Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giải mã cơn bĩ cực năm 'đại họa' của Nokia

Trong năm "đại hoạ", Nokia liên tục gặp tai ương khi lợi nhuận giảm, cổ phiếu giảm đến mức phải... bán trụ sở để có tiền trang trải cho các hoạt động kinh doanh.

Giải mã cơn bĩ cực năm 'đại họa' của Nokia

Trong năm "đại hoạ", Nokia liên tục gặp tai ương khi lợi nhuận giảm, cổ phiếu giảm đến mức phải... bán trụ sở để có tiền trang trải cho các hoạt động kinh doanh.

Từ một hãng điện thoại hàng đầu thế giới, Nokia đang lâm vào tình cảnh bi đát chưa từng có và có lẽ hãng đang cần tìm một hướng đi sáng sủa hơn khi năm tài chính 2012 cũng sắp kết thúc.Cùng điểm lại những mốc thời gian đáng buồn của Nokia trong năm được coi là "đại hoạ" từ thiên nhiên đến kinh tế này:

Lỗ và lại lỗ

Trong Quý I/2012, Nokia âm xấp xỉ 3%, trong khi dự kiến trước đó là 2%, nguyên nhân là do cạnh tranh gay gắt trên thị trường, mà cụ thể là từ mảng kinh doanh dịch vụ và thiết bị (D&S). Tính ra, trong quý I Nokia lỗ 1,6 tỉ USD. Đã từ rất lâu rồi, Nokia không phải là một cái tên duy nhất để lựa chọn một thiết bị hay dịch vụ di động, những thị trường mới nổi và đặc biệt là đông dân đang có nhiều sự lựa chọn, đó là Trung Quốc, Ấn độ, châu Phi và Trung đông.

"Gia đình" Lumia chưa đem đến sự thành công cho Nokia như mong đợi

 

Từ tháng 2/2012, Nokia đã đưa ra thông báo cắt tới 4.000 nhân công tại các nhà máy ở Phần Lan, Hungary và Mexico, chuyển hoạt động sản xuất của mình sang châu Á - nhằm tận dụng lợi thế so sánh về giá nhân công để gia tăng tính cạnh tranh của mình.

Trong Quý II/2012, Nokia tiếp tục công bố khoản lỗ của mình là 1 tỷ USD, hãng nói rằng khoản lỗ này chủ yếu là do phí bản quyền và các chi phí khác. Doanh số của các thiết bị thông minh nói chung của Nokia bao gồm cả Symbian, MeeGo và Windows Phone cộng lại thì giảm tới 39% so với cùng ký năm 2011.

CEO của Nokia và ban lãnh đạo của tập đoàn này đã làm nhiều cách để có tiền, tiêu biểu là bán tới 400 triệu Euro bằng sáng chế, tuy nhiên Stephen Elop và các cộng sự của ông vẫn chưa giải quyết được ổn thoả bài toán kinh doanh của mình.

Trả lời trên Wall Street Journal - Stephen Elop nói rằng hãng đang cần nhiều tiền trong thời gian chuyển đổi, Nokia hiện cũng đã ngừng phát triển Symbian, MeeGo để tập trung vào Windows Phone.

Microsoft "vuốt mặt không nể mũi"

Ngay trước thời điểm Nokia công bố Lumia 900 trên toàn cầu, tại sự kiện Windows Phone Summit 2012 tổ chức vào ngày 20/6, Microsoft giới thiệu về Windows Phone 8.Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu Windows Phone 8 là một cải tiến hoàn toàn so với Windows Phone 7 và 7.5 - hệ sinh thái đang hoạt động trên những chiếc Lumia của Nokia, trong đó có cả chiếc điện thoại cao cấp nhất của hãng vào thời điểm bây giờ là Lumia 900.

Nokia hợp tác với nhiều hãng khác nhau ngoài Microsoft để trang bị thêm "vũ trang" cho Lumia, tiêu biểu là hợp tác với Dr. Dre để sản xuất tai nghe

 

Microsoft tuyên bố, hãng sẽ giới thiệu Windows Phone 8 vào cuối năm 2012, trong khi đó những thiết bị thế hệ trước bao gồm cả Lumia 800 và Lumia 900 đều không được nâng cấp lên Windows Phone 8.Công bố của Microsoft như một gáo nước lạnh dội vào đầu đối tác lớn nhất của họ trong mảng di động, nhiều phân tích gia còn cho rằng, có vẻ như Microsoft muốn dìm Nokia xuống tận đáy để dễ dàng thương thảo với nhà sản xuất Phần Lan về việc "bán mình" cho họ.

Thương hiệu Vertu cũng bị Nokia đem bán để có tiền phục vụ các hoạt động của hãng

 

Trước đó, Nokia đã phải bán thương hiệu điện thoại siêu sang Vertu cho hãng đầu tư EQT VI với cái giá không được tiết lộ, nhưng dự đoán là 250 triệu USD. Nokia trở nên vô cùng bất ổn sau khi có những tình tiết mới từ Microsoft.

Bị đánh bật khỏi thị trường lớn nhất thế giới

Apple, Samsung và nhiều hãng điện thoại khác đều cho rằng, Trung Quốc là một mảnh đất màu mỡ để thu được lợi nhuận, thế nhưng, Nokia không thành công tại thị trường này. Trong tháng 7/2012, Wall Street Joural tiết lộ rằng Nokia buộc phải đóng cửa hai văn phòng uỷ nhiệm chính hãng tại Trung Quốc, sa thải tới 10.000 nhân viên so với ý định chỉ cắt giảm khoảng 4.000 nhân công trước đó trên toàn thế giới.

Đại diện Nokia phát biểu về chiến lược của hãng trong lễ khởi công xây dựng nhà máy Nokia ở Việt Nam

 

Từ 4 văn phòng - kiêm cửa hàng phân phối ở Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải và Thành Đô, Nokia chỉ giữ lại hai văn phòng ở Bắc Kinh và Quảng Châu và thay đổi cách thức quản lý của mình. Tại Trung Quốc, Nokia vừa phải đấu đầu với Apple, Samsung trong phân khúc điện thoại cao cấp, đồng thời cũng chạm mặt Huawei, ZTE và nhiều hãng khác trong phân khúc điện thoại trung cấp.

Hãng nghiên cứu Analysys International đưa ra số liệu, thị phần của Nokia giảm xấp xỉ 30% so với cùng thời gian trước đó trong năm 2011.

Sản phẩm mới chưa được chào đón

Ngày 5/9/2012, sau khi công bố hai chiếc điện thoại Lumia 920 và Lumia 820, cổ phiếu của Nokia ngay lập tức giảm tới 15%. Nokia vẫn khá "cứng đầu" trong việc trung thành với Windows Phone, trong khi đó đối thủ một thời được coi là chiếu dưới của họ - Samsung đã bứt phá lên vô cùng mạnh mẽ với Android và dòng Galaxy của mình.

Thậm chí, đau đớn hơn cho Nokia là trong sự kiện IFA 2012 được tổ chức vào tháng 8/2012, Samsung chứ không phải Nokia đã là hãng đầu tiên chính thức giới thiệu về Windows Phone 8 với chiếc Samsung ATIV S.

Bán trụ sở để cải tổ

Trụ sở tại Espoo - Phần Lan được coi là niềm tự hào của Nokia, tuy nhiên hãng dường như đang tính đến việc bán trụ sở để có kinh phí cho các kế hoạch cải tổ dược thực hiện trong thời gian tới. Nếu giao dịch thành công, Nokia sẽ có thêm khoảng 322 triệu USD phục vụ cho các hoạt động của mình. Việc bán đi trụ sở chính không có nghĩa là Nokia sẽ rút sự có mặt của mình tại Phần Lan mà hãng sẽ chuyển sang hình thức thuê trụ sở, đồng thời có thể sử dụng tiền bán trụ sở để quay vòng tiền.

Hiện Nokia vẫn đang hi vọng hai chiếc điện thoại mới là Lumia 820 và Lumia 920 sẽ gây được tiếng vang, kéo lại thanh danh của hãng. Tuy nhiên, một điều lạ lùng là trong sự kiện giới thiệu hai chiếc điện thoại này, Nokia không công bố về thoả thuận hợp tác với các hãng di động nào như AT&T, Verizon (Mỹ) để phân phối điện thoại Lumia mới đến tay khách hàng.

Khó khăn đang diễn ra, biện pháp giải quyết của Nokia cũng đang được thực hiện, nhưng dường như chưa thấy cửa sáng nào cho Nokia trong hiện tại. Nokia cần phải có một bước đột phá, hoặc là cho ra mắt một chiếc Windows Phone ưu việt, hoặc "làm liều" noi gương Samsung để bắt tay với Android. Nền tảng phần cứng của Nokia cũng được đánh giá tốt và nhiều người mong đợi sự hồi sinh từ hãng điện thoại này.

Theo VTC

 

Theo VTC

Bạn có thể quan tâm