với phóng viên, một số phụ nữ ở thôn Hoành bảo nhiều ngày nay, người già, phụ nữ, thanh niên được điều ra ở các ngõ ra vào để ngăn cản người lạ tiếp cận. Số ít được các bô lão trong thôn cho phép vào gặp, nói chuyện, đều phải có người từ trong ra đón. Khi xong việc, khách lại được đưa ra để đảm bảo an toàn.
Người dân Đồng Tâm cho hay nhiều ngày qua, người lớn ở thôn Hoành nghỉ làm, trẻ mẫu giáo nghỉ học. Hoạt động sản xuất ngưng trệ.
Đá, cây trên đường vào thôn. Ảnh: Bá Chiêm. |
Tại đồng Sênh - khu đất tranh chấp cách thôn Hoành khoảng 2 km - người dân xã Đồng Tâm đã dựng lều bạt để canh giữ mảnh đất mà họ khẳng định là đất nông nghiệp. Băng rôn, khẩu hiệu được dựng lên khá dày.
Nếu vài ngày trước, khu nhà cộng đồng nằm ở đồng Sênh luôn có nhiều bà con canh gác, ngăn cản người thi công dự án, thì nay chỉ còn vài người túc trực.
Anh Quang, ngoài 30 tuổi, người hiếm hoi còn giữ được giọng nói điềm đạm khi nói chuyện với người lạ cho hay từ sáng 19/4, nhiều người dân kéo về thôn Hoành, nơi đang giữ 20 cán bộ chiến sĩ để chờ đợi cuộc đối thoại với người đứng đầu chính quyền thành phố.
"Dân chúng tôi mong có cuộc đối thoại với Chủ tịch Nguyễn Đức Chung", anh Quang nói.
Một lối vào thôn Hoành chiều 19/4. Ảnh: Bá Chiêm. |
'Đối thoại sẽ tránh được sự việc đáng tiếc'
Theo bà Trần Thị Quốc Khánh (đại biểu Quốc hội được bầu ra bởi người dân đơn vị bầu cử số 6, gồm 4 huyện trong đó có huyện Mỹ Đức), tích cực đối thoại sẽ tránh được sự việc đáng tiếc. Khi nắm bắt được bức xúc trong nhân dân, chính quyền phải vào cuộc xử lý ngay, tránh dẫn đến các điểm nóng.
"Thường trực Thành ủy Hà Nội đã giao cho Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đứng ra giải quyết sự việc này. Hà Nội sẽ biết cách phải xử lý sự việc này vào thời điểm nào và xử lý thế nào cho phù hợp", đại biểu Khánh khẳng định.
Trả lời Đài truyền hình Hà Nội ngày 18/4, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cũng khẳng định thành phố sẽ tiếp tục kiên trì thuyết phục, vận động và đối thoại với bà con nhân dân, để làm sao người dân nhận thức ra vấn đề hợp tác với chính quyền giải quyết vụ việc một cách thấu đáo.
Ngày 15/4, công an đã bắt 4 người có hành vi vi phạm pháp luật để điều tra vụ gây rối trật tự công cộng xảy ra ở xã Đồng Tâm. Khi cảnh sát bắt giữ những người trên, một số công dân đã bao vây ôtô của lực lượng chức năng, giữ trái phép 38 cán bộ huyện Mỹ Đức và cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nội tại nhà văn hóa thôn Hoành.
Trước tình hình trên, thành phố tổ chức 2 tổ công tác xuống địa bàn tuyên truyền nhưng người dân không hợp tác, ném cát, sỏi, đá vào các tổ công tác...
Sáng 18/4, thiếu tướng Bạch Thành Định, Phó giám đốc Công an Hà Nội, cho biết trong số 38 người bị bắt giữ ở xã Đồng Tâm thì 15 cảnh sát cơ động đã được thả, 3 người tự giải cứu.