Giới quan sát cho rằng Fed dường như đã sẵn sàng giảm tốc độ tăng lãi suất còn 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp ngày 1/2. Ảnh: Reuters. |
"Phố Wall đang lạc quan hơn về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất sau báo cáo lạm phát tháng 12 của Mỹ. Các số liệu chỉ ra áp lực lạm phát đã giảm bớt", ông Edward Moya - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở London) - bình luận với Zing.
"Xu hướng lạm phát rõ ràng vẫn còn nguyên vẹn. Chi phí nhiên liệu lao dốc đã mang lại đợt sụt giảm sau 2 năm rưỡi", ông nói thêm.
"Lạm phát không giảm trên diện rộng, nhưng nó đã hạ nhiệt khi các đợt tăng lãi suất của Fed trong năm ngoái tác động lên nền kinh tế", vị chuyên gia lập luận.
Phố Wall lạc quan
Theo ông, Fed dường như đã sẵn sàng giảm tốc độ tăng lãi suất còn 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp ngày 1/2, sau đó tiếp tục theo dõi các dữ liệu kinh tế đưa ra quyết định trong cuộc họp tháng 2 và 3.
Bà Susan M. Collins - Chủ tịch Fed chi nhánh Boston - tiết lộ bà nghiêng về khả năng tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm. "Điều này rất có thể sẽ được các quan chức FOMC - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - đồng tình", ông Moya nhận định.
Ông Patrick Harker - Chủ tịch Fed chi nhánh Philadelphia - cũng ủng hộ việc nâng 0,25 điểm phần trăm và báo hiệu rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm một vài lần nữa trong năm nay.
USD lao dốc sau báo cáo lạm phát tháng 12 của Mỹ. Ảnh: Trading Economics. |
Theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 12/1, trong tháng 12/2022, CPI tại Mỹ đã ghi nhận mức giảm hàng tháng mạnh nhất kể từ đầu đại dịch, và mức tăng hàng năm thấp nhất trong hơn một năm. Trong đó, giá xăng và giá xe đã qua sử dụng - hai trong số những yếu tố chính thúc đẩy lạm phát - đều lao dốc.
Các dữ liệu trước đó cũng chỉ ra tăng trưởng kinh tế và lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt. Theo báo cáo vừa được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố, số việc làm trong tháng 12 của Mỹ ghi nhận tốc độ tăng hàng tháng thấp nhất trong vòng 2 năm. Thu nhập của người Mỹ cũng giảm tốc tăng trưởng.
Hơn nữa, chỉ số quản lý thu mua (PMI) từ Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM) chỉ ra các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã lao dốc bất ngờ trong tháng 12. Đây là mức giảm lớn nhất trong vòng 2 năm rưỡi do nhu cầu suy yếu.
Fed có thể đặt cược khác với thị trường
Những bước tiến trong cuộc chiến chống lạm phát của ngân hàng trung ương Mỹ sẽ quyết định việc Fed tăng lãi suất tới khi nào.
Trên thị trường kỳ hạn, các nhà giao dịch tiếp tục đặt cược rằng Fed chỉ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tiếp theo. Chỉ 20% nhà đầu tư dự đoán Fed tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/1 đầy biến động, chỉ số Dow Jones và S&P 500 tăng lần lượt 216,96 điểm (+0,64%) và 13,56 điểm (+0,34%). Còn chỉ số Nasdaq tăng 5 ngày liên tiếp lên hơn 11.000 điểm.
"Thị trường dự báo Fed tăng lãi suất chưa tới 50 điểm cơ bản. Tôi tin rằng lần này, thị trường đã đúng", bà Simona Mocuta - chuyên gia kinh tế trưởng tại State Street Global Advisors - nhận định.
Nhưng bà thừa nhận rằng Fed có thể mâu thuẫn với thị trường. Một số chuyên gia cũng nhận định dù các tín hiệu chỉ ra lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt, Fed vẫn sẽ giữ lập trường "diều hâu".
Biên bản cuộc họp gần nhất của cơ quan này cho thấy lập trường chính sách thắt chặt sẽ được duy trì, đến khi các dữ liệu chỉ ra "lạm phát đang giảm bền vững về 2%".
"Fed lo ngại về một cú sốc nguồn cung thứ hai, có thể do Trung Quốc đột ngột từ bỏ chiến lược Zero-Covid hoặc các biến động từ xung đột Nga - Ukraine. Vì thế, họ không muốn tuyên bố chiến thắng quá sớm", bà Diane Swonk - chuyên gia kinh tế trưởng tại KPMG - nhận định.
"Hy vọng rằng hiện tại, chúng ta có thể mơ về một cú tiếp đất an toàn. Điều đó đòi hỏi Fed không chỉ dừng tăng lãi suất, mà còn bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm hơn. Nhưng dường như ngân hàng trung ương Mỹ sẽ không làm như vậy", bà dự báo.
"Fed đang đặt cược khác với thị trường", vị chuyên gia nói thêm.
Mời độc giả đón đọc gợi ý về các cuốn sách kinh tế thế giới tại Tủ sách kinh tế thế giới. Các cuốn sách cung cấp các thông tin hấp dẫn về các doanh nhân, triết lý kinh doanh, quy luật kinh tế, khủng hoảng tài chính, tiêu dùng cá nhân...