Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giấc mộng Trung Đông của con rể ông Trump sụp đổ

Jared Kushner những tưởng kế hoạch Trung Đông hoàn hảo của mình sẽ giải quyết vấn đề Israel - Palestine vốn bế tắc từ lâu. Nhưng điều đó đã không xảy ra.

Jared Kushner - cựu cố vấn cấp cao, con rể của Tổng thống Mỹ Donald Trump - đạt được một thành tựu ngoại giao duy nhất. Đó là Hiệp định Abraham - hiệp định có mục đích khởi đầu quá trình mang lại hòa bình cho Trung Đông bằng cách bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel và một số quốc gia Arab.

Tháng 3 vừa qua, Kushner viết một bài trên Wall Street Journal nhằm tự chúc mừng bản thân, rằng Hiệp định Abrham tạo ra một "trận động đất địa chính trị”, "một kỷ nguyên mới giữa Israel và các nước Arab", "biến sa mạc Trung Đông khô cằn thành vùng đất nở hoa".

Kushner cũng bác bỏ quan điểm xung đột giữa Israel và Palestine là xung đột liên quan đến tranh chấp lãnh thổ.

Tuy nhiên, giờ đây, một cơn địa chấn thực sự đã xảy ra bắt nguồn từ tranh chấp lãnh thổ "đơn thuần" này - cuộc xung đột bạo lực giữa Israel và Palestine diễn ra trong 11 ngày, theo bài viết của Peter Bergen trên CNN.

xung dot israel - palestine anh 1

Hình ảnh Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Ngoại trưởng Bahrain và ngoại trưởng UAE sau khi ký Hiệp định Abraham vào tháng 9/2020. Ảnh: New York Times.

Kế hoạch đầy mộng tưởng

Kế hoạch hòa bình tại Trung Đông của Kushner được xây dựng trên nền móng của sự ảo tưởng: hòa bình sẽ đạt được thông qua đàm phán mà không cần có người Palestine, thay vào đó là tạo ra một mối quan hệ ấm áp giữa các quốc gia Arab và Israel.

Hay nói cách khác, trong suy nghĩ Kushner, con đường dẫn đến hòa bình ở Trung Đông không chạy qua Dải Gaza, Jerusalem và Bờ Tây, mà chạy qua UAE.

Tất nhiên, không có gì sai khi cố gắng thúc đẩy mối quan hệ giữa các quốc gia Arab và Israel, đặc biệt khi mối quan hệ vốn đã gần gũi hơn khi có chung kẻ thù: Iran.

xung dot israel - palestine anh 2

Cố gắng gắn kết các quốc gia Arab và Israel, Kushner muốn đẩy người Palestine ra khỏi kế hoạch hòa bình tại khu vực Trung Đông. Ảnh: Al Jazeera.

Trong khi đó, các quốc gia Arab sẽ tạo áp lực để người Palestine chung sống hòa bình lâu dài với phía Israel. CNN nhận định điều ảo tưởng trong kế hoạch của Kushner chính là suy nghĩ người Palestine sẽ quên đi bất bình chính đáng của họ vì những khoản đầu tư quy mô lớn mà Kushner bơm vào khu vực Dải Gaza và Bờ Tây.

Tuy vậy, kế hoạch rót 50 tỷ USD của Kushner vào các dự án của Palestine đã bị đổ bể sau khi người Palestine tẩy chay Hội nghị Kinh tế Bahrain năm 2019.

Tại hội nghị, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin tuyên bố các khoản đầu tư tài chính vào Bờ Tây và Dải Gaza “sẽ giống như một đợt IPO nóng bỏng” - cụm từ để chỉ cho đợt phát hành cổ phiếu lần đầu cho công chúng.

Nhưng bây giờ, thay vì một "IPO nóng bỏng", tại đây đã xảy ra một cuộc chiến nóng bỏng không kém.

Đánh giá sai lầm

Khi xung đột bùng phát giữa Israel và Palestine, chính phủ Saudi Arabia - không phải là quốc gia đã ký Hiệp định Abraham - tuyên bố "dứt khoát" bác bỏ "những vi phạm của Israel đối với người Palestine". Trong khi đó, Morocco - một bên tham gia hiệp định - cho biết đang theo dõi cuộc xung đột "với sự quan tâm sâu sắc".

Hóa ra người Arab thực sự quan tâm đến "cuộc tranh chấp lãnh thổ" này, đặc biệt khi nó liên quan đến Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Đông Jerusalem - địa điểm linh thiêng thứ ba đối với người Hồi giáo.

Nguyên nhân đầu tiên thắp lên ngọn lửa xung đột lần này là một cuộc đột kích của cảnh sát Israel vào ngày 11/4 tại nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa vào ngày đầu tiên của tháng Ramadan. Theo New York Times, cảnh sát Israel làm vậy là nhằm tắt loa cầu nguyện tại nhà thờ để Tổng thống Israel Reuven đọc diễn văn gần đó mà không bị gián đoạn.

xung dot israel - palestine anh 3
Người Jordan xuống đường biểu tình thể hiện sự ủng hộ với Palestine vào ngày 14/5. Ảnh: New York Times.

Một nguyên nhân khác thúc đẩy cuộc xung đột là việc một số gia đình Palestine ở Đông Jerusalem bị trục xuất. Người Palestine coi đó là một phần của kế hoạch xâm lấn đất đai của người Israel, mà nói một cách công bằng là đã bắt đầu rất lâu từ trước cả nhiệm kỳ của Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, quá trình người Israel trục xuất người Palestine đã tăng tốc trong nhiệm kỳ của Trump, theo phân tích của AP.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman khẳng định không tin hoạt động của Israel là bất hợp pháp, đồng thời cho biết chính quyền Trump có thể hỗ trợ Israel ngay cả khi nước này sáp nhập các phần của Bờ Tây.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - người từ lâu đã thúc đẩy việc người Israel định cư trong khu vực Palestine - thân thiết với gia đình Kushner đến mức ông từng ngủ tại nhà của con rể Trump ở New Jersey.

Như thể là cánh tay phải của chính quyền ông Netanyahu, chính quyền Trump đã thực hiện các biện pháp trừng phạt người Palestine, chẳng hạn như rút lại viện trợ của Mỹ cho Cơ quan Cứu trợ và Công trình của Liên hợp quốc cho người tị nạn Palestine (UNRWA) - cơ quan cung cấp hệ thống giáo dục cho hàng trăm nghìn trẻ em Palestine tị nạn ở các quốc gia Trung Đông.

Chính quyền Trump cũng đóng cửa phái bộ Palestine ở thủ đô Washington, đồng thời chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem - điều mà chính quyền trước đây của Mỹ không dám làm vì sợ khiêu khích người Palestine, những người có tuyên bố chủ quyền đối với Đông Jerusalem.

xung dot israel - palestine anh 4

Chính quyền Trump luôn cố gắng phá hoại bất kỳ cơ hội hòa bình thực sự nào ở Israel, điều mà mọi chuyên gia đều hiểu đó là giải pháp hai nhà nước. Ảnh: Times of Israel.

Tổng thống Biden đã phải kế thừa “mớ hỗn độn” mà ông Trump gây ra. Ngày 19/5 vừa qua, ông Biden đã có một cuộc thảo luận nghiêm túc với ông Netanyahu về xung đột giữa Hamas và Israel, khẳng định Mỹ “mong đợi quá trình giảm leo thang ngay từ ngày hôm nay để dẫn đến một lệnh ngừng bắn”.

Đây là một khởi đầu tốt - chấm dứt kỷ nguyên “tự tung tự tác” của ông Netanyahu. Và vào tối ngày 20/5, Tổng thống Biden thông báo rằng Israel và Hamas đã có lệnh ngừng bắn.

Kushner khoe khoang mình đã đọc 25 cuốn sách về cuộc xung đột giữa Israel và Palestine - những cuốn sách mà ông cho rằng sẽ trang bị kiến thức nhằm giải quyết vấn đề giữa hai bên.

"Tuy nhiên, trong quá trình 'làm bài tập về nhà, Kushner đã xem bộ phim Người gác cổng chưa?", tác giả Peter Bergen chất vấn trong bài viết trên CNN.

Sáu nhân vật từng đứng đầu cơ quan an ninh nội bộ Israel Shinbet đều thẳng thắn thừa nhận, cho dù Israel đã thắng trên nhiều mặt trận, nhưng nếu không tìm ra cách giải quyết xung đột với người Palestine thông qua giải pháp hai nhà nước, họ vẫn sẽ là người thua cuộc.

Thế khó của các nước Arab trước xung đột Israel - Hamas

Liên đoàn Arab thống nhất lên án các cuộc không kích của Israel và cả hành động đột kích nhà thờ Aqsa. Nhưng sự lên án mới chỉ dừng lại chỉ ở lời nói chứ không phải hành động.

Dân Gaza nửa đêm ăn mừng sau lệnh ngừng bắn Hamas - Israel

Sau 11 ngày giao tranh ác liệt khiến hơn 200 người thiệt mạng, Hamas và Israel đã đồng ý ngừng bắn vào ngày 20/5.

Phương Linh

Theo CNN

Bạn có thể quan tâm