Theo khảo sát của Zing, trong suốt giai đoạn từ 10/10 đến 22/10, toàn bộ các chuyến bay chiều từ Hà Nội đi TP.HCM đều đang có giá vé kịch trần gần 3,6 triệu đồng đã bao gồm thuế phí. Tương tự, ở chiều TP.HCM đi Hà Nội, giá vé rẻ nhất cũng liên tục ở mức 3,5-3,6 triệu đồng trong giai đoạn từ 10/10 đến 21/10.
Mỗi chuyến bay cũng không còn nhiều vé ở mức giá này và nếu hết vé, hành khách sẽ phải mua vé hạng thương gia, hiện ở mức 7,6 triệu đồng một chiều đã bao gồm thuế phí.
Toàn bộ các chuyến bay trên trục TP.HCM - Hà Nội giai đoạn này được thực hiện bởi Vietnam Airlines. Giá vé tăng cao do trong giai đoạn thí điểm giới hạn ở mức 1 chuyến khứ hồi/ngày cùng yêu cầu mỗi chuyến bay chỉ chở tối đa 50% lượng ghế nên lượng cung đang rất thấp trong khi nhu cầu di chuyển của hành khách bị dồn nén.
Giá vé nhiều chuyến bay nội địa sau ngày 10/10 đã tăng kịch trần, nhiều ngày thậm chí đã bán hết vé. Ảnh: Chí Hùng. |
Chặng bay TP.HCM - Đà Nẵng cũng đã mở bán vé với mức giá dễ thở hơn trục vàng TP.HCM - Hà Nội. Giai đoạn giữa tháng 10, giá vé khứ hồi đã bao gồm thuế phí trên chặng bay này dao động trong khoảng 2,5 đến 2,9 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều ngày bay đã hết vé một trong hai chiều bay.
Đến cuối tháng 10, giá vé tăng lên mức 5,2 đến 6,7 triệu đồng khứ hồi đã bao gồm thuế phí, thậm chí có ngày lên tới 8,6 triệu đồng cho vé khứ hồi.
Với chặng bay 1 chiều từ Hà Nội đi Đà Nẵng, giai đoạn 10/10 đến 16/10 đã ghi nhận nhiều ngày bay bán hết vé, trong khi những ngày còn lại giá vé dao động trong khoảng 790.000 đồng đến 2,5 triệu đồng đã bao gồm thuế phí. Ở chiều ngược lại giá vé giao động từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng.
Dù giá vé cao, nhiều hãng bay nhận định các chuyến bay trong giai đoạn thí điểm đầu tiên này sẽ không thể có lãi.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó giám đốc Bamboo Airways, cho rằng các hãng hàng không sẽ không thể khai thác có lãi, nhất là trong điều kiện mỗi chuyến bay chỉ chở 50% số khách và mỗi đường bay chỉ khai thác một chuyến/ngày.
"Dù giá vé có kịch trần cũng không thể lãi được, nhìn thấy trước là lỗ", ông Trọng chia sẻ.
Ngoài nguyên nhân giá vé cao, nhiều hành khách cũng đang ngần ngại trong việc bay nội địa trở lại do quy định cách ly 7 ngày với hành khách tới Hà Nội.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết chuyến bay thương mại từ TP.HCM đi Hà Nội ngày 10/10 chưa thể triển khai do Hà Nội chưa hướng dẫn cụ thể về phương án cách ly hành khách, đơn cử như việc khách sẽ được đưa từ sân bay về nơi cách ly như thế nào.
Bamboo Airways cũng cho biết chuyến bay Điện Biên - Hà Nội trong ngày 10/10 chưa thể triển khai do Hà Nội chưa đồng ý tiếp nhận. Hãng hàng không VietJet cũng chưa khai thác chuyến bay Đà Nẵng - Hà Nội trong ngày 10/10 với lý do tương tự.
Ngày 9/10, Cục Hàng không Việt Nam ban hành kế hoạch phân bổ suất bay (slot) nội địa cho các hãng hàng không trong giai đoạn từ ngày 10 đến ngày 20/10.
Trong đó, chặng bay Hà Nội - TP.HCM được Cục Hàng không giao hết slot cho Vietnam Airlines. Hãng hàng không Quốc gia sẽ khai thác chặng bay này từ ngày 10/10 đến 20/10 với tần suất một chuyến khứ hồi/ngày.
Ngoài ra, Vietnam Airlines được khai thác toàn bộ 3 chặng bay khác gồm TP.HCM - Rạch Giá, Thanh Hóa - Lâm Đồng và TP.HCM - Cà Mau.
VietJet Air được giao khai thác toàn bộ chặng Đà Nẵng - Cần Thơ và TP.HCM - Gia Lai. Bamboo Airways được giao khai thác toàn bộ chặng Đà Nẵng - Đắk Lắk và Hà Nội - Điện Biên.
Ngoài 8 đường bay được "độc quyền" cho từng hãng như trên, Cục Hàng không chia slot của 12 đường bay còn lại theo tỷ lệ 5-3-2-1. Cụ thể với mỗi đường bay, trong 11 ngày, Vietnam Airlines được bay 5 ngày, VietJet bay 3 ngày, Bamboo 2 ngày và Pacific Airlines 1 ngày.
Trong tổng số 220 chuyến bay khứ hồi được khai thác trong giai đoạn này, Vietnam Airlines được bay 104 chuyến, VietJet bay 58 chuyến, Bamboo bay 46 chuyến và Pacific Arlines bay 12 chuyến.