Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giải mã ý nghĩa lá bùa dán trên đỉnh núi Ngũ Hành giam Tề Thiên

Việc nhốt Tề Thiên dưới núi Ngũ Hành cũng như cứu Tề Thiên ra khỏi núi Ngũ Hành đều liên quan tới một lá bùa trên có sáu chữ vàng "Úm Ma Ni Bát Mê Hồng".

Lá bùa sáu chữ

Lại nói về việc giải cứu Tề Thiên thoát ra khỏi núi Ngũ Hành. Ngô Thừa Ân chủ ý muốn rằng chỉ có Tam Tạng (Đường Tăng) mới cứu được Tề Thiên, chỉ có Tam Tạng mới giúp nổi Tề Thiên hất tung cả núi Ngũ Hành. Tại sao lại là và chỉ là Tam Tạng? Mà Tam Tạng có nghĩa gì?

Đường Tăng thế danh là Trần Huy (602-664), pháp hiệu là Huyền Trang, còn gọi là Tam Tạng. Ngài sống đời nhà Đường nên trong kinh sách còn ghi phương danh đầy đủ là Đường Tam Tạng Pháp Sư Trần Huyền Trang. Pháp hiệu là Tam Tạng, có nghĩa ngài thông suốt tất cả ba kho báu của nhà Phật (tam tạng). Con người muốn giải thoát luân hồi sanh tử, phải nương nhờ vào ba kho bảo vật này, gồm có:

- Kinh tạng là các kinh, tức là giáo lý của Đức Phật.

- Luận tạng là các lời bình luận để giảng giải kinh Phật. (Cũng giống như ở Nho Giáo, có sự phân biệt giữa kinh và truyện; truyện là phần diễn giải lời kinh).

- Luật tạng là giới luật, kỷ luật nhà Phật, phương tiện giúp con người kiềm chế thói hư tật xấu để tu sửa thân tâm cho nên thánh thiện.

Giai ma truyen Tay du anh 1

Chỉ có Tam Tạng mới giúp nổi Tề Thiên hất tung cả núi Ngũ Hành. Nguồn: toutiao.

Việc nhốt Tề Thiên dưới núi Ngũ Hành cũng như cứu Tề Thiên ra khỏi núi Ngũ Hành đều liên quan tới một lá bùa. Lúc đầu, khi nghe Củ Soát Linh Quan đi tuần tra báo cáo lại rằng Tề Thiên đã thò đầu ra khỏi núi, để cho Tề Thiên khỏi cục cựa làm đổ núi Ngũ Hành, Phật Tổ bèn “rút trong tay áo ra một tờ giấy, trên có sáu chữ vàng Úm Ma Ni Bát Mê Hồng, đưa cho A Nan dặn mang đi dán trên đỉnh núi”.

Tại sao phải chọn đỉnh núi mà dán? Lẽ ra phải dán chỗ nào kín gió mưa sương tuyết chứ? Phải chăng vì lá bùa này không có thể dán được chỗ nào khác hơn là ngoài đỉnh núi?

Sáu chữ vàng trên lá bùa Phật Tổ chính là lục tự chơn ngôn, hay thần chú, tức đà la ni (dharani); cũng chính là sáu âm tiết (syllables) Om Mani Padme Hum, xuất phát từ Lạt Ma Giáo (Tây Tạng). Người ta tin rằng từng âm tiết trong sáu âm tiết này khi phát ra đúng cách đều có huyền năng siêu phàm, cứu giúp con người khỏi sa vào đường luân hồi làm cầm thú, thoát kiếp súc sanh.

Phân tích từng âm tiết lại có thêm nhiều ý nghĩa khác nhau, chẳng hạn:

- Om hay Aum, có nghĩa như cung kính tuân phục, và theo ý nghĩa này nó được sánh như chữ Amen của đạo Thiên Chúa. Om là cái tên bí nhiệm để gọi Thượng Đế Ba Ngôi trong đạo Bà La Môn. Đối với nhiều tu sĩ Phật Giáo, đặc biệt là Mật Tông, Om được dùng như thần chú, và là một đề tài hay đối tượng khi tham thiền quán tưởng.

- Mani cũng gọi Ma Ni bảo châu, ngọc quý Mani, tượng trưng cho sự thánh thiện, thuần khiết; do đó Mani còn dùng để tượng trưng cho Phật Thích Ca và giáo lý của Phật. Theo Mật Tông, sáu chữ Úm Ma Ni Bát Mê Hồng thần bí còn ám chỉ một cái “huyệt” hay “khiếu” nằm ngay trong đỉnh đầu con người. Cho nên mới phải dán bùa trên đỉnh núi. Sáu chữ này còn mang ý nghĩa: Ôi ngọc châu viên giác nằm tại liên hoa cung. Đạo Lão và Cao Đài gọi đó là Nê Hoàn Cung, Côn Lôn Đảnh. Trong Đạo Đức Kinh, tên nó là Cốc Thần. Sách Ấu Học Quỳnh Lâm gọi cái đầu là Cao Đài.

Thánh giáo Cao Đài gọi đỉnh đầu là Cao Đài. Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế dạy:

“Chữ Cao Đài là chi? Là Côn Lôn đảnh hay Nê Huờn, thuộc về thượng giới”.

Tại Bác Nhã Tịnh Đường (Long Hải), ngày 18/3 Nhâm Tý, Đức Đông Phương Lão Tổ dạy: Thử hỏi Cao Đài ở chốn nao? Người tu trở lại, trở về đâu? Phải chăng tìm đến Cao Đài thượng, Đài thượng vô vi tại đỉnh đầu.

Tóm lại, lá bùa sáu chữ Úm Ma Ni Bát Mê Hồng dán trên đỉnh núi Ngũ Hành là ẩn dụ của các hành giả tham thiền, ám chỉ rằng trong đầu não con người có tiềm tàng một huyền năng linh diệu, nhờ đó mà con người có thể tiến hóa lên làm Phật, làm Trời.

Ăn sắt uống đồng

Trở lại với chuyện nhốt Tề Thiên dưới núi Ngũ Hành. Tây du chép một đoạn rất oái oăm và cắc cớ. Truyện kể rằng trước khi Như Lai trở về chùa Lôi Âm, thì: “Lúc ấy, Ngài lại phát tâm từ bi, niệm thần chú, gọi cả Thổ Địa, Thần Kỳ, cùng Ngũ Phương Yết Đế dặn canh giữ núi Ngũ Hành, thấy khi nào Đại Thánh đói thì cho ăn viên sắt, khát thì cho uống nước rỉ đồng…”.

Sắt hòn và nước rỉ đồng thì ăn làm sao uống làm sao cho nổi! Nuôi khỉ mà tại sao không dặn đem trái cây? Tại sao Như Lai chỉ định một thực đơn loại đặc sản quái lạ như thế? Đã vậy, lúc mở đầu chuyện ăn sắt uống đồng này, thì truyện chép rõ ràng rằng Như Lai nói như vậy, và do “Ngài phát tâm từ bi”.

Như Lai là chân lý. Cái gì do Như Lai nói ra đều đồng nghĩa với chân lý. Vậy, dặn cho ăn viên sắt, uống nước rỉ đồng nhất định phải là lời thật, lẽ thật, việc thật, và đúng là phát sinh do lòng từ bi thật sự.

Đạo Lão có thuật luyện đơn, để trường sinh bất tử, tức là bỏ xác phàm làm Tiên. Câu chuyện ăn sắt uống đồng hóa ra chỉ là một ẩn dụ, nhằm nói xa nói gần đến việc tu luyện mà thôi.Phật từ bi muốn cứu người sống, nên dặn dò phải biết tham thiền luyện đạo (Cao Đài gọi là công phu).

Qua Tây du, Phật và Lão đều rất đề huề. Ngô Thừa Ân khéo léo vận dụng cả hai nguồn giáo lý ấy để nói về con đường gian khổ mà hành giả bắt buộc phải vượt qua để tìm thấy [...] lý tưởng của mình, là Chúa, là Phật, là Thượng Đế.

Huệ Khải / Tri thức Trẻ Books - NXB Tôn giáo

SÁCH HAY