Tranh Le déjeuner sur l'herbe của Eduoard Manet. Ảnh: Wikiart. |
Eduoard Manet biết rằng cuộc sống những năm 1860 ở Paris không hề ngăn nắp như những gì nghệ thuật hàn lâm phản ánh. Cũng như Courbet, Manet tìm trong đời sống hiện đại và cuộc đời của mình những chủ đề đáng vẽ.
Khi làm như vậy, tác phẩm của ông thường chỉ trích những truyền thống Cổ điển và Phục hưng, làm suy yếu những lý tưởng cao vợi của chúng bằng cách bộc lộ một mặt trái xấu xí.
Manet mở ra cánh cửa hướng về thế giới Hiện đại. Và thay vì tìm kiếm một nàng Vệ nữ yêu kiều, giờ đây chúng ta có thể nhìn thấy trọn vẹn những người phụ nữ thân quen, với ngấn mỡ bụng và mọi thứ.
Trong bức tranh Bữa trưa trên cỏ (1863), Manet đã mượn bố cục của bậc thầy Phục hưng Ý Raphael. Nhưng đề tài Cổ điển của các nhân vật được đặt trong bối cảnh thiên nhiên đã trở nên hiện đại.
Trong tác phẩm của Manet, hai người đàn ông và hai người phụ nữ là bạn và họ hàng của ông. Họ là những người Paris đang tận hưởng một thú tiêu khiển còn khá mới mẻ, cắm trại trong công viên.
Việc dễ dàng nhận ra các nhân vật này đã gây xì căng đan tại thời điểm đó. Và việc người phụ nữ, một người mẫu có tiếng, ngồi không một mảnh vải che thân trong khi những “quý ông” vẫn đóng bộ chỉn chu chẳng giúp ích được gì.
Ở phần tiền cảnh, ta thấy trang phục của cô nàng rơi vãi thành đống, và những thứ bên trong giỏ trái cây đặt trên đó đang đổ ra (sự ám chỉ, sự ám chỉ)!
Dẫu vậy, có lẽ điều “trơ trẽn” nhất đối với người Paris đương thời chính là cách người phụ nữ khỏa thân với gương mặt hơi ửng hồng kia nhìn thẳng vào chúng ta hoàn toàn bình tĩnh. Cô ta hoàn toàn thoải mái với khoảnh khắc này, và dường như đang hỏi người xem, “tại sao bạn cũng không như vậy đi?”
[...]
Manet thích thú với việc dựng nên những mảng sáng trưng bên những mảng tối đen. Như trong phần tiền cảnh của bức Bữa trưa trên cỏ, bạn sẽ thấy lòng bàn chân sáng sủa của người phụ nữ bên cạnh màu đen tuyền của đôi giày người đàn ông.
Manet thích cảm giác thẳng bẹt trong tranh đến nỗi ông thường để cả mảng trong bức tranh không tạo khối. Điều này gây ra sự phản đối kịch liệt! Sự nhạy cảm nghệ thuật của Manet phớt lờ nguyên tắc cơ bản: Không phá vỡ ảo giác ba chiều.
Sự trung thành tuyệt đối của Manet với cách nhìn của mình -khám phá thế giới hai chiều trên mặt phẳng hai chiều, hay tính phẳng bẹt trên bề mặt phẳng - đã góp phần định nghĩa lại nghệ thuật cho đến tận hôm nay.