Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giải mã chiến lược chào mua cổ phần bột giặt NET của Masan

Sau thương vụ tiếp nhận lại hệ thống của hàng bán lẻ, siêu thị mini Vinmart và Vinmart+, Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan tiếp tục chào mua 60% cổ phần bột giặt NET.

Trong thông điệp phát đi từ thương vụ tiếp nhận Vinmart và Vinmart +, Vingroup cho biết, việc chọn Masan để chuyển giao một trong những hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam là chọn đúng người, nhằm tiếp tục “giương cao ngọn cờ hàng Việt”. Bán lẻ nói chung và quy mô 3.000 cửa hàng Vinmart và Vinmart + thể hiện bản chất cuộc chuyển giao được quyết định bởi lợi ích 2 bên và người tiêu dùng.

Nếu việc Vingroup rời bỏ mảng bán lẻ đang phát triển chỉ vỏn vẹn sau 5 năm tham gia là một điều kỳ lạ, thì Masan tiếp nhận lại hệ thống ấy còn bất ngờ hơn. Vinmart và Vinmart + có quy mô nhân sự lên tới 25.000 người, gấp 2,5 lần tổng số lao động hiện hữu của Masan. Cộng với kinh nghiệm bán lẻ không có, việc tiếp nhận vận hành hệ thống khác biệt hoàn toàn mang đến thách thức với tiềm lực về quản trị và tài chính của Masan.

chien luoc cua Masan anh 1
Thương vụ của Masan và Vingroup khiến nhiều người bất ngờ.

Hai lựa chọn ngược chiều của hai doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam khiến thị trường ít nhiều biến động. Ngay sau đó, cổ phiếu Masan sụt giảm, nhưng theo tập đoàn hiện có dấu hiệu hồi phục trở lại, tương lai trong trung và dài hạn nhiều lạc quan.

Khi vừa tiếp nhận Vinmart và Vinmart +, việc Masan công bố đề nghị chào mua đến 60% cổ phần bột giặt NET - doanh nghiệp ngành sản xuất hóa mỹ phẩm có truyền thống hơn 50 năm - một lần nữa tạo nên không ít tò mò. Nhiều câu hỏi đặt ra về lý do trong thời gian ngắn, Masan lại đột ngột lấn sân sang ngành mới hoàn toàn như bán lẻ và hóa chất.

Thực tế, từ nhiều năm qua, các hãng nước ngoài đã thâu tóm thành công phần lớn thị trường chất tẩy rửa Việt Nam (thị phần bột giặt NET chỉ chiếm khoảng 1,5%). Chất tẩy rửa nước ngoài đang có mặt trong hệ thống 300.000 điểm bán lẻ. Vì thế, sử dụng sản phẩm chất tẩy rửa của nước ngoài trở thành thói quen của người Việt. Theo tập đoàn tiêu dùng Việt, nếu thay đổi được để gia tăng thị phần nắm giữ, bột giặt NET cũng như chục thương hiệu chất tẩy rửa nội đã không chịu lép vế.

chien luoc cua Masan anh 2
Masan tiếp tục chào mua 60% cổ phần bột giặt NET.

Hợp tác với NET, Masan cho biết sẽ tiếp tục phát huy, kế thừa các lợi điểm sẵn có từ NET về nguồn nhân lực, kinh nghiệm và dây chuyền sản xuất của 2 nhà máy hiện được các chuyên gia kỹ thuật đánh giá cao. Đồng thời, cộng hưởng những ưu thế Masan sở hữu như năng lực xây dựng thương hiệu, hoạt động marketing bài bản, hoạt động R&D được đầu tư, hệ thống phân phối rộng khắp hứa hẹn tạo nền tảng cho sự tăng trưởng doanh thu, tạo ra giá trị gia tăng cho cổ đông và khách hàng.

Về việc nắm quyền kiểm soát NETCO, Masan phát đi thông điệp muốn dùng hệ thống bán lẻ hiện hữu để gia tăng diện phủ sản phẩm của NET, đồng thời tăng danh mục mà doanh nghiệp này gọi là “các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình”.

Trong báo cáo thường niên 2018, Masan từng nhấn mạnh chiến lược kết nối những lĩnh vực kinh doanh với hệ sinh thái đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng. Định hướng cụ thể là triển khai cửa hàng một điểm đến "a one-stop shop" - nơi giải quyết tất cả vấn đề của khách hàng, từ tài chính, thịt, thực phẩm và đồ uống đến chăm sóc sức khoẻ.

Với người tiêu dùng, “sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình”được hiểu là các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, chia thành hai mảng rõ rệt, gồm: Chất tẩy rửa và chăm sóc da; thực phẩm, gia vị, đồ uống, vệ sinh răng miệng. Ở phân khúc chất tẩy rửa, hai thương hiệu ngoại đã chiếm phần lớn thị phần, hàng chục nhà sản xuất nội chen trong 29% phần còn lại, với hoạt động chủ chốt là gia công cho hãng ngoại.

Lợi thế của Masan nằm ở chỗ kịp nhận chuyển giao chuỗi bán lẻ Vinmart và Vinmart +, với triết lý kinh doanh chỉ bán hàng Việt chất lượng đảm bảo. Sẽ không bất ngờ khi tập đoàn tiếp tục “giương cao ngọn cờ hàng Việt”, để thu hút và thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt. Masan tiết lộ tham gia và sử dụng kênh bán lẻ được xem như lựa chọn bài bản và chiến lược trong cuộc trường chinh giành lại thị trường cho hàng Việt.

Từ góc độ này, tính thống nhất về lựa chọn của Masan trong việc cùng lúc nắm quyền kiểm soát bán lẻ và đặt chân vào địa hạt “chăm sóc cá nhân và gia đình” thể hiện rõ nét. Hai chiến lược lạ lùng được dựa trên tiền đề cơ bản là tính dân tộc và chất lượng của hàng Việt, đặc biệt tiềm lực thực sự của doanh nghiệp Việt.

Bởi thế, hiếm khi nào thị trường Việt Nam chứng kiến cuộc phân chia thị trường lớn đến thế của những doanh nghiệp nội. Việc bắt tay với bột giặt NET cũng chỉ là mảnh ghép nhỏ trong nỗ lực “đòi” lại thị trường của doanh nghiệp nội, trong đó Masan là một trong những đơn vị tiên phong.

Giang Di Linh

Bình luận

Bạn có thể quan tâm