Giá vàng vừa trải qua một ngày biến động dữ dội. Theo dữ liệu của Kitco.com, trong phiên 29/6 (giờ Mỹ) trên sàn New York, giá kim loại quý đã rơi một mạch xuống gần 1.892 USD/ounce rồi bật tăng và kết thúc phiên ở mức 1.908 USD/ounce.
Tính đến 16h ngày 30/6 (giờ Việt Nam), theo dữ liệu của Trading Economics, giá vàng thế giới đang dao động quanh ngưỡng 1.902 USD/ounce, chỉ cao hơn một chút so với mốc quan trọng 1.900 USD/ounce.
Biến động của giá vàng trong phiên 29/6 trên sàn Mỹ. Ảnh: Kitco.com. |
Giá vàng rơi xuống dưới ngưỡng 1.900 USD/ounce
Việc giá vàng mất mốc 1.900 USD/ounce đã được các chuyên gia phân tích thị trường cấp cao dự báo từ trước trong cuộc phỏng vấn với Tri thức trực tuyến.
Áp lực bán tháo đang đè nặng lên thị trường vàng. Giới đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ còn phải tăng lãi suất điều hành thêm nhiều lần nữa trong năm nay, và hy vọng về việc cắt giảm lãi suất vào cuối năm đã bốc hơi hoàn toàn.
"Việc kim loại quý mất mốc 1.900 USD/ounce không phải điều bất ngờ", ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Anh - nói với Tri thức trực tuyến.
"Sức hấp dẫn của vàng đã bay hơi. Các nhà đầu tư nhận ra rằng không chỉ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay, mà ngay cả việc cắt giảm lãi suất cũng sẽ rất khó xảy ra", ông Erlam giải thích.
Giá vàng thế giới đang được giao dịch quanh ngưỡng 1.902 USD/ounce. Ảnh: Trading Economics. |
"Lạm phát thậm chí còn dai dẳng hơn dự đoán, và đó là tin xấu đối với vàng", vị chuyên gia nhận định.
Dữ liệu mới nhất về nền kinh tế Mỹ là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực kìm hãm lạm phát của Fed và thị trường vàng. Theo báo cáo được Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 29/6, trong quý I, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với ước tính trước đó.
Cụ thể, GDP quý I tăng trưởng 2% so với cùng kỳ năm 2022, vượt xa mức ước tính là 1,3%. Trước đó, các nhà kinh tế được Refinitiv khảo sát dự đoán tốc độ tăng trưởng chỉ là 1,4%.
Sẽ còn nhiều đợt tăng lãi suất
Ước tính GDP mới nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chống chịu tốt hơn nhiều tưởng tượng. Sức mạnh chi tiêu của người tiêu dùng nước này vẫn còn mạnh mẽ, dù các nhà kinh tế chỉ ra tăng trưởng kinh tế của Mỹ đã giảm tốc trong những tháng gần đây.
Ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất điều hành 10 lần liên tiếp kể từ tháng 3 năm ngoái để hạ nhiệt lạm phát. Cơ quan này sẵn sàng đánh đổi bằng tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường lao động chậm lại.
Những dữ liệu mới nhất về nền kinh tế Mỹ sẽ là tin xấu với Fed. Nền kinh tế Mỹ chống chịu tốt hơn so với dự báo đồng nghĩa với việc các quan chức ngân hàng trung ương có thể phải làm nhiều hơn.
Chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng sẽ tăng theo lãi suất, từ đó triệt tiêu sức hấp dẫn của kim loại quý. Vàng là tài sản trú ẩn an toàn không được trả lãi.
Ngay cả vai trò trú ẩn an toàn của kim loại quý đã trở nên mờ nhạt nhờ khả năng chống chịu của kinh tế Mỹ. Thị trường vàng thường hưởng lợi trực tiếp trong bối cảnh bất ổn kinh tế.
Giá vàng giảm mạnh sau khi vọt lên mức 2.050,5 USD/ounce hồi đầu tháng 5. Thời điểm đó, các nhà đầu tư tin rằng Fed sắp sửa hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất. Trên thực tế, ngân hàng trung ương Mỹ đã giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách gần nhất, nhưng giới chức Fed phát tín hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay.
Các bình luận của ông Jerome Powell - Chủ tịch Fed - cũng là trở ngại lớn đối với kim loại quý. Chỉ một tuần sau cuộc họp tháng 6, ông Powell chỉ ra việc giữ nguyên lãi suất chỉ là quãng thời gian tạm nghỉ ngắn ngủi, chứ không phải dấu hiệu cho thấy ngân hàng trung ương đã dừng tăng lãi suất.
Trong phiên họp về chính sách tiền tệ mới đây ở Sintra (Bồ Đào Nha), Chủ tịch Fed cũng tiết lộ ngân hàng trung ương sẽ "thắt chặt nhiều hơn".
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.