Giá vàng thế giới tiếp tục trượt dài sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản họp tháng 6. Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 6/7, giá vàng đã rơi một mạch từ hơn 1.934 USD/ounce xuống dưới 1.916 USD/ounce, trước khi bật tăng lên hơn 1.922 USD/ounce.
Tình hình kinh tế vĩ mô tại Mỹ vẫn đang đè nặng lên thị trường kim loại quý. Trước đó, dù giá vàng đã phục hồi phần nào, các chuyên gia vẫn nhận thấy không có bất cứ động lực bền vững nào đứng sau đà tăng của loại tài sản này.
"Các ngân hàng trung ương vẫn đang quyết liệt trong cuộc chiến chống lạm phát. Họ cần phải tìm được những bằng chứng rõ ràng cho thấy lạm phát đã bước vào một đà giảm bền vững", ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích tài chính cấp cao có trụ sở ở Anh - nhận định.
Theo biên bản họp mới được Fed công bố, hầu hết quan chức của ngân hàng trung ương đều chỉ ra khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa. Điều này sẽ triệt tiêu sức hấp dẫn của kim loại quý, vốn là tài sản không được trả lãi.
Biến động của giá vàng trong 24 giờ qua. Ảnh: Trading Economics. |
Quyết định được đưa ra trong cuộc họp tháng 6 của Fed đã khiến các thị trường bối rối. Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - nhất trí tạm dừng tăng lãi suất sau khi nâng liên tiếp 10 lần trong vòng 15 tháng.
Tuy nhiên, các quan chức Fed lại phát đi tín hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất 2 lần nữa trong năm nay, mỗi lần 0,25 điểm phần trăm. Giá vàng nhanh chóng bốc hơi sau thông tin này.
Theo biên bản họp, các quan chức quyết định không tăng lãi suất vì những lo ngại về tăng trưởng kinh tế. Nhưng hầu hết đều tin rằng sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong những cuộc họp tiếp theo.
Trong bài phát biểu một tuần sau cuộc họp chính sách, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng nhấn mạnh rằng ngân hàng trung ương "vẫn còn một chặng đường dài phía trước" để đưa lạm phát về mức mục tiêu.
Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều giảm nhẹ sau khi Fed công bố biên bản họp. Kết thúc phiên 5/7, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 129,83 điểm, tương đương 0,38%. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt 8,77 điểm (-0,2%) và 25,12 điểm (-0,18%).
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.