Đỉnh núi Ngọc Linh sẽ là thủ phủ sâm quốc gia với sản lượng ước tính 500-1.000 tấn, trị giá thương phẩm mang về 1,5-2 tỷ USD mỗi năm.
Tại sao không?
Chưa nói đến việc thành công ra sao nhưng nhìn vào con số tổng vốn đầu tư đến 9.113 tỷ đồng của đề án cho cây sâm Ngọc Linh, nhiều người không khỏi e ngại.
Tuy nhiên ông Hồ Quang Bửu, chủ tịch huyện Nam Trà My, lại tin rằng khả năng thành công của đề án không nhỏ bởi phần lớn trong tổng số vốn đó là kêu gọi từ doanh nghiệp (khoảng 5.000 tỷ đồng), số còn lại của Nhà nước. Ông Bửu nhẩm tính trên đầu ngón tay: “Giá mỗi ký sâm hiện nay 30-40 triệu đồng. Mỗi ha đầu tư cho cây sâm tốn khoảng 3 tỷ đồng sau 5-7 năm, thu về 30 tỷ. Có thể nói chưa cây gì mang lại lợi nhuận lớn như sâm Ngọc Linh.
Tuy nhiên, toàn huyện hiện nay chỉ có 70 ha đất trồng sâm, diện tích còn lại quá lớn và là cơ hội quá lớn cho các doanh nghiệp”.
Cũng theo ông Bửu, hiện nay ở Hàn Quốc việc mở rộng sản xuất với những chương trình nghiên cứu hiệu quả trong phòng thí nghiệm và trên đồng ruộng, hệ thống tiếp thị được tổ chức tốt trên toàn thế giới sẽ tiếp tục đảm bảo vị trí dẫn đầu của ngành nhân sâm Hàn Quốc.
Ông Hồ Văn Hùng và củ sâm mang về từ rẫy, trị giá hơn 40 triệu đồng. |
Và theo tài liệu của VN, trên thế giới hiện nay nhân sâm đang được phân phối ở 35 nước với mức độ tiêu thụ khác nhau.
Bốn nước sản xuất nhân sâm lớn nhất là Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada và Mỹ, chiếm hơn 99% sản lượng nhân sâm toàn thế giới (88.080 tấn). Thị trường nhân sâm có giá trị ước khoảng 2,84 tỷ USD, trong đó thị trường Hàn Quốc vào khoảng 1,14 tỷ USD là thị trường phân phối nhân sâm lớn nhất thế giới.
Trong khi đó VN là một đất nước có nền khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm quanh năm. Ở đây có nhiều tiểu vùng địa hình và khí hậu đa dạng nên nguồn gốc dược liệu ở VN đa dạng về loài trong một số họ thực vật bậc cao, đa dạng về sự phân bố của các cây dược liệu quý, tại sao trồng sâm là không thể?
Ông Bửu cho rằng trong danh mục sản phẩm quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt có cây lúa và sản phẩm từ cá da trơn. “Việc cây lúa và cá da trơn giúp người miền Tây rất nhiều, tại sao miền Trung và Tây nguyên không phát triển cây sâm để người dân thoát cái nghèo dai dẳng?”, ông Bửu nói.
Cũng theo ông Bửu, việc phát triển cây sâm Ngọc Linh thành cây sâm quốc gia, thành một ngành sản xuất hàng hóa, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, đổi mới trang thiết bị trong nghiên cứu chọn tạo giống, trồng trọt, chế biến, chuyển giao công nghệ nhằm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới là điều hoàn toàn có thể.
Ông Bửu cho hay vướng nhất hiện nay là phải chờ HĐND tỉnh Quảng Nam thông qua việc cho thuê đất dưới tán lá rừng ở núi rừng Ngọc Linh. “Mọi việc đã sẵn sàng, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đã có, khi HĐND thông qua thì doanh nghiệp có thể đầu tư. Đề án cũng đã quy hoạch sẵn 19.000 ha đất dưới tán lá rừng sẵn sàng cấp cho doanh nghiệp”, ông Bửu nói.
Những đứa trẻ ở Ngọc Linh. |
Nghèo vẫn mơ xa
Theo dược sĩ Đào Kim Long, ngay cả người dân Hàn Quốc, Nhật Bản là xứ sở của sâm cũng qua VN tìm cho được sâm Ngọc Linh để chữa bệnh. Nhưng việc khai thác, mua bán và sử dụng tràn lan chưa có quy định quản lý, bảo vệ cùng các chính sách, giải pháp đầu tư, quy hoạch phát triển khiến trên 108 vùng sâm tự nhiên giữa Quảng Nam và Kon Tum dần cạn kiệt.
Trước nguy cơ tuyệt chủng của giống sâm quý, Chính phủ VN đã quyết định thành lập vùng cấm quốc gia ở khu vực có sâm mọc tập trung tại hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, đồng thời xếp sâm Ngọc Linh vào danh mục những cây thuốc quý cấm khai thác và buôn bán. Qua đó đủ thấy độ quý hiếm loài sâm này.
Ông Lê Ngọc Kích, Phó chủ tịch huyện Nam Trà My, cho rằng phát triển cây sâm Ngọc Linh thành cây hàng hóa chủ đạo để phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc tại địa bàn vùng trồng sâm là mục tiêu của đề án khôi phục và phát triển cây sâm Ngọc Linh.
Một trong các giải pháp để thực hiện mục tiêu trên là xây dựng thành công thương hiệu sâm VN cùng với việc xây dựng quy trình sản xuất các mặt hàng dược phẩm đặc hữu của quốc gia từ sâm Ngọc Linh, góp phần phát triển ngành dược và kinh tế không những của tỉnh Quảng Nam mà cả Kon Tum và vùng Tây Bắc rộng lớn.
“Thực tế hiện nay trên địa bàn huyện có rất nhiều người đã thành công, có tiền tỉ từ cây sâm. Mô hình này cần được nhân rộng và mang lại sự phồn thịnh cho người dân. Trước mắt là thoát nghèo, không những cho Quảng Nam mà nhiều vùng khí hậu tương tự trong cả nước”, ông Kích chia sẻ.
Đánh giá về đề án, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho rằng đừng mãi mơ xa xôi, trước tiên phải lo cho người dân nghèo tại chỗ. Một huyện với thiên nhiên ưu đãi cây sâm như vậy nhưng có đến 70% là hộ nghèo, thuộc diện huyện nghèo nhất nước, là một mâu thuẫn.
Vì vậy theo ông Thu, trước tiên phải tập trung xóa đói giảm nghèo cho người dân bằng cách cho cây giống, giao đất và hướng dẫn kỹ thuật cho người dân trồng sâm.
Phải mở đường để đi đến các xã khó khăn trước, sau đó mới nói chuyện doanh nghiệp, doanh nhân và xuất khẩu, thị trường trong và ngoài nước.
“Tôi cho rằng trước tiên là giao đất rừng, hỗ trợ tiền quản lý bảo vệ rừng cho dân, tính từng gốc sâm mà giao khoán quản lý. Từ đó giúp đỡ người dân cách làm ăn trước mắt thoát nghèo. Doanh nghiệp sẽ vào sau khi mọi thứ được ổn định.
Dân thoát nghèo, doanh nghiệp làm ăn được, tôi nghĩ Chính phủ cũng sẽ ủng hộ thôi”, ông Thu nói.
Cây sâm Ngọc Linh (sâm VN, sâm K5, sâm đốt trúc, cây thuốc giấu) có tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Crush thuộc họ Araliacea, là một loại cây đặc hữu của vùng núi Ngọc Linh, là cây thuốc quý hiếm của tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và của quốc gia.
Theo kết quả nghiên cứu khoa học, về mặt hóa học thân và rễ củ sâm Ngọc Linh đã phân lập được 52 saponine, trong đó có 26 saponine thường thấy ở sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật, đại diện chính của sâm Ngọc Linh là ginsenoside - Rb1, ginsenosid - Rg1, ginsenosid - Rd, majonosid-R1, majonosid-R2.
Đặc biệt majonosid-R2 chiếm 50% hàm lượng saponine toàn phần của sâm Ngọc Linh. Trong lá và cọng lá đã phân lập được 19 saponine dammaran.
Trong đó 8 saponine có cấu trúc mới. Ngoài thành phần chính là saponine, trong lá và cọng lá sâm Ngọc Linh còn xác định có 17 acid amin, 20 chất khoáng vi lượng.
Sâm Ngọc Linh là một loài cây dược liệu quý vào loại bậc nhất ở VN.