Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá thịt heo tăng, kinh tế TQ có thể chịu đựng thương chiến bao lâu?

Báo South China Morning Post bình luận vụ người tiêu dùng Trung Quốc chen chúc mua thịt giảm giá trong ngày khai trương siêu thị Mỹ Costco ở Thượng Hải dẫn tới nhiều câu hỏi lớn.

Ngày 27/8, chuỗi bán lẻ Mỹ Costco khai trương siêu thị đầu tiên tại Thượng Hải (Trung Quốc). Siêu thị này đóng cửa sớm vì "lý do an ninh", sau khi hàng nghìn khách mua hàng chen lấn, tranh giành các món hàng giảm giá như rượu Mao Đài, bánh sừng bò và thịt heo.

Thịt heo là thực phẩm quan trọng tại thị trường Trung Quốc, có ảnh hưởng lớn tới chỉ số lạm phát. Theo South China Morning Post, điều đáng lo ngại với nền kinh tế Trung Quốc là giá thịt heo tăng vọt lên mức kỷ lục trong vài tuần qua. 

Chien tranh thuong mai My - Trung anh 1
Tình trạng nhốn nháo tại siêu thị Costco ở Thượng Hải ngày khai trương. Ảnh: CNN.

Ngày 20/8, chính quyền thị trấn Phủ Điền thuộc tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) thông báo trợ giá 0,56 USD cho mỗi kg thịt heo. Theo đó, người dân địa phương có căn cước hợp lệ sẽ được mua tối đa 2 kg thịt heo.

Tuy nhiên, thay vì có tác dụng trấn an công chúng, thông báo của thị trấn Phủ Điền khiến nhiều người Trung Quốc lo ngại tình trạng giá cả leo thang và gợi nhớ lại thời kỳ tem phiếu của hàng chục năm trước đây.

Đằng sau vụ lùm xùm Costco

Vụ lùm xùm Costco và hiện tượng giá thịt heo tăng vọt đã dẫn tới nhiều tranh luận về thị trường tiêu dùng Trung Quốc. Tân Hoa Xã mô tả ngày khai trương nhốn nháo của siêu thị Costco Thượng Hải "phản ánh sức sống của thị trường tiêu dùng Trung Quốc".

Global Times đăng tải bài xã luận với tựa đề "Ngày khai trương của siêu thị Costco tại Trung Quốc thánh thức ý đồ phân ly kinh tế của Mỹ" và ca ngợi chuỗi bán lẻ Mỹ vì đã làm trái yêu cầu "rút khỏi Trung Quốc" của Tổng thống Donald Trump.

Ngược lại, báo The Star của Canada lập luận rằng ngày khai trương của Costco Thượng Hải cho thấy giới hạn của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc trong chiến tranh thương mại chống Mỹ. "Ở Trung Quốc, cũng giống như nhiều nơi khác, các ưu đãi hấp dẫn thường lấn át luận điệu dân tộc cực đoan", The Star bình luận.

South China Morning Post dẫn lời ông Li Guangdou, chuyên gia tư vấn thương hiệu tại Bắc Kinh, cho rằng có những dấu hiệu đáng lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc ở hình ảnh "các bà, các cô giành giật nhau một miếng thịt heo tại Thượng Hải".

Chien tranh thuong mai My - Trung anh 2
Đám đông chen chúc để mua thịt heo giảm giá trong siêu thị Costco Thượng Hải. Ảnh: New York Times.

"Tại một thành phố lớn, hàng hóa dồi dào và đứng đầu trong bảng xếp hạng GDP bình quân đầu người ở Trung Quốc, hiện tượng người tiêu dùng quyết liệt săn hàng giảm giá cho thấy thu nhập của số đông đang giảm sút và thói quen tiêu dùng của họ thay đổi", chuyên gia Li nhấn mạnh.

Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, các chuyên gia kinh tế quốc tế tranh cãi dữ dội về việc quốc gia nào có khả năng chịu đựng áp lực kinh tế tốt hơn. Daniel Chen, một YouTuber người Trung Quốc có tiếng, cho rằng Trung Quốc có lợi thế hơn Mỹ.

"Người Mỹ sẵn sàng bỏ phiếu loại bỏ một tổng thống khi họ phải chuyển từ ăn thịt bò sang ăn thịt heo, còn người Trung Quốc có thể chịu đựng được việc chuyển từ ăn thịt heo sang ăn rau", ông Chen quả quyết. 

Khả năng chịu đựng và thịt heo

Theo South China Morning Post, nhìn từ góc độ này, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung giống như một bài thử sức bền của hai nền kinh tế.

Người Trung Quốc tiêu thụ 700 triệu con heo mỗi năm, chiếm 50% nhu cầu toàn cầu. Thịt heo là loại thịt rất được yêu thích tại Trung Quốc, chiếm 60% tổng lượng thịt được tiêu thụ.

Theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, giá thị tăng 18,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 7. Trong đó, giá thịt heo tăng 27%, đẩy chỉ số giá tiêu dùng nhích lên thêm 0,59%.

Tháng 8/2018, ca cúm heo châu Phi đầu tiên được xác nhận ở Trung Quốc, trùng khớp với thời điểm chính quyền Bắc Kinh dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt heo từ Nga. Trên mạng xã hội, nhiều người Trung Quốc suy đoán dịch bệnh bắt nguồn từ Nga và bùng lên vì Trung Quốc tăng cường nhập thịt heo Nga thay cho thịt heo Mỹ.

Chính quyền Trung Quốc khẳng định sẽ tăng cường hỗ trợ ngành công nghiệp chăn nuôi heo. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát dịch không đạt hiệu quả do ở nước này có hàng triệu trang trại nuôi heo nhỏ nằm cách xa nhau.

Chien tranh thuong mai My - Trung anh 3
Chiến tranh thương mại được đánh giá là bài thử sức bền của hai nền kinh tế Mỹ - Trung. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, nguồn cung đậu nành (thức ăn chủ yếu của heo) sụt giảm mạnh do chiến tranh thương mại. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, nhập khẩu đậu nành giảm 7,9% trong 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhập khẩu đậu nành từ Mỹ sụt hơn 70%. Chỉ trong 2 tháng qua, giá đậu nành nhập khẩu từ Brazil vào Trung Quốc tăng vọt 70%. 

Trước khi dịch cúm heo châu Phi lan rộng, Trung Quốc đã áp thuế 62% lên thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ. Tháng trước, Bắc Kinh tuyên bố ngừng mua nông sản Mỹ để trả đũa chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Nhưng trên thực tế, trước khi thuế bổ sung của ông Trump có hiệu lực ngày 1/9, Trung Quốc đẩy mạnh mua thịt heo Mỹ. Nước này nhập khẩu tới 1.861 tấn thịt heo từ ngày 16/8 đến 23/8.

Tết Trung thu đến gần, giá thịt heo tại Trung Quốc tiếp tục tăng vọt. Giới chuyên gia kinh tế dự đoán giá thịt heo tại Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tăng cho tới năm 2020, đồng nghĩa với việc lạm phát sẽ tăng lên, gánh nặng đè lên vai người tiêu dùng sẽ lớn hơn. 

Các quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc vẫn khẳng định nền kinh tế nước này sẽ càng mạnh mẽ hơn sau khi vượt qua chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, cần có thời gian để kiểm chứng điều đó. 

Ông Trump muốn tăng gấp đôi thuế trừng phạt đánh lên hàng Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump vô cùng giận dữ sau khi Trung Quốc đánh thuế lên 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Ông muốn tăng gấp đôi thuế trừng phạt, nhưng các cố vấn đã ngăn ông.

 

Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm