Mới đây, Amersham Industries, quỹ thành viên thuộc nhóm Dragon Capital, báo cáo đã bán ra 200.000 cổ phiếu KDH của CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền.
Giao dịch được diễn ra trong phiên 14/12, qua đó giảm tổng lượng cổ phần KDH mà nhóm Dragon Capital nắm giữ từ 88 triệu xuống 87,8 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ sở hữu giảm từ 11,01% xuống còn 10,985% vốn.
Tạm tính theo giá đóng cửa phiên này, giao dịch trên có thể giúp Dragon Capital thu về khoảng 6 tỷ đồng.
Động thái bán ra của quỹ thành viên này xuất hiện trong giai đoạn cổ phiếu KDH liên tục điều chỉnh kể từ đầu tháng 12 đến nay và chưa có tín hiệu dừng lại. Đóng cửa phiên 19/12, thị giá KDH tạm dừng ở mốc 30.100 đồng sau khi giảm 5 phiên liên tiếp.
Tỷ lệ sở hữu tại KDH của nhóm quỹ Dragon Capital hạ về 10,98%. Ảnh: KDH. |
Cũng liên quan tới giao dịch của cổ phiếu KDH, phiên 26/7 trước đó, 2 quỹ liên quan đến Dragon Capital là CTBC Vietnam Equity Fund và Samsung Vietnam Securitis Master Investment Trust (Equity) mua vào tổng cộng 900.000 cổ phiếu KDH trong khi KB Vietnam Focus Balanced Fund bán ra 20.000 cổ phiếu. Ước tính tổng giá trị mua ròng của nhóm này khoảng 30,8 tỷ đồng.
Trước xu hướng rung lắc của thị trường vào những tháng cuối năm, nhóm quỹ Dragon Capital tương đối “bận rộn” khi liên tục thực hiện giao dịch mua bán, cơ cấu lại danh mục đầu tư.
Trước phiên giao dịch bán KDH một ngày, quỹ thành viên Norges Bank cũng bán ra 100.000 cổ phiếu VHC của CTCP Vĩnh Hoàn, ước tính thu về 8 tỷ đồng theo thị giá đóng cửa trong phiên 13/12.
Sau giao dịch, lượng cổ phần VHC trong tay nhóm quỹ này giảm từ 9,4 triệu xuống 9,3 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ sở hữu giảm từ 5,02% xuống còn 4,97% vốn, đồng thời không còn là cổ đông lớn tại Vĩnh Hoàn.
Xu hướng này cũng xuất hiện tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, có thể kể đến như giao dịch bán 1,5 triệu cổ phiếu VPB (VPBank) vào ngày 17/8 của quỹ thành viên Wareham Group Limited, ước tính thu về 33 tỷ đồng. Nhóm Dragon Capital cũng không còn là cổ đông lớn tại nhà băng này sau khi tỷ lệ sở hữu thu hẹp xuống 4,9925%.
Hay đáng chú ý nhất là giao dịch bán thỏa thuận 120,98 triệu cổ phiếu ACB (Ngân hàng Á Châu) dự kiến thu về 3.158 tỷ đồng của Dragon Capital trong phiên 7/8. Tỷ lệ sở hữu sau giao dịch giảm từ 6,9193% xuống còn 3,8046%, đưa quỹ ngoại ra khỏi danh sách cổ đông lớn.
Nhóm quỹ Dragon Capital bán 120,98 cổ phiếu ACB đúng mức cao nhất trong vòng 2 năm qua. Ảnh: DNSE. |
Ở chiều mua, nhóm quỹ ngoại cũng đẩy mạnh gom hàng khi thị trường bắt đầu điều chỉnh vào đầu quý IV.
Trong chưa đầy một tháng kể từ ngày 19/10, nhóm quỹ Dragon Capital đã mua ròng 21,4 triệu cổ phiếu STB (Sacombank), qua đó nâng lượng cổ phần nắm giữ từ 92,7 triệu cổ phiếu lên 114 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu tăng từ 4,91% lên 6,05%.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu STB hồi phục trở lại sau khi giảm sâu. Ngoài ra, nhà băng cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực với lợi nhuận trước thuế trong quý III đạt 2.085 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Lợi nhuận lũy kế 9 tháng đầu năm cũng tăng 54% lên 6.840 tỷ đồng.
Ở nhóm bán lẻ, cổ phiếu FRT của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) cũng được nhóm quỹ ngoại này tích cực gom vào. Gần nhất trong phiên 26/10, nhóm quỹ Dragon Capital mua khớp lệnh 232.600 cổ phiếu FRT, nâng lượng sở hữu từ 13,3 triệu lên 13,6 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 10%. Kể từ giữa tháng 9, nhóm này đã gom ròng 2,9 triệu cổ phiếu FRT.
Các khoản đầu tư vào cổ phiếu FRT đều đang có lãi. Ảnh: DNSE. |
Động thái của Dragon Capital đóng góp động lực không nhỏ cho đà hồi phục của cổ phiếu ngành bán lẻ này. Trong phiên 15/11, cổ phiếu FRT đóng cửa ở mốc 104.900 đồng/đơn vị, mức cao nhất từ trước đến nay.
Với thị giá dao động trên dưới mốc 100.000 đồng/đơn vị như hiện tại, các giao dịch mua cổ phiếu FRT của nhóm quỹ đều đang có lãi.
Vào ngày 2/11, nhóm quỹ Dragon Capital cũng thắng lớn khi bắt đáy thành công 1,3 triệu cổ phiếu VCG của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Tỷ lệ sở hữu của cả nhóm nâng từ 4,82% lên 5,07% và chính thức trở thành cổ đông lớn.
Hiện thị giá VCG đang dao động gần mốc 24.000 đồng/đơn vị, tức đã tăng 14% so với thời điểm quỹ chi tiền bắt đáy.
Độc giả Znews có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...