Tháng 10/2019, Lê Thanh Tùng giành vé tới Olympic 2020. Anh trở thành người Việt Nam thứ 2 có vinh dự góp mặt tại Thế vận hội lần thứ 32, sau kình ngư Nguyễn Huy Hoàng. Người tiếp theo của thể dục dụng cụ (TDDC) Việt Nam góp mặt tại Tokyo là Đinh Phương Thành. Anh được Liên đoàn Thể dục Thế giới (FIG) chỉ định là một trong hai VĐV cuối của châu Á đạt chuẩn, sau khi giải TDDC châu Á 2021 bị hủy hồi tháng 4.
Ngày Thanh Tùng đoạt vé tới Olympic, từ Đức, nơi diễn ra Giải Thể dục dụng cụ Thế giới 2019, HLV Trương Minh Sang thông báo tin vui ngắn gọn nhưng đầy cảm xúc: "Lần đầu tiên đội tuyển TDDC nam vào được chung kết giải Vô địch Thế giới, xếp 5/8 VĐV, bên cạnh đó cũng giành tấm vé tới Olympic 2020".
Đây không phải lần đầu tiên TDDC Việt Nam có 2 VĐV góp mặt tại Olympic, kể từ lần đầu tham dự năm 1981. Song, Olympic 2020 là lần đầu tiên cả hai VĐV giành được vinh dự này đều là nam. Đây thực sự là một giấc mơ có thật của thầy trò bộ môn đặc thù này.
Đinh Phương Thành từng thi đấu chói sáng tại SEA Games 30. Ảnh: Thuận Thắng. |
Chặng đường gian nan
Đạt chuẩn và được góp mặt tại Olympic là mục tiêu mọi VĐV đều hướng đến, nhưng không phải ai cũng có vinh dự này. Để làm được điều đó, Phương Thành và Thanh Tùng có những chặng đường, cách thức khác nhau. Song, cả hai có điểm chung là phải vượt qua vô vàn gian nan trong thời gian dài, có khi là cả quãng đời VĐV.
Phương Thành đến với TDDC có lẽ bởi sự tình cờ và gắn bó với nó bởi một chữ duyên. Những năm đầu 2000, đội TDDC trẻ Hà Nội tập luyện tại cung thể thao Quần Ngựa. Cậu bé Phương Thành nhỏ gầy, hay ốm vặt, sống cùng gia đình cách đó không xa. Gia đình đưa Thành đến tập luyện chỉ để bớt ốm vặt.
Thế rồi, HLV Trương Tuấn Hiền, người bây giờ là HLV trưởng đội tuyển TDDC Việt Nam, phát hiện ra những tố chất của cậu bé chỉ tập nhờ cho khỏe. Bằng nhiều cách và rất nhiều công sức, ông Hiền mới thuyết phục được gia đình để Thành đi theo con được VĐV chuyên nghiệp.
Bước đầu tiên trong con đường VĐV của Phương Thành là chuyến tập huấn kéo dài 8 năm tại Trung Quốc. Chuyến đi này không thực sự vẹn toàn với VĐV sinh năm 1995 bởi có khoảng thời gian, anh phải trở về Hà Nội chữa bệnh, rồi tiếp tục quay lại chuyến tập huấn.
Sau khi giành HCV SEA Games 2019 nội dung xà kép, Đinh Phương Thành bày tỏ khát khao được dự Olympic dù chỉ một lần và lúc này, anh đang là đại diện cho cả nền thể thao Việt Nam tại Tokyo, cùng 17 VĐV khác.
Bằng tuổi Phương Thành, người đồng đội Lê Thanh Tùng sẽ cùng tranh tài tại Olympic với nội dung mục tiêu là nhảy chống. Nam VĐV người TP.HCM đã sống chung với chấn thương từ khi mới 14 tuổi và mỗi buổi tập hay thi đấu, anh cần thời gian gấp đôi VĐV khác để khởi động, nếu không muốn đều bất trắc xảy ra. Hơn 10 năm "sống chung với lũ", Thanh Tùng giờ đây đã quá quen và "thành bạn" với những chấn thương đang mang trong người.
“Khi vui thì nó ít đau để mình tập luyện và thi đấu tốt. Khi buồn thì nó đau nhiều, mình lại phải nghỉ tập. Những vết thương kiểu này không có quy luật gì cả nên mình phải cố gắng sống chung và chấp nhận nó”, anh chia sẻ với Zing trước Asian Games 2018.
Ngày Thanh Tùng giành vé tới Tokyo, HLV Trương Minh Sang tâm sự: "Chuyến đi này phải nói là cực kỳ vất vả, đoàn gặp rất nhiều chuyện. Nhưng đổi lại là có được kết quả trên cả tuyệt vời".
Thanh Tùng là VĐV nhảy chống hàng đầu châu Á hiện nay. Ảnh: Minh Chiến. |
Lần đầu trong lịch sử
Sau 40 năm tham dự đấu trường danh giá nhất của thể thao thế giới, thể thao Việt Nam từng có không ít VĐV TDDC tham dự với tư cách VĐV đạt chuẩn, thay vì nhận suất đặc cách. Đỗ Thị Ngân Thương, Phan Thị Hà Thanh hay Phạm Phước Hưng, những VĐV kỳ cựu đều từng tham dự đấu trường danh giá này.
Olympic Rio 2016, TDDC có 2 VĐV Phước Hưng và Hà Thanh tham dự với tư cách VĐV đạt chuẩn khi hoàn thành phần thi vòng loại diễn ra tại Brazil. Cặp VĐV này có lần thứ 2 tham dự Thế vận hội.
Phương Thành và Thanh Tùng được coi là tiêu biểu của thế hệ VĐV tiếp theo, nối tiếp những thành công của "Thế hệ vàng" ở môn TDDC. 5 năm sau giải đấu tại Rio, Phan Thị Hà Thanh đã giải nghệ và làm công tác huấn luyện, Phạm Phước Hưng thì xin ra khỏi biên chế và có con đường đi riêng của mình.
Đây cũng là thời điểm lứa VĐV của Thành và Tùng đã "đủ lông đủ cánh" với sự trui rèn ở nhiều giải đấu lớn bé. Thành tích 2 HCV , 2 HCB và 7 HCĐ tại SEA Games 30 hồi 2019 là dấu ấn khẳng định cho sự trưởng thành cho lứa VĐV tiềm năng ngày nào.
Ngày Thanh Tùng lọt vào chung kết thế giới, qua đó ghi tên mình vào top 98 VĐV TDDC thế giới, HLV Trương Minh Sang nhấn mạnh: "Giấc mơ đã thành sự thật" trong những dòng báo tin vui về nước.
Nói về sự phát triển của TDDC ông Nguyễn Hồng Minh, Nguyên vụ trưởng Vụ thể thao Thành tích cao (Ủy ban Thể dục Thể thao), Nguyên tổng thư ký Liên đoàn Thể dục Việt Nam bày tỏ sự tự hào về những gì những lớp đi sau đã làm được.
"20 năm trước, suất dự Olympic của TDDC có thể nói là giấc mơ với chúng tôi. Olympic Bắc Kinh 2008, Ngân Thương góp mặt nhưng với tư cách là người được mời, sau những thành tích tại SEA Games. Đến Olympic 2020, chúng ta đã có 2 VĐV, đều đạt chuẩn. Đáng nói hơn, họ cùng là nam", ông nói.
Thành và Tùng đã cùng nhau tạo nên kỳ tích mới cho TDDC Việt Nam và trước mặt hai VĐV này là những mục tiêu mới, ngay tại Tokyo 2020. HLV Trương Minh Sang cho biết mục tiêu của TDDC Việt Nam tại kỳ Thế vận hội lần này là cố gắng vì mục tiêu cao nhất là vào chung kết, trước khi có những tính toán tiếp theo.
Nếu hoàn thành mục tiêu, TDDC Việt Nam sẽ có lần đầu tiên góp mặt tại chung kết Olympic. Dù đặt mục tiêu như vậy, song theo ông Sang, Thành và Tùng cần "chậm mà chắc", làm tốt kết quả từng bước để giành điểm số cao ở vòng loại trước đã.