Theo dữ liệu của Trading Economics, giá của mỗi ounce vàng đã lao dốc 142,5 USD trong vòng gần 2 tháng qua. Kim loại quý hiện được giao dịch dưới ngưỡng 1.910 USD/ounce, giảm mạnh so với 2.050,5 USD/ounce hồi đầu tháng 5.
Trong vòng 24 giờ qua, giá vàng có thời điểm rớt xuống dưới ngưỡng 1.904 USD/ounce rồi bật tăng nhẹ lên 1.908 USD/ounce. Kim loại quý vẫn đang chịu áp lực lớn do quan điểm diều hâu của các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới.
Giá vàng đang ở mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3. Ảnh: Trading Economics. |
Giá giảm mạnh
"Giá vàng tiếp tục trượt dốc trong tuần này sau khi rơi xuống dưới ngưỡng 1.910 USD/ounce. Việc kim loại quý mất mốc 1.900 USD/ounce sẽ không phải điều bất ngờ", ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Anh - nói với Tri thức trực tuyến.
Theo vị chuyên gia, đây là ngưỡng giá quan trọng của kim loại quý. Các nhà đầu tư vàng đang dồn sự chú ý vào mốc này.
"Sức hấp dẫn của vàng đã bay hơi. Các nhà đầu tư nhận ra rằng không chỉ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay, mà ngay cả việc cắt giảm lãi suất cũng sẽ rất khó xảy ra", ông Erlam giải thích.
Sức hấp dẫn của vàng đã bay hơi. Các nhà đầu tư nhận ra rằng không chỉ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay, mà ngay cả việc cắt giảm lãi suất cũng sẽ rất khó xảy ra.
Ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Anh
"Lạm phát thậm chí còn dai dẳng hơn dự đoán, và đó là tin xấu đối với vàng", vị chuyên gia nhận định.
Theo dữ liệu chính thức, trong tháng 6, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 1 năm rưỡi. Trong khi đó, vào tháng 5, doanh số bán nhà mới cho các hộ gia đình cũng ghi nhận mức tăng 12,2%, vượt dự báo của giới quan sát.
Các dữ liệu này cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang chống chịu rất tốt trước 10 đợt tăng lãi suất điều hành liên tiếp của Fed kể từ tháng 3 năm ngoái. Ngân hàng trung ương Mỹ đã giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 6 này, nhưng chỉ nhằm đánh giá tác động của các đợt nâng lãi suất đối với nền kinh tế.
Chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng sẽ tăng theo lãi suất, từ đó triệt tiêu sức hấp dẫn của kim loại quý. Vàng là tài sản trú ẩn an toàn không được trả lãi.
Ngay cả vai trò trú ẩn an toàn của kim loại quý đã trở nên mờ nhạt nhờ khả năng chống chịu của kinh tế Mỹ. Tình hình phức tạp tại Nga cũng không thể hỗ trợ giá vàng.
Hồi năm ngoái, giá kim loại quý đã tăng phi mã sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine.
Những bình luận diều hâu
"Thị trường vàng đã gặp khó kể từ đầu tháng 5. Nếu giới đầu tư đặt cược vào việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa, giá vàng sẽ rơi xuống dưới ngưỡng 1.900 USD/ounce", ông Edward Moya - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Mỹ - dự báo với Tri thức trực tuyến.
Ngày 28/6 (giờ Mỹ), những bình luận của ông Jerome Powell - Chủ tịch Fed - một lần nữa giáng đòn lên vàng và chứng khoán Mỹ. Trong một phiên họp về chính sách tiền tệ ở Sintra (Bồ Đào Nha), ông tiết lộ Fed sẽ "thắt chặt nhiều hơn". Ông cho biết điều đang thúc đẩy lạm phát là một thị trường lao động thiếu cung.
Sau bài phát biểu của ông Powell, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 74,08 điểm, tương đương 0,22%, còn 33.852,66 điểm trong phiên giao dịch ngày 28/6 (giờ Mỹ). Còn chỉ số S&P 500 ghi nhận mức giảm 1,55 điểm xuống 4.376,86 điểm.
Tại diễn đàn, bà Christine Lagarde - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) - cũng khẳng định rằng cơ quan này "rất có khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất" trong cuộc họp tháng 7.
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kìm hãm lạm phát. Ông nói cơ quan này sẽ không tính đến việc tăng mục tiêu lãi suất hiện ở mức 2%.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.