Giới quan sát liên tục đưa ra dự báo về những kỷ lục mới của giá vàng. Ảnh: Reuters. |
Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 13/1 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đã xuyên thủng ngưỡng 1.900 USD/ounce, chạm mốc 1.908 USD/ounce, đánh dấu mức cao nhất kể từ cuối tháng 4 năm ngoái.
Giá kim loại quý cách mức đỉnh 2.054 USD/ounce (thiết lập ngày 8/3/2022) không còn xa. Mỗi ounce vàng chỉ cần tăng giá gần 150 USD để phá vỡ kỷ lục. Trong khi đó, giới quan sát tin rằng đà tăng mạnh mẽ của vàng sẽ kéo dài.
Hồi đầu năm ngoái, giá vàng mất chưa tới một tháng để tăng từ mốc hiện tại (1.908 USD/ounce) lên mức cao nhất mọi thời đại.
Vàng chủ yếu được giao dịch trên thị trường phi tập trung của London, thị trường kỳ hạn tại Mỹ và sàn giao dịch Thượng Hải. Giá vàng do Trading Economics theo dõi dựa trên cả các công cụ tài chính phi tập trung (OTC) và hợp đồng chênh lệch (CFD).
Giá vàng có lúc tiến sát ngưỡng 1.910 USD/ounce trong vòng 24 giờ qua. Ảnh: Trading Economics. |
Trên đà trở lại mức kỷ lục
Trong cuộc phỏng vấn với Zing cách đây 2 ngày, ông Edward Moya - chuyên gia tài chính có trụ sở ở Mỹ - dự báo giá vàng sẽ tăng vọt nếu báo cáo CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tháng 12 của Mỹ cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt. Và điều đó đã xảy ra.
Theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 12/1, trong tháng 12/2022, CPI tại Mỹ đã ghi nhận mức giảm hàng tháng mạnh nhất kể từ đầu đại dịch, và mức tăng hàng năm thấp nhất trong hơn một năm. Trong đó, giá xăng và giá xe đã qua sử dụng - hai trong số những yếu tố chính thúc đẩy lạm phát - đều lao dốc.
"Phố Wall đang lạc quan hơn về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất sau báo cáo lạm phát tháng 12 của Mỹ. Các số liệu chỉ ra áp lực lạm phát đã giảm bớt", ông Edward Moya bình luận với Zing.
Giá vàng đang trên đà lấy lại mức kỷ lục. Ảnh: Trading Economics. |
"Lạm phát không giảm trên diện rộng, nhưng nó đã hạ nhiệt khi các đợt tăng lãi suất của Fed trong năm ngoái tác động lên nền kinh tế", vị chuyên gia lập luận.
Theo ông, Fed dường như đã sẵn sàng giảm tốc độ tăng lãi suất còn 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp ngày 1/2, sau đó tiếp tục theo dõi các dữ liệu kinh tế đưa ra quyết định trong cuộc họp tháng 2 và 3.
Việc Fed giảm tốc độ tăng lãi suất sẽ thúc đẩy giá vàng. Bởi kim loại quý sẽ trở nên kém hấp dẫn khi lãi suất tăng cao, vốn làm tăng chi phí cơ hội của vàng.
Giá vàng sẽ tăng tới đâu?
Bà Susan M. Collins - Chủ tịch Fed chi nhánh Boston - tiết lộ bà nghiêng về khả năng tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm. "Điều này rất có thể sẽ được các quan chức FOMC - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - đồng tình", ông Moya nhận định.
Ông Patrick Harker - Chủ tịch Fed chi nhánh Philadelphia - cũng ủng hộ việc nâng 0,25 điểm phần trăm và báo hiệu rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm một vài lần nữa trong năm nay.
Ông Ole Hansen - Trưởng bộ phận Chiến lược hàng hóa tại ngân hàng đầu tư Saxo (Đan Mạch) - dự đoán giá vàng giao ngay có thể vượt ngưỡng 3.000 USD/đồng vào năm 2023.
Fed có thể "ôn hòa" trong các chính sách tiền tệ hơn sau một loạt dấu hiệu cho thấy lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt. Ảnh: Reuters. |
Còn theo ông Eric Strand - quản lý tại AuAg ESG Gold Mining ETF - giá kim loại quý có thể tăng vượt ngưỡng 2.100 USD/ounce và tăng ít nhất 20% trong năm 2023.
"Chúng tôi tin rằng các ngân hàng trung ương sẽ chuyển hướng trong việc tăng lãi suất và trở nên ôn hòa hơn vào năm nay. Điều này sẽ giúp thị trường vàng bùng nổ trong nhiều năm tới", ông dự báo.
Giá dầu cũng hưởng lợi sau báo cáo lạm phát của Mỹ. Trong vỏn vẹn 24 giờ, giá đã tăng vọt từ dưới 83,75 USD/thùng lên 84,9 USD/thùng, mức cao nhất 10 ngày.
Mời độc giả đón đọc gợi ý về các cuốn sách kinh tế thế giới tại Tủ sách kinh tế thế giới. Các cuốn sách cung cấp các thông tin hấp dẫn về các doanh nhân, triết lý kinh doanh, quy luật kinh tế, khủng hoảng tài chính, tiêu dùng cá nhân...