Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá trị gia tăng nội sinh là gì?

Sẽ chỉ vô ích khi mà giá trị gia tăng doanh nghiệp tạo ra lại không được khách hàng thấy là giá trị gia tăng cho họ!

Giá trị gia tăng: Tính chất, lĩnh vực và kích thước

Khách hàng chỉ mua những sản phẩm dịch vụ nào mà họ nghĩ rằng có khả năng mang đến cho họ những giá trị gia tăng (added value) cao nhất. Vì thế, mục tiêu của doanh nghiệp là phải làm ra giá trị gia tăng từ ý muốn của khách hàng và cho khách hàng. Thêm nữa, những giá trị gia tăng đó phải có tính chất, nội dung và tầm cỡ được khách hàng đánh giá là cao hơn các đối thủ cạnh tranh mang đến.

Cốt lõi trong định đề trên chính là vai trò của khách hàng trong việc đánh giá giá trị gia tăng: sẽ chỉ vô ích khi mà giá trị gia tăng doanh nghiệp tạo ra lại không được khách hàng thấy là giá trị gia tăng cho họ!

Gia tri anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Katelyn Whitson/Pexels.

Do đó, đầu tiên cần phân định rõ hai tính chất của giá trị gia tăng: nội sinh và ngoại sinh. Sau đó tìm hiểu các lĩnh vực phát xuất và các chiều kích cấu thành của giá trị gia tăng ngoại sinh vốn là một khái niệm vẫn thường được đề cập nhưng lại rất ít được đào sâu.

Tính chất của giá trị gia tăng nội sinh

Khái niệm giá trị gia tăng nội sinh (endogenous added value) được phổ cập bằng mô hình “Chuỗi giá trị” (Value Chain) của Michael Porter:

Có thể khái quát mô hình trên như sau: từ nguyên vật liệu ở đầu vào (input) đến mặt hàng ở đầu ra (output) được chào mời (offer), giá trị của sản phẩm dịch vụ được gia tăng ở mỗi công đoạn sản xuất chế biến.

Nhìn từ khía cạnh đó, nghĩa là từ khía cạnh doanh nghiệp, giá trị gia tăng tạo ra luôn luôn đi kèm với chi phí. Đơn giản: mỗi công đoạn sản xuất chế biến đòi hỏi phải thêm vào những khoản chi phí nhất định.

Nhưng nếu tổng giá trị gia tăng doanh nghiệp tạo ra tương đương với tổng chi phí mà doanh nghiệp phải hao tốn để làm ra sản phẩm dịch vụ chào hàng, thì giá trị gia tăng doanh nghiệp có được là gì? Rất đơn giản: giá trị gia tăng trực tiếp (direct added value) mà doanh nghiệp có được là chênh lệch giữa giá bán và giá thành của sản phẩm dịch vụ làm ra!

Vì thế, để tối ưu hóa giá trị gia tăng có được (nói cách khác, để đạt được lợi nhuận tối đa) doanh nghiệp vẫn thường chú trọng vào việc tác động hai yếu tố được xem là cơ bản của hoạt động kinh doanh: giá bán và giá thành!

Trong thị trường toàn cầu hóa cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc tác động để tăng giá bán trở nên càng lúc càng khó khăn đối với không ít doanh nghiệp, do đó quản lý chi phí cấu tạo giá thành (cost management)4 được tôn lên thành nguyên tắc ưu tiên hàng đầu!

Nguyên tắc quản lý chi phí sẽ đạt hiệu quả tích cực nếu các chi phí cắt giảm bao gồm tất cả các chi phí không những không cần thiết mà lại còn không tạo ra thêm một giá trị gia tăng nào cả cho mặt hàng hoặc cho doanh nghiệp.

Tăng giá bán theo hai cách cơ bản (không nhất thiết phải loại trừ nhau): một là nâng giá bán của từng đơn vị sản phẩm dịch vụ, hai là tăng khối lượng sản phẩm dịch vụ bán ra.

Quản lý chi phí cũng cơ bản theo hai cách (không loại trừ nhau): một là cắt giảm tất cả mọi chi phí vừa không cần thiết vừa không tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm dịch vụ ở mỗi công đoạn sản xuất chế biến, hai là tăng khối lượng sản phẩm dịch vụ làm ra để giảm giá thành của từng đơn vị.

Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao xác định được rõ ràng và nhất quán chi phí nào không cần thiết và không tạo ra giá trị gia tăng? Vì có thể một chi phí nào đấy trước mắt đúng là không cần thiết vì không tạo ra tức thời chút giá trị gia tăng nào cả nhưng chi phí ấy lại là một đầu tư để tạo ra những giá trị gia tăng không thể không có cho quá trình cạnh tranh trong tương lai!

Hoặc một loại chi phí nào đấy nhìn thấy ngay là rất tốn kém nhưng nếu cắt giảm thì sẽ gây hậu quả không hay cho việc tăng năng suất lao động, nghĩa là sẽ tác động đến kết quả của giá trị gia tăng trực tiếp mà doanh nghiệp muốn có.

Tôn Thất Nguyễn Thiêm/NXB Trẻ

Bình luận

SÁCH HAY