Vàng miếng vừa có phiên lập đỉnh mới, trong khi vàng nhẫn cũng đang neo ở vùng giá cao. Ảnh: Chí Hùng. |
Những ngày gần đây, giới đầu tư vàng thế giới tin tưởng rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã xử lý lạm phát thành công nhờ nhiều đợt tăng lãi suất mạnh tay, và ngân hàng trung ương này có thể bắt đầu giảm lãi suất từ tháng 3 năm sau.
Dự báo về lãi suất đã khiến đồng USD suy yếu, từ đó khiến vàng càng hấp dẫn hơn.
Đóng cửa phiên giao dịch 20/12, giá vàng thế giới dao động quanh vùng 2.041 USD/ounce, tăng 63 USD so với một tháng trước.
Sẽ tiếp tục tăng giá?
Trong nước, giá vàng cũng đang biến động cùng chiều với thế giới. Vàng miếng SJC vừa có phiên lập đỉnh lịch sử mới vào hôm 20/12, tiến sát vùng 76 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, mặt hàng vàng nhẫn - vốn tiệm cận với giá vàng thế giới - cũng đang neo ở vùng giá cao 61,5 - 62,5 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Trái ngược với diễn biến tăng nóng của thị trường vàng, tình hình lãi suất tiết kiệm ngân hàng lại đang giảm xuống mức thấp trong lịch sử, không chỉ tại các ngân hàng quốc doanh mà ở cả nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ hơn.
Hiện 4 ngân hàng quốc doanh gồm BIDV, VietinBank, Agribank, Vietcombank niêm yết mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên chỉ quanh mức 4,8-5,3%/năm. Trong khi lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại PVComBank, NamABank, NCB cũng chỉ là 5,7%/năm...
Diễn biến này càng khiến ngày càng nhiều nhà đầu tư cân nhắc về việc đầu tư vàng.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Ths. Nguyễn Thu Giang, Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân Công ty CP Tư vấn đầu tư & Quản lý tài sản FIDT, đánh giá vàng có 3 ưu điểm lớn là duy trì tăng trưởng giá trị ổn định theo thời gian, kênh trú ẩn an toàn trong tình hình kinh tế bất ổn và là công cụ phòng thủ lạm phát.
Tuy nhiên, so với thời điểm cuối năm 2022, giá vàng SJC đã tăng từ mức 66 triệu đồng/lượng lên gần 76 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng ròng gần 10 triệu đồng. Do đó, lợi thế về tăng giá đã giảm đi khá nhiều. Đồng thời, nguy cơ lạm phát trong nước cũng không còn cao bởi mặt bằng giá cả các mặt hàng trong nước nhìn chung đều đang ổn định.
Diễn biến giá vàng miếng SJC trong một năm qua. Nguồn: SJC, giavang.org. |
Dù vậy, bà Giang cho rằng tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều nguy cơ, đặc biệt là sau khi Fed giảm lãi suất. Điều này khiến giới quan sát và đầu tư khó đoán định kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới sẽ vận động theo xu hướng nào.
Do đó, vị chuyên gia đánh giá triển vọng vàng tăng giá trong thời gian tới chỉ được hỗ trợ bởi yếu tố duy nhất là sự bất ổn và bất ngờ của kinh tế Mỹ cùng kinh tế thế giới.
Bà Giang cũng cho biết thêm đầu tư vàng cũng có nhiều bất lợi. Xu hướng coi vàng là kênh đầu tư đang giảm dần khi giới trẻ không còn quen thuộc và ưa chuộng vàng như các thế hệ trước. Việc giữ vàng cũng đòi hỏi có không gian cất trữ đề phòng cháy nổ, mất cắp. Chưa kể, vàng trong nước đang có sự chênh lệch lớn với giá vàng thế giới.
"Nếu người mua đang quan tâm đến vàng nhẫn thì bất lợi thứ 3 không tác động nhiều, nhưng 2 yếu tố bất lợi đầu tiên vẫn rất đáng để lưu tâm", Ths. Nguyễn Thu Giang chia sẻ.
Có nên đầu tư?
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, giá vàng trong nước đang neo ở mức cao và tài sản này vẫn trong giai đoạn biến động mạnh.
Ông Hiếu đánh giá thị trường vàng không phù hợp để dồn tiền lướt sóng, trừ trường hợp nhà đầu tư có nhiều công cụ phái sinh để hạn chế rủi ro. Nếu mua vàng lúc này vì thấy giá đang lên thì nhà đầu tư cần có dự phòng.
Ông khuyến nghị nhà đầu tư "bỏ trứng vào nhiều rổ", tìm cách phân bổ tiền để đầu tư vào các kênh khác nhau như gửi ngân hàng để nhận một mức lãi suất an toàn, bình quân 5%/năm, hoặc đầu tư vào tài sản khác như bất động sản, cổ phiếu tốt... Qua đó, nhà đầu tư có thể bù trừ rủi ro giữa các kênh.
Đối với vàng, nhà đầu tư nên mua và nắm giữ từ 6 tháng đến 1 năm. Trong trường hợp nhà đầu tư thích mạo hiểm, mua vàng vào thời điểm này để lướt sóng với tâm lý chờ giá lên cao và bán ra vào ngày Vía Thần tài năm sau để kiếm lời, ông Hiếu cho rằng rất nguy hiểm.
Riêng với mặt hàng vàng nhẫn, Ths. Nguyễn Thu Giang cho rằng nếu mua với số lượng ít, mua dần từng tháng, dùng làm quỹ dự phòng hoặc chưa có nhu cầu dùng đến trong vòng 3 năm sắp tới, thì hầu như thời điểm nào cũng có thể mua vàng nhẫn.
"Còn nếu bạn mua để đầu tư, mua với số lượng lớn, điều đó cần dựa vào kiến thức và kinh nghiệm đầu tư. Nếu là nhà đầu tư mới chưa có kinh nghiệm, nên cân nhắc kỹ hơn trước khi mua vào tại thời điểm này bởi giá vàng đã tăng hơn 10% trong vòng 12 tháng”, bà Giang đưa lời khuyên.
Độc giả Znews có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...