Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

The Poem

Giấc mơ tuổi trẻ lạc loài

Bài thơ “Trở về” của Đinh Hoàng Anh gieo vào lòng người những tiếc nuối, ăn năn vì năm tháng dạt trôi, bỏ xứ. Ở đó, trong định mệnh tha hương, con người nhận ra hình bóng của mình.

Ước mơ cạn

ngọn đèn cháy đen sợi bấc

Ngõ nhỏ sương bơi miên man che mờ tường rêu

***

Sương bay đưa bước chân về năm tháng ngược chiều

Còn lại căn nhà

Còn lại mái đình

Còn lại chiếc cầu ngày xưa đứt đoạn

Chỉ có mái tóc bạc như cuống rạ chiều sương

bời bời đồng khô xơ xác

Người trở về đây, mà năm tháng bỏ đi đâu...

***

Mấy chục vòng quay vần vụ bão giông

nắng đốt khô từng sợi tóc bợt màu

Xa rồi oán ân

Xa rồi ước mơ

Xa rồi bước chân hồi hộp canh khuya

tiếng chó sủa xé đêm gọi người bỏ xứ

Trả rồi tình xưa trĩu nợ

Trả rồi gió buốt đầm vai

Người trở về đây, còn tuổi trẻ lạc loài

Rơi từng mảnh cuối trời xa bầm đỏ

Trả rồi sương loang lấp ngõ

Trả rồi trăng đọng cỏ bay

Chút nghĩa quê hương là một nén nhang gầy

Người sống có về không, người chết rơi nước mắt!

***

Ước mơ cạn

ngọn đèn cháy đen sợi bấc

Ngõ nhỏ sương bơi miên man trăng nhòa người đi.

Lời bình

Trở về là nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tác văn chương nghệ thuật. Ở khoảnh khắc nào đó trên dòng đời, cái nhìn ngược chiều thời gian, làm quá khứ hiện lên vừa miên man, vừa rõ rệt, rồi bống chốc nhòa đi trong nước mắt.

Có một kẻ lãng du trong văn A. Gide từng thổn thức: Dưới mái nhà thương yêu của mẹ, con không hiểu nổi tại sao mình ra đi? Có lẽ, trong mọi sự trở về đều hàm chứa những ăn năn, tiếc nuối. Bài thơ của Đinh Hoàng Anh gợi về một tiếc nuối như thế.

Những chân trời tuổi trẻ bầm lên giấc mơ lạc loài hẳn đã có đôi lần ngoái lại. Ước mơ vơi cạn, tóc bợt nắng mưa, gió buốt đầm vai tựa vào ngõ sương những mỏi mệt đường dài, những thương nhớ phôi pha. Mọi thứ dường như đã xa xôi lắm, xa xôi như là cái chết, phảng phất như là khói hương.

Nhòa bóng người đi trong sương miên man, là người, là quá khứ, hay là ta - kẻ bỏ xứ, sau khoảnh khắc trở về?

Về trong cô đơn

Bài thơ “Cô đơn” của Nguyễn Bảo Chân là khoảnh khắc nhân vật trữ tình nhận ra mình sau cuộc tình không thành, ước mơ đã tắt. Dẫu vậy, trong sâu thẳm vẫn ấm một niềm hi vọng.

Tan theo giấc mơ thiếu nữ

“Đoản khúc mưa” của Vũ Dy dẫn ta vào miền hoài niệm, nơi những giấc mơ từng hiện hữu và tan đi. Trở về, lòng ta hoang vu.

Đinh Hoàng Anh

Bạn có thể quan tâm