Giá vàng trong nước quay đầu tăng trong phiên giao dịch cuối tuần. Ảnh: Y Kiện. |
Trong phiên giao dịch sáng 8/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới biến động quanh vùng 1.924 USD/ounce, tăng 15 USD so với đóng cửa phiên hôm qua. Quy đổi ra tiền Việt (chưa bao gồm thuế, phí) giá vàng thế giới hiện tương đương khoảng 55,25 triệu đồng/lượng.
Trong phiên giao dịch cuối tuần này, giá vàng thế giới giao ngay đã đảo chiều tăng vọt khi báo cáo mới nhất công bố cho thấy tăng trưởng việc làm tại Mỹ đã giảm tốc trong tháng 6, khiến thị trường lao động yếu đi một phần. Điều này một lần nữa đặt ra bài toán với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và tránh suy giảm kinh tế.
Theo công cụ CME FedWatch của CME Group - sàn giao dịch có trụ sở tại Chicago (Mỹ) - các thị trường dự báo 89% khả năng Fed sẽ tăng 25 điểm cơ bản lãi suất trong cuộc họp tháng 7, sau khi tạm dừng vào tháng trước. Giá vàng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ vì sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc giữ vàng.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư thế giới vẫn đang tin tưởng vào kim loại quý.
Còn ở thị trường trong nước, trong phiên giao dịch cuối tuần hôm nay, giá vàng cũng tăng nhẹ theo đà đi lên của thế giới. Trong đó, giá vàng miếng SJC đã hồi phục về mốc 67,15 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng nhẫn 9999 tăng 150.000-200.000 đồng để neo tại vùng 56,3 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) hiện niêm yết giá vàng miếng ở mức 66,45-67,15 triệu/lượng (mua vào - bán ra), đi ngang ở chiều mua và tăng 100.000 đồng ở chiều bán so với chốt phiên hôm qua (7/7).
Trong tuần này, giá vàng miếng SJC không ghi nhận biến động mạnh, chỉ có 2 đợt giảm giá khoảng 50.000 đồng/lượng xuống vùng thấp 66,95 triệu/lượng. Tuy nhiên, đà hồi phục ghi nhận vào cuối tuần đã một lần nữa đưa giá bán mặt hàng này vượt mốc 67 triệu đồng/lượng.
Mức giá được giao dịch trong phiên sáng nay cũng là vùng giá cao nhất mà vàng miếng SJC ghi nhận được trong tuần này. So với cuối tuần trước, giá vàng SJC hiện vẫn thấp hơn 100.000 đồng/lượng, cộng với chênh lệch giá mua - bán SJC đưa ra, người mua vàng vàng đang ghi nhận khoản lỗ hơn 600.000 đồng/lượng sau một tuần đầu tư.
Cũng trong hôm nay, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng miếng ở mức 66,45 - 67,05 triệu/lượng, đi ngang cả 2 chiều so với phiên liền trước. Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá vàng miếng ở 66,5 - 67 triệu/lượng, tăng 50.000 đồng; Công ty Bảo Tín Minh Châu đưa ra mức giá 66,46 - 67,03 triệu/lượng, giảm 40.000 đồng chiều mua và đi ngang ở chiều bán so với phiên liền trước.
Với mặt hàng vàng nhẫn 24K 9999, trong phiên sáng nay, giá giao dịch các doanh nghiệp đưa ra chủ yếu tăng từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng/lượng. Trong đó, giá vàng nhẫn loại 99,99% tại SJC hiện được mua vào ở mức 55,2 triệu/lượng và bán ra ở 56,2 triệu đồng, tăng 100.000 đồng so với phiên liền trước.
Mặt hàng vàng nhẫn SJC tuần này cũng ghi nhận nhiều đợt biến động trái chiều, tuy nhiên so với cuối tuần trước, giá giao dịch hiện tại cũng đang thấp hơn 100.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua - bán. Người mua vàng nhẫn SJC tuần trước đến nay đang chịu khoản lỗ hơn 1,1 triệu đồng/lượng.
Tại PNJ, giá vàng nhẫn phiên cuối tuần cũng ghi nhận xu hướng tăng 200.000 đồng/lượng, trong đó chấp nhận mua vào ở 55,25 triệu/lượng và bán ra ở 56,3 triệu đồng. Tương tự, giá vàng Rồng Thăng Long tại Bảo Tín Minh Châu hiện phổ biến ở 55,63 - 56,48 triệu/lượng, tăng 150.000 đồng ở cả hai chiều.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.