Ai Cập đã không vượt qua được thử thách lớn nhất kể từ sau khi nhà độc tài Hosni Mubarak bị lật đổ ngày 25/1/2011. Những giá trị thường xuyên được nhắc đến như đoàn kết, yêu nước, dân chủ… đều sụp đổ cùng với máu của người Hồi giáo trong sự kiện được truyền thông phương Tây gọi là “thảm sát Cairo”, bắt đầu lúc 6h sáng qua giờ địa phương.
Máu thường dân Ai Cập vẫn đổ vì xung đột chính trị. |
Trên thực tế, người Hồi giáo đã giành được quyền lãnh đạo đất nước Ai Cập một cách công bằng và dân chủ thông qua việc bỏ phiếu. Thế nên, dù họ phạm những sai lầm trong quá trình lãnh đạo, quân đội Ai Cập cũng không có quyền lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi. Bên cạnh đó, hành động trấn áp mạnh tay đối với biểu tình của nhà chức trách càng khiến Ai Cập chìm sâu trong rối ren và hận thù.
Ở thời điểm hiện tại, con số 100, 200 hay 300 người chết đều trở nên nhạt nhòa với hàng chục triệu người Ai Cập khi họ biết rằng, con đường mà các nhà chức trách gọi là dân chủ thấm đẫm máu thường dân, những người mất mạng vì đạn đồng và sự tàn bạo trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình với lực lượng an ninh quốc gia.
Giới truyền thông đưa tin, cả những người ủng hộ tổ chức Huynh đệ Hồi giáo và chính phủ lâm thời đều vác súng trường tấn công Kalashnikov (AK) xuống đường phố Cairo, sẵn sàng nhả đạn vào những người bất đồng. Lực lượng an ninh thu rất nhiều vũ khí. Phần lớn chúng đã được dùng để cướp mạng sống của chính những người Ai Cập.
Số người thiệt mạng lên tới 270 cùng hành động nã đạn vào đám đông biểu tình của những phần tử quá khích khiến Ai Cập lún sâu vào thù hận. |
Đụng độ liên tiếp ở Ai Cập suốt 2 năm qua đã tạo ra một bộ phận người tàn ác trong xã hội. Tồn tại trong mọi đảng phái, bộ phận này coi những người bất đồng là kẻ thù và không ngần ngại tham gia những cuộc đụng độ, bất chấp hậu quả nghiêm trọng cho bản thân và những người xung quanh.
Đau thương, mất mát khiến sự căm hờn và oán hận gần như phủ bóng toàn bộ các cuộc đụng độ ở thủ đô Cairo. Giới cầm quyền sẽ cần tới vài năm để hàn gắn bất đồng giữa những người cánh tả và phe thế tục, giữa người Thiên chúa và người Hồi giáo dòng Sunni, giữa thường dân với cảnh sát hay giữa tổ chức Huynh đệ Hồi giáo với quân đội.
Trên thực tế, cuộc cách mạng ở Ai Cập vẫn còn nhưng tính chất thiêng liêng đã chết sau “thảm sát Cairo”. Máu thường dân vô tội vẫn đổ, tình hình chính trị - xã hội rối ren trong khi nền kinh tế ngày càng trì trệ đẩy cuộc sống của người dân Ai Cập lún sâu vào vũng bùn bi thảm.Khi người Hồi giáo, binh sĩ, lãnh đạo quân đội và những người ủng hộ chính phủ lâm thời đều là con dân Ai Cập, sự thù hận giữa họ chính là vết thương lớn trong nội tại quốc gia đông dân nhất thế giới Ả Rập.