Chiều 20/4, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã tới huyện Mỹ Đức để bàn kế hoạch tiếp xúc với người dân xã Đồng Tâm.
Thành phần dự kiến cùng ông Nguyễn Đức Chung đối thoại với người dân Mỹ Đức gồm ông Đỗ Văn Đương, Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, ông Đào Đức Toàn, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an cùng lãnh đạo huyện Mỹ Đức, đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.
-
Chủ tịch Hà Nội nói về việc thanh tra sử dụng đất ở xã Đồng Tâm
-
Sẽ không có việc tấn công giải cứu
Chủ tịch Hà Nội một lần nữa đề nghị bà con nhân dân xã Đồng Tâm thả toàn bộ những người bị bắt giữ.
Ông Chung cũng cho biết nhà nước luôn tôn trọng người dân và sẽ không có việc tấn công, giải cứu. Tuy nhiên, vị Chủ tịch cũng chia sẻ "việc gì cũng có giới hạn".
-
Thanh tra toàn bộ quá trình quản lý đất đai tại Đồng Tâm
Chủ tịch Hà Nội thông tin thành phố sẽ ra quyết định thanh tra toàn diện quá trình quản lý đất đai tại xã Đồng Tâm và đề nghị người dân gặp đoàn thanh tra cung cấp tài liệu để cơ quan chức năng có quyết định đúng đắn.
"Đoàn thanh tra sẽ lắng nghe, tiếp thu toàn bộ tâm tư, nguyện vọng trên cơ sở các hồ sơ tài liệu từ trước đến nay để có những kết luận chính xác nhất trên tinh thần giải quyết thỏa đáng tâm tư, nguyện vọng của bà con. Sau 45 ngày, kết quả thanh tra sẽ được công bố", ông Chung nói. Ảnh: Tiến Tuấn.
-
Sẽ tiếp tục mời người dân tới đối thoại
Chủ tịch Hà Nội đề nghị lãnh đạo xã Đồng Tâm truyền đạt tinh thần với bà con xã Đồng Tâm về việc "lãnh đạo thành phố mà trực tiếp là tôi sẽ đối thoại với người dân". "Hôm nay chúng tôi đã mời bà con, nhưng mọi người không ra, chúng tôi sẽ tiếp tục mời người dân trong ngày mai hoặc ngày kia", Chủ tịch Hà Nội nói.
-
Dân Đồng Tâm không tin lãnh đạo cơ sở
Trong khi đó lãnh đạo xã Đồng Tâm cho biết người dân tại địa bàn hiện không còn tin vào lãnh đạo cơ sở vì vậy họ mong muốn sớm được gặp lãnh đạo thành phố và trung ương để trao đổi, đối thoại. Ảnh: Hoàng Hà.
-
Chủ tịch Hà Nội mong người dân thả các cán bộ, chiến sĩ
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chia sẻ "Chúng tôi ghi nhận bà con trong việc lo cơm ăn, nước uống và tắm giặt cho các cán bộ chiến sĩ".
Tuy nhiên Chủ tịch TP Hà Nội cũng mong muốn bà con nhân dân sống và làm việc theo đúng khẩu hiệu căng tại đồng Sênh, "Sống và làm việc theo pháp luật". Vì vậy, ông Nguyễn Đức Chung đề nghị bà con xã Đồng Tâm thả những người bị bắt giữ và tháo dỡ các chướng ngại vật trên đường vào xã.
"Tôi đề nghị bà con nên tin, sớm cho những người bị giữ về sớm. Cán bộ đi chỉ có bảo vệ dân, không có đàn áp dân”, Chủ tịch Hà Nội chia sẻ.
Chủ tịch UBND Hà Nội mong người dân phối hợp với lực lượng chức năng quản lý các đối tượng hình sự để không gây căng thẳng tại địa bàn. Theo ông Chung, hiện trên địa bàn xã Đồng Tâm có khoảng hơn 100 đối tượng hình sự. Ngoài ra, còn có một số đối tượng hình sự tại các địa bàn khác tới địa bàn Đồng Tâm gây rối. Ảnh: Bá Chiêm.
-
Tới 19h, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Hà Nội đã chủ trì cuộc gặp với lãnh đạo xã Đồng Tâm tại hội trường huyện Mỹ Đức. Buổi nói chuyện không có mặt người dân xã Đồng Tâm.
Lên huyện gặp Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung gồm 2 phó chủ tịch xã Lê Trường Huy và Phạm Hồng Sỹ, Chủ tịch HĐND Phạm Văn Quang, xã đội trưởng Lê Minh Huy, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Nguyễn Thị Hằng và Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Nguyễn Văn Huyền.
Một số cán bộ đại diện ban ngành trong xã Đồng Tâm cũng có mặt. Ảnh: Tiến Tuấn.
-
Đến 18h25, lãnh đạo TP Hà Nội vẫn có mặt tại trụ sở Huyện ủy Mỹ Đức. Đại diện người dân xã Đồng Tâm chưa có mặt nên cuộc đối thoại chưa diễn ra.
Thấy đoàn xe và đông đảo báo chí có mặt tại huyện uỷ, nhiều người dân tụ tập ven đường để theo dõi.
-
Nhà văn hóa thôn Hoành nằm ở trung tâm thôn, nơi người dân mong muốn Chủ tịch Hà Nội về đối thoại. Ảnh: Thắng Quang - Google Maps.
-
Người dân muốn ông Nguyễn Đức Chung về thôn
17h40, trao đổi với Zing.vn, cụ Nguyễn Văn Nhạc (80 tuổi) ở xã Đồng Tâm, cho biết người dân nơi đây đã quyết định không gặp Chủ tịch Nguyễn Đức Chung tại UBND huyện Mỹ Đức. Hiện, người dân Đồng Tâm đang tập trung tại Nhà văn hóa thôn Hoành để mong Chủ tịch UBND TP Hà Nội về đối thoại.
Một số người dân bày tỏ họ đã chờ được đối thoại với ông Chung từ tối qua đến nay nhưng không dám lên huyện. Họ tha thiết mong Chủ tịch thành phố về xã Đồng Tâm nói chuyện cùng người dân để họ được bày tỏ những bức xúc.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí ở trụ sở huyện Mỹ Đức, ông Nguyễn Đức Chung cho biết thành phố đã gửi giấy mời bà con lên đối thoại nhưng đến thời điểm này bà con không lên. Hà Nội và Mỹ Đức tiếp tục cầu thị và mời bà con lên huyện đối thoại.
-
Bên trong thôn Hoành chiều 20/4. Video: Hoàng Như - Thắng Quang.
-
Khoảng 20 phóng viên đang ở bên ngoài hội trường, chờ đưa tin về buổi đối thoại của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung với người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
-
Hiện chính quyền thành phố vẫn đang thuyết phục người dân qua điện thoại để lên làm việc tại trụ sở UBND huyện Mỹ Đức.
-
Tới 17h30, phóng viên của Zing.vn cho biết Hội trường UBND huyện Mỹ Đức, nơi dự kiến diễn ra cuộc đối thoại vẫn chưa có người dân nào xuất hiện.
-
Chiều 20/4, phóng viên Zing.vn có mặt ở thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cùng thời điểm với Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung về huyện Mỹ Đức, tìm cách đối thoại với người dân. Video: Thắng Quang - Hoàng Như.
-
Tới 17h15, đại diện người dân xã Đồng Tâm vẫn chưa có mặt tại trụ sở huyện ủy Mỹ Đức.
Trước đó, lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức đã ký giấy mời 100 người dân xã Đồng Tâm lên huyện đối thoại. Ngoài ra, huyện Mỹ Đức đã bố trí 3 ôtô để đưa đón người dân từ xã lên trụ sở huyện.
Đoàn công tác đang chờ đợi người dân để bắt đầu buổi đối thoại. Ảnh: Bá Chiêm.
-
Tới 17h ngày 20/4, người dân xã Đồng Tâm vẫn duy trì trướng ngại vật tại các đường vào thôn Hoành. Ảnh: H.T.
-
16h30, một số ôtô biển xanh tiếp tục vào trụ sở Huyện ủy Mỹ Đức.
Ông Nguyễn Đức Chung đang làm việc với lãnh đạo huyện Mỹ Đức.
Cùng lúc, trao đổi với Zing.vn, một người dân xã Đồng Tâm cho hay họ nhận được thông báo đề nghị mỗi xóm cử ra 10 người để tới UBND huyện đối thoại với Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung. "Chúng tôi muốn ông Chung về Đồng Tâm đối thoại với dân chứ không lên huyện", người này nói.
-
15h50, ông Nguyễn Đức Chung xuất hiện ở sân trụ sở huyện ủy Mỹ Đức, cách xã Đồng Tâm hơn 15 km.
Trước cổng trụ huyện ủy Mỹ Đức, lực lượng cảnh sát đứng canh gác nghiêm ngặt.
Cùng lúc, trao đổi với Zing.vn, một người dân xã Đồng Tâm cho hay họ nhận được thông báo đề nghị mỗi xóm cử ra 10 người để tới UBND huyện đối thoại với Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung. "Chúng tôi muốn ông Chung về Đồng Tâm đối thoại với dân chứ không lên huyện", người này nói.
Đoàn công tác của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung vào trụ sở huyện ủy Mỹ Đức, Hà Nội. Ảnh: Bá Chiêm.
-
Tối 18/4, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cho biết Thường trực Thành ủy đã phân công Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chủ động tiếp xúc, đối thoại và giải quyết bức xúc của người dân huyện Mỹ Đức.
"TP sẽ tiếp tục kiên trì thuyết phục, vận động và đối thoại với bà con nhân dân, để làm sao người dân nhận thức ra vấn đề hợp tác với chính quyền giải quyết vụ việc một cách thấu đáo", Phó bí thư Đào Đức Toàn nói.
Sáng 19/4, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng người đứng đầu TP Hà Nội cần đối thoại với dân Đồng Tâm để giải quyết những bức xúc tích tụ từ người dân.
-
Thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Google Maps - Thiên Sơn. Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, ngày 30/3, CATP Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng”; Cục Điều tra Hình sự Bộ Quốc phòng đã ra quyết định khởi tố vụ án “Chống người thi hành công vụ” ; khởi tố vụ án “Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai” theo điều 173 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Ngày 15/4, CATP Hà Nội đã bắt 4 người có hành vi vi phạm pháp luật để điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
Một số công dân xã Đồng Tâm đập phá ôtô, bắt giữ 38 cán bộ huyện Mỹ Đức và cán bộ, chiến sĩ công an tại Nhà văn hóa thôn Hoành. Người dân dùng gạch đá, cát, cây và vật dụng để chặn lối vào làng.
Sáng 18/4, trao đổi với báo chí, thiếu tướng Bạch Thành Định, Phó giám đốc Công an Hà Nội cho biết tổng cộng 38 người bị bắt giữ, gồm cán bộ huyện Mỹ Đức và chiến sĩ Công an Hà Nội. Tính đến 18/4, 15 chiến sĩ CSCĐ đã được thả, 3 người tự giải cứu. "Họ đang giữ 20 người, chúng tôi đang vận động để họ tự giác trao trả" - Phó giám đốc Công an Hà Nội cho hay.