Thị trường vàng thế giới đã khép lại tuần giao dịch giữa tháng 7 với phiên giảm sâu ngày 16/7 (giờ Mỹ).
Theo đó, sau đà tăng nhiều phiên liên tiếp từ đầu tuần, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới đêm qua đã quay đầu giảm xuống đóng cửa ở mức 1.812,2 USD/ounce, thấp hơn 17,2 USD so với cuối phiên liền trước. So với cuối tuần trước, giá vàng hiện tại chỉ còn cao hơn khoảng 5 USD.
Trên sàn Comex, giá hợp đồng vàng tương lai giao tháng 8 tuần này cũng đóng cửa ở 1.812,5 USD/ounce, thấp hơn 16,5 USD so với phiên 15/7 (giờ Mỹ), tương đương mức giảm ròng 0,9% trong ngày.
Đáng chú ý, trước phiên giảm sâu đêm qua, giá vàng thế giới đã giao dịch tích cực trong cả tuần với đà tăng liên tiếp.
Từ vùng giá thấp nhất 1.750 USD/ounce hồi cuối tháng 6, giá vàng thế giới đã tăng liên tục lên mức 1.834 USD/ounce vào phiên 15/7. Mốc giá này cũng cao hơn nhiều so với đường trung bình động 200 ngày gần nhất của vàng và nằm ngay dưới mức trung bình động 50 ngày.
Giá vàng thế giới quay đầu giảm sâu phiên 15/7 (giờ Mỹ) sau 2 tuần tăng giá liên tiếp. Ảnh: Bloomberg. |
Đà tăng của vàng thời gian qua đến chủ yếu từ việc các cơ quan của Mỹ công bố chỉ số liên quan tỷ lệ lạm phát tại nền kinh tế này.
Trong đó, Cục Thống kê Lao động cho biết mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đến cuối tháng 6 năm nay đã đạt 5,4%, cao nhất kể từ năm 2008 đến nay. Chỉ số này cũng cao hơn nhiều so với dự báo của các chuyên gia kinh tế trong các cuộc thăm dò trước đó.
Trong khi đó, chỉ số đo lường tỷ lệ lạm phát thường xuyên được Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sử dụng là PCE (chỉ số chi tiêu cho tiêu dùng cá nhân) đến cuối tháng 6 cũng là 3,4%, cao hơn nhiều so với mức 2% theo kế hoạch của FED.
Cùng với đó, Chủ tịch FED Jerome Powell mới đây cũng đã khẳng định tỷ lệ lạm phát kể trên chỉ là tạm thời và sẽ là một sai lầm nếu FED can thiệp sớm vào thị trường tiền tệ để cân bằng lại tỷ lệ lạm phát.
Điều này đồng nghĩa với việc FED sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng với việc tiếp tục mua nợ 120 tỷ USD/tháng và duy trì lãi suất điều hành ở mức gần 0%.
Do vậy, các chuyên gia cho rằng hành động của nhà đầu tư trong phiên giảm mạnh của vàng vừa qua chủ yếu bị tác động do tâm lý chốt lời khi giá kim quý đã tăng gần 5% chỉ trong 2 tuần.
Trong khi đó, các trợ lực vĩ mô của kim loại quý vẫn còn và sẽ hỗ trợ mặt hàng này trong những tuần tiếp theo.
Trong khi giá vàng thế giới chịu tác động giảm sâu, giá trong nước phiên cuối tuần sáng nay (17/7) lại không có biến động so với hôm qua, hiện vẫn phổ biến được bán ra ở mức 57,5 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) hiện niêm yết giá vàng miếng khu vực TP.HCM ở mức 56,85 - 57,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100.000 đồng giá mua và không thay đổi giá bán so với cuối ngày hôm qua. Hiện đây vẫn là vùng giá cao nhất mà SJC niêm yết với mặt hàng này từ đầu năm.
Tương tự, giá vàng SJC bán ra tại Hà Nội hiện vẫn phổ biến ở 57,52 triệu/lượng, không thay đổi so với cuối ngày hôm qua và vẫn cao hơn 600.000 đồng so với cuối tháng 6.
Trong sáng nay, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng niêm yết giá vàng miếng ở 56,85 triệu/lượng (mua) và 57,5 triệu/lượng (bán), tăng 100.000 đồng giá mua.
Trong khi đó, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hiện chấp nhận mua vào vàng miếng với giá 56,8 triệu/lượng, giảm 50.000 đồng với chiều ngày 16/7. Giá bán ra tại đây hiện phổ biến ở 57,5 triệu đồng/lượng, cũng thấp hơn 50.000 đồng.
Hiện một ounce vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt có giá 50,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn trong nước tới 7,1 triệu đồng.