Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 22/3 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đã lao dốc mạnh trong vòng 24 giờ qua. Giá của mỗi ounce vàng giảm 36 USD so với một ngày trước đó xuống 1.941 USD.
Như vậy, thị trường kim loại quý đã xóa sạch đà tăng trong tuần này. Hôm 20/3, giá vàng xuyên thủng ngưỡng 2.000 USD/ounce lần đầu tiên sau một năm.
Thị trường kim loại quý chịu sức ép lớn trước cuộc họp chính sách diễn ra trong 2 ngày 21 và 22/3 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Giới đầu tư tin rằng ngân hàng trung ương vẫn giữ quan điểm "diều hâu" bất chấp những lộn xộn trong ngành ngân hàng thời gian qua.
Thêm vào đó, áp lực chốt lời cũng đè nặng lên thị trường kim loại quý sau khi giá vượt ngưỡng kháng cự 2.000 USD/ounce.
Giá vàng rớt mạnh trong vòng 24 giờ qua. Ảnh: Trading Economics. |
Áp lực bán tháo
"Nhạc đã tắt và đà tăng của vàng bị chặn đứng. Phố Wall giờ đây tin rằng các nhà chức trách trên thế giới sẽ ngăn chặn tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng và ngăn vết thương lan rộng", ông Edward Moya - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - nhận định với Zing.
"Giá vàng đã 'chín muồi' và các nhà đầu tư bắt đầu chốt lời", vị chuyên gia đề cập tới việc kim loại quý xuyên thủng ngưỡng 2.000 USD/ounce.
"Các nhà giao dịch cũng trở nên thận trọng hơn trước cuộc họp chính sách của FOMC (cơ quan hoạch định chính sách của Fed)", ông Moya nhận định.
Giá vàng đã "chín muồi" và các nhà đầu tư bắt đầu chốt lời
Chuyên gia tài chính Edward Moya
Đa số chuyên gia tin rằng trong cuộc họp chính sách tháng 3, Fed sẽ nâng lãi suất điều hành từ 4,5-4,75% lên 4,75-5%. Tính đến sáng 21/3, các thị trường kỳ hạn định giá khả năng ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất là khoảng 80%.
"Các dữ liệu vĩ mô cho thấy Fed sẽ phải thắt chặt hơn nữa. Nhưng cơ quan này cần giải thích về chính sách kép của mình", CNBC dẫn lời ông Michael Gapen, chuyên gia kinh tế trưởng của Mỹ tại Bank of America, nhận định.
Trước đó, nhiều nhà đầu tư cho rằng tình trạng hỗn loạn trong ngành ngân hàng có thể buộc Fed phải tạm dừng tăng lãi suất dù lạm phát đã leo thang trở lại. Tuy nhiên, một số quan chức Fed vẫn nghiêng về việc sử dụng những công cụ cho vay khẩn cấp để ổn định lĩnh vực tài chính. Điều này sẽ cho phép ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất nhằm bình ổn giá cả.
Đà giảm không kéo dài
Hơn nữa, các cơ quan quản lý cũng vào cuộc quyết liệt để ngăn khủng hoảng ngành ngân hàng lan rộng. Giới chức Mỹ đã hành động để đảm bảo tiền gửi cho khách hàng tại Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank. Fed cũng cung cấp những khoản vay ưu đãi với thời hạn lên tới một năm.
Nhằm đảm bảo ổn định tài chính toàn cầu, Fed cùng Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), ngân hàng trung ương của Canada, Anh, Nhật Bản và Thụy Sĩ công bố những nỗ lực phối hợp nhằm tăng tính thanh khoản của USD thông qua các thỏa thuận hoán đổi.
Trong khi đó, giới chức Thụy Sĩ cũng chi khoản tiền kỷ lục nhằm thúc đẩy thỏa thuận mua lại giữa UBS và Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ 2 nước này.
Theo thỏa thuận, chính phủ Thụy Sĩ sẽ cấp hơn 9 tỷ USD nhằm trang trải những khoản chi phí khổng lồ tiềm ẩn khi tiếp quản Credit Suisse. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ hỗ trợ khoảng 100 tỷ USD thanh khoản cho UBS.
Trước đó, các rắc rối trong ngành ngân hàng khiến dòng tiền đổ xô tới những tài sản trú ẩn an toàn, và vàng hưởng lợi trực tiếp. Tuy nhiên, theo ông Moya, đà bán tháo trên thị trường vàng sẽ không kéo dài sau cuộc họp của Fed.
"Tôi cho rằng Fed sẽ đưa ra những tuyên bố về việc sẵn sàng đánh đổi tăng trưởng kinh tế để hạ nhiệt lạm phát. Khi đó, nguy cơ suy thoái có thể lại thúc đẩy dòng tiền đổ vào vàng như một kênh phòng ngừa rủi ro", vị chuyên gia giải thích.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.