Thị trường kim loại quý vẫn chưa ngừng trồi sụt. Theo Trading Economics, ngày 7/7 (giờ Việt Nam), giá vàng đã rơi một mạch xuống 1.910,9 USD/ounce, giảm từ mức cao 1.926,9 USD/ounce ngày 6/7 và 1.932 USD/ounce ngày 5/7.
Trong vòng 24 giờ qua, giá vàng có lúc rớt xuống 1.904,7 USD/ounce. Thị trường kim loại quý bị đè nặng bởi các dữ liệu kinh tế vĩ mô mới nhất.
Báo cáo của ADP cho thấy khu vực kinh tế tư nhân của Mỹ tạo ra 497.000 việc làm trong tháng 6. Con số này gấp đôi dự báo của giới quan sát và giáng thêm đòn vào nỗ lực kìm hãm lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Với 10 đợt tăng lãi suất liên tục kể từ tháng 3 năm ngoái, ngân hàng trung ương Mỹ muốn đánh đổi tăng trưởng kinh tế và việc làm để hạ nhiệt lạm phát. Tăng trưởng tiền lương do cung lao động không theo kịp cầu sẽ tạo ra vòng xoáy lạm phát - tiền lương nguy hiểm.
Với dữ liệu mới nhất về thị trường việc làm, giới quan sát càng tin chắc rằng Fed sẽ buộc phải tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng này. Tháng trước, ngân hàng trung ương đã giữ nguyên lãi suất nhưng phát đi tín hiệu về 2 lần nâng nữa trong năm nay, mỗi lần 0,25 điểm phần trăm.
Biến động của giá vàng trong vòng 24 giờ qua. Ảnh: Trading Economics. |
Hơn nữa, theo biên bản họp mới được Fed công bố, hầu hết quan chức của ngân hàng trung ương đều chỉ ra khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa. Điều này sẽ triệt tiêu sức hấp dẫn của kim loại quý, vốn là tài sản không được trả lãi.
Trong bài phát biểu một tuần sau cuộc họp chính sách, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng nhấn mạnh rằng ngân hàng trung ương "vẫn còn một chặng đường dài phía trước" để đưa lạm phát về mức mục tiêu.
Ngay cả vai trò trú ẩn an toàn của kim loại quý đã trở nên mờ nhạt nhờ khả năng chống chịu của kinh tế Mỹ. Thị trường vàng thường hưởng lợi trực tiếp trong bối cảnh bất ổn kinh tế.
Nhưng trong quý I, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với ước tính trước đó. Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, GDP quý I tăng trưởng 2% so với cùng kỳ năm 2022, vượt xa ước tính trước đó là 1,3%.
Khả năng chi tiêu của người tiêu dùng nước này vẫn còn mạnh mẽ, dù các nhà kinh tế chỉ ra tăng trưởng kinh tế của Mỹ đã giảm tốc trong những tháng gần đây.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.